Pages

Friday, May 3, 2019

Một chuyến trở về Mỹ


Tôi mua vé máy bay trở về Mỹ ngày 30-4-2019, nhưng hết vé nên chuyển sang đi ngày 1-5-2019. Bây giờ chúng tôi đã về hưu, nên đi về ngày nào không thành vấn đề, miễn sao cho mọi việc thuận tiện thì thôi.

Lần trước đi về, gặp người nhân viên trẻ làm đúng quy định hay khó tính tôi chẳng hiểu, nhưng xách tay của tôi dư vài kg, còn hành lý ký gửi còn thiếu vài ký, anh ta bắt tôi phải lấy bớt hành lý từ xách tay đem sang thùng hành lý ký gửi, thế là tôi phải san sẻ hành lý, phải nhờ dịch vụ quấn nylon chung quanh thùng hành lý, công làm 100 ngàn, tôi chỉ còn 85 ngàn, họ không chịu lấy, tôi phải đưa thêm 1 đô, họ mới chịu rồi trả bới cho tôi 5 ngàn.

Rút kinh nghiệm lần trước, lần nầy tôi tìm hiểu, xách tay hãng American Airlines (AA) quy định là bao nhiêu, họ chỉ quy định kích thước mà không quy định trọng lượng. Còn hãng Japan Airlines (JAL) quy định cả kích thước và trọng lượng là dưới 10 kg hay 22 pounds. Tôi và nhà tôi phải làm theo quy định của Japan Airlines, mặc dù chúng tôi mua vé của AA, nhưng do JAL thực hiện chuyến bay, nên chúng tôi nghĩ làm theo quy định của JAL cho chắc ăn.

Lần trước đi về bằng máy bay AA, nhưng chuyển cảnh ở Boston, một hành khách đi cùng chuyến bay với chúng tôi mang về Mỹ nào là cá Lóc, cá Sặc kho, thịt gà xào xã … bị Hải quan khám xét, vất bỏ hết. Cô ta còn bị phạt 300 đô. Cô ta buồn hiu tâm sự với nhà tôi: “Mẹ cháu thức khuya, dậy sớm nấu nướng, vậy mà hải quan tịch thu hết, còn phạt 300 đô.”

Trước khi đi 2 ngày, nhà tôi mở Youtube cho tôi xem, một người từ Việt Nam về khui thùng mốp chứa nào cá, nào thịt muối, làm khô cả chục kg. Nhà tôi phân trần: “Đó không hiểu sao người ta đem qua được, không bị tich thu, không bị phạt chi cả !!”. Tôi nhớ 15 hay 20 năm trước từ Việt Nam trở lại Mỹ, tôi đem theo 2 hộp bánh Trung thu, chuyển cảnh tại Los Angeles bị Hải quan lấy ném vào thùng rác vì có nhân trứng !

Lần nầy vào cân hành lý, gặp cô nhân viên chẳng thắc mắc, cứ bỏ lên cân là cô ta dán nhãn, không nói nhẹ nặng chi cả.

Các tiếp viên JAL lần nầy có chuẩn bị, nhưng khi chào không đồng loạt, nên không đẹp mắt, lại có một nam tiếp vên trẻ, không như những lần trước, đội ngũ tiếp viên toàn là nữ.

Đến phi trường Narita tại Tokyo, chúng tôi được chuyển sang đi phi cơ của hãng AA. Tôi thích chuyển cảnh ở Chicago, nhưng lần trước bị chuyển cảnh tại Boston, lại phải đi một chuyến từ Boston về Chicago mất 3 giờ, rồi từ Chicago về nhà mất 1 giờ. Lần nầy chuyển cảnh ở Dallas Fort Worth.

Theo lịch trình, về đến Dallas vào lúc 4 giờ chiều. Đến 7 giờ đáp chuyến bay từ Dallas về Louisville. Trong chuyến nầy hành khách lên hết trên phi cơ, trời mưa khi phi cơ lăn bánh ra phi đạo. Chờ một lúc phi công thông báo vì có bão nên phi cơ không thể cất cánh, sẽ trở lại cổng khác để hành khách chuyển chuyến.

Trong khi chờ đợi, có một cô hành khách chừng 50 tuổi, cầm điện thoại, đến nói với tôi: “Chú ơi ! Con từ Việt Nam sang, không biết tiếng Anh, đi thăm con nhờ chú giúp đỡ, đây là con trai của con.”

Vừa nói, cô ta vừa đưa điện thoại cho tôi xem, thằng con trai cô ấy nói với tôi. “Chú ơi ! Mẹ cháu đi chung chuyến với chú, mẹ cháu không biết tiếng Anh, nhờ chú giúp đỡ !” Tôi trả lời ngay: “Được rồi, tôi sẽ giúp cho”.

Chúng tôi chờ khá lâu mới nhận được hành lý xách tay bị gửi theo máy bay, rồi được cho biết là hủy chuyến, mọi người phân tán, kẻ đi tìm chuyến bay đi phi trường khác, kẻ nhận chăn đắp để ngủ qua đêm tại phi trường, kẻ ghi vé đi chuyến khác. Hầu hết đều được ghi chuyến bay tới khởi hành lúc 8:25 tại Gate B16.

Nhà tôi đi xe lăn, nhưng không có ai đẩy xe, tôi khuyến khích nhà tôi đi bộ, lúc nào thấy có xe đẩy, tôi sẽ đẩy cho nhà tôi. Vì chúng tôi phải đi từ cổng B48 tới cổng B16. Cô kia cũng đi xe lăn, không ai đẩy, nên tự đi theo chúng tôi. Đi được vài cổng có xe lăn, tôi lấy đẩy cho nhà tôi.

Khi chúng tôi đến B16, đã có nhiều người ngồi trên ghế, nằm dưới thảm, kẻ đắp chăn, người đắp áo lạnh. Một số người đã ngủ khò, một vài người sử dụng Laptop, một số người sạc điện thoại, thỉnh thoảng có người không ngủ, đi lại. 


Một số công nhân làm tạp vụ như quét rác, lau cửa kính, lau dọn các nhà vệ sinh, lấy rác từ các thùng để vào xe đẩy. Nói chung vào ban đêm khi các chuyến bay ngưng, là lúc đội ngũ nhân viên tạp vụ rộn rịp làm vệ sinh trong phi trường. 


Những hàng ăn đều đóng cửa, hành khách đói, khát mua thức ăn, nước uống tại các tủ do máy bán, trả bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Nhà tôi leo lên cái bàn đá (granito) nhỏ hình tam giác, dùng chiếc chăn một phần trải, một phần đắp, tôi lo sạc điện thoại và chỉ ngồi trên chiếc ghế bành mà thôi, thỉnh thoảng đi lại, suốt đêm không hề chợp mắt.

Đến 4 giờ sáng, có một chiếc phi cơ cất cánh, sau đó có một anh chàng đẩy 2 chiếc xe nhỏ 4 bánh chở báo, chắc là để giao cho các chuyến bay đường dài có cung cấp báo hoặc giả giao cho các cửa hàng có bán báo ở trong phi trường. Đến 5 giờ tôi mới nghe có chuyến bay khác và thấy bắt đầu có hành khách vào phi trường.


Hơn 6 giờ thì chuyến bay của chúng tôi chuyển tới cổng B18. Đến 6:30 hành khách được mời lên phi cơ theo nhóm 1, 2 … sau đó, họ gọi tên hành khách bổ sung. Chúng tôi không có tên, hỏi ra mới biết chúng tôi được chuyển sang Gate C11.

Từ B muốn đến C phải dùng Skyline, tức là phải lên xe điện. Khi lên xe, tôi không biết làm sao đến cổng C, thấy một bà mặc đồng phục của AA hỏi, bà ta chỉ dẫn: “Tôi chỉ đi tới A, còn anh đi C thì nhìn ở cửa khi nó ngừng có chữ A, B, C, D. Bấy giờ tôi mới biết xe điện chạy vòng quanh một chiều. Khi tới cửa A bà ấy xuống, kế tiếp cũng là cửa A, cả 2 cửa đều có ghi từ A … đến A … Như vậy là tôi học được đi Skyline ở phi trường Dallas Fort-Worth.

Đến đây, chúng tôi được thay vé khác, chuyến bay khởi hành lúc 11 giờ. Trên vé đều có số chuyến bay, giờ bay, cổng đi nhưng không có số ghế. Bây giờ tôi mới hiểu vé của chúng tôi chỉ là vé tạm, khi nào chuyến bay có chỗ tróng, họ mới điền vào.

Tôi nghĩ, tôi đã làm việc mấy lần với nhân viên soát vé, yêu cầu họ cho số ghế, họ trả lời: “Chờ”, hoặc khi chuyển cổng, yêu cầu họ ghi số ghế, họ bảo đến cổng mới đó sẽ có. Tôi nghĩ chắc phải nhờ nhà tôi “lấy hên” đến làm việc với họ.

Tôi nhận thấy hành khách chờ đợi rất đông, chắc phải đi phi cơ lớn chứa trên 100 hành khách, còn tối hôm qua hay sáng sớm hôm nay phi cơ nhỏ chỉ chở được chừng 60 chỗ ngồi. Nhưng danh sách phụ “Upgrate” có 6 người, còn “Standby” tới 22 người, tôi đứng vị trí thứ 10.

Trong khi tôi đi tìm mua thức ăn, nhà tôi đi tiếp xúc với ông người Nhật phụ trách việc gọi khách lên máy bay. Nhà tôi ca bào con cá, đã đi từ Việt Nam, qua đây bị hủy chuyến, gần 3 ngày chưa về đến nhà. Ông ta hứa sẽ giúp đỡ.

Lúc đang mời hành khách lên phi cơ thì một cô Mỹ gọi tên tôi và nhà tôi, chúng tôi đến, tôi đưa 2 vé máy bay của chúng tôi cho cô ta đổi vé mới, cô Việt Nam đi cùng liền nhanh tay đưa vé cô ta vào. Cô Mỹ nói với tôi: “Bây giờ chỉ có 2 chỗ, ông đi 3 người phải không ? Tôi phải đáp: “Chúng tôi chỉ có 2 vợ chồng, còn cô nầy đi chung chuyến.” Thế là chúng tôi được đổi vé. Tôi nói liền với cô Mỹ: “Làm ơn giúp dùm cô nầy, vì cô ta không biết tiếng Anh”. Khi chúng tôi trình vé cho ông Nhật Bản kiểm soát người lên máy bay. Tôi nói với ông ta: “Làm ơn giúp dùm cô kia, vì cô ta không biết tiếng Anh.” Ông ta đáp: “Có thể”.

Tôi vào máy bay đã đầy kín người, mỗi dãi có 6 ghế, tôi ngồi hàng sau cùng số 47. Chẳng lâu sau, tôi thấy cô Việt Nam được đi, ngồi trên tôi 1 hàng ở dãi bên kia. Thế là tôi vui, vì cô ta cũng được đi, nếu không, không còn chuyến nào nữa trong ngày.

Hôm nay là Thứ Năm, cuối tuần là Derby Day, do vậy nhiều người đi đến Louisville để vui chơi vì trong 1 năm chỉ có ngày nầy là ngày hội lớn của Blue State, là nơi nuôi nhiều ngựa đua và có trường đua danh tiếng trên thế giới.

Trước đây tôi biết Kentucky là 1 trong 6 tiểu bang nghèo của nước Mỹ, có vùng nhà quê, báo chí mới phát hiện khoảng thập niên 1990, có những người Mỹ trắng đi chân không giày ! Nhưng ngược lại có kho vàng, chứa 2/3 số vàng của Mỹ và của các nước gửi Mỹ. Có trường đua ngựa danh tiếng thế giới, có hang động dài nhất thế giới Mamouth Cave.

Đến hơn 2 giờ chiều phi cơ mới đáp xuống phi trường SDF của Louisville, con gái tôi đi đón nói: “Cũng may mà cha mẹ về tới, chớ ba ngày nầy khó mà đi về đây !”. Đây là lần thứ hai chúng tôi phải nghỉ qua đêm tại phi trường, lần trước ở Denver. Tuy có vất vả, nhưng cũng có những cái được học, được có thêm kinh nghiệm.

8664030519





No comments:

Post a Comment