Pages

Sunday, May 19, 2019

Triết học Tây Phương thời Trung Cổ


Xã hội Tây phương thời Trung cổ được tính từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIV, tưởng cũng cần nhắc lại Hy Lạp cổ đại có một nền văn minh khởi đầu từ thời kỳ Tăm tối của Hy Lạp khoảng từ thế kỷ XII cho tới thế kỷ thứ IX Trước Công Nguyên (BC) và kéo dài đến cuối thời kỳ cổ đại, khoảng năm 600 BC. Tiếp nối giai đoạn này là sự bắt đầu của giai đoạn đầu thời kỳ trung cổ và kỷ nguyên Byzantine. Các thành bang Hy Lạp đã bắt đầu hình thành vào thế kỷ thứ VIII BC, mở ra thời kỳ Hy Lạp cổ xưa và quá trình thuộc địa hóa khu vực Địa Trung Hải.

Tiếp theo đó là thời kỳ Hy Lạp cổ điển, kỷ nguyên này được bắt đầu bằng các cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư, kéo dài từ thế kỷ thứ V cho đến thế kỷ thứ IV BC. Nhờ vào các cuộc chinh phạt được Alexandros Đại Đế của Macedonia thực hiện, nền văn minh Hy Lạp hóa đã phát triển rực rỡ trải dài từ khu vực Trung Á cho đến tận cùng phía tây của khu vực biển Địa Trung Hải.

Màu đỏ là những đô thị của Hy Lạp khoảng năm 550 BC

Thời kỳ Hy Lạp hóa đi đến hồi kết khi Cộng hòa La Mã tiến hành chinh phạt Hy Lạp và xáp nhập các vùng đất nằm ở phía đông khu vực biển Địa Trung Hải, họ đã thành lập ra các tỉnh như Macedonia của La Mã, và sau này là tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã.

Nền văn hoá cổ điển của Hy Lạp, đặc biệt là về triết học, đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến La Mã cổ đại, đã giúp truyền bá nó đến nhiều vùng đất khác nhau của khu vực Địa Trung Hải và Châu Âu. Vì lý do này, nền văn hóa Hy Lạp cổ điển thường được coi là cội nguồn văn hóa mà góp phần tạo ra nền tảng cho nền văn hoá Tây phương thời kỳ cận đại, chẳng những thế mà còn được coi là cái nôi của nền văn minh Tây phương.

Lúc bị La Mã thôn tính vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, đế chế Hy Lạp với nền văn minh Hellen truyền thống đã mang đậm dấu ấn của đời sống thành thị. Trong những thành phố với lớp người thuộc tầng lớp trên nói tiếng Hy Lạp đã có sẵn các thành phần dân cư hỗn hợp. Họ phục tùng sự cai trị của La Mã, miễn sao nếp sống của họ không bị xáo trộn. Người La Mã đã khôn ngoan kế thừa có chọn lọc đời sống văn minh đó để xây dựng đế chế, phần nào dựa vào khuôn mẫu văn minh Hy Lạp, nhất là mô hình Athens.

Kể từ lúc người con nuôi của Julius Caesar (100-44 BC), Gaius Julius Caesar Octavianus (63 BC-14 AC) lên kế vị Caesar trở thành hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã, ông đưa ra kiểu mẫu xây dựng thành phố làm chuẩn mực cho toàn bộ vùng đế chế. Kể từ đó về sau, “lịch sử chinh phục thế giới của đế chế La Mã là lịch sử của bành trướng và xây dựng một số lượng lớn các đô thị”. Họ không quan tâm đến vùng quê. Nông dân ở đó chỉ có nhiệm vụ đóng thuế và không hưởng một quyền lợi nào từ qui định của luật pháp. Họ không được thừa nhận là công dân La Mã. Họ là những người cùng đinh trong xã hội. Có nhiều người vì nghèo khổ bị mang ra chợ nô lệ bán cho người thành thị, đấy không phải là chuyện hiếm hoi. Nhiều hiệp sĩ đấu trường được mua từ các chợ nô lệ, được huấn luyện kỹ năng chiến đấu cá nhân để mua vui cho quan chức La Mã.

Đế quốc La Mã vào năm 69

Thành phố là nơi nuôi dưỡng quân đội để bảo vệ đất đai, nơi thu thuế nông dân và thương gia để nộp về La Mã, nơi cư ngụ và hành đạo của hàng giáo sĩ, nơi tòa án đưa ra phán quyết, nơi tập trung nguồn tài chánh của đế chế, nơi xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống xa hoa theo kiểu mẫu kinh đô La Mã. Chỉ có thành phố mới có trường học và các cơ quan công quyền.

Đế quốc La Mã thời hưng thịnh vào khoảng Thế kỷ IV

Hệ thống giao thông liên tỉnh cũng được xây dựng theo một kiểu mẫu nhất quán: một con đường độc đạo thẳng tắp lát đá, chất lượng cao, ít dốc để nối đến một thành phố lân cận. Giữa hai thành phố là đầm lầy, rừng rú và làng mạc hoang vu, phát triển tùy tiện, phụ thuộc vào ý muốn và nguồn lực tài chính của giới điền chủ địa phương.

Trong cấu trúc lỏng lẻo đó, xã hội bị phân hóa thành nhiều giai cấp khác nhau rõ rệt: Doanh nhân và tiểu công nghiệp là những người hưởng đầy đủ quyền công dân; giáo sĩ thuộc một nhóm đặc biệt trong xã hội, chỉ chịu sự chi phối bởi luật công giáo; người Do Thái được bảo vệ trong khuôn khổ cho phép của vua chúa và giám mục, họ sống cô lập trong các khu Ghetto, một thực thể lạ trong cộng đồng Kitô. Còn lại đa số là nông dân, đày tớ, nô lệ phục vụ cho người chủ ở nông thôn hoặc bên ngoài thành phố. Họ không được luật pháp bảo vệ. Trong trường hợp tranh chấp với ai, họ phải nhờ các chủ nhân đại diện trước pháp luật.

Đấy là gia tài đầu tiên mà đế chế La Mã để lại cho châu Âu. Họ để lại sáng kiến và cơ cấu tổ chức thành phố, mô hình thiết kế vuông vức đối xứng, kỹ thuật xây dựng lâu đài cung điện, hệ thống phòng thủ, đường sá, các công trình công cộng, hệ thống cung cấp và thoát nước, nhà tắm công cộng, sân vận động, đấu trường, nhà hát, nhà thờ … Đồng thời họ cũng để lại một cấu trúc xã hội tương phản và bi tráng: những người lớp trên sống xa hoa trong bốn bức tường của thành phố, những kẻ cùng đinh nô lệ nghèo khổ sống ở vùng quê bên ngoài. Và tệ hại hơn nữa là đế chế La Mã để lại một cộng đồng lỏng lẻo, không có sự gắn kết giữa đời sống trong và ngoài thành phố, cũng thiếu sự gắn kết giữa các thành phố với nhau. Khái niệm quốc gia hoàn toàn xa lạ trong cộng đồng rời rạc đó.

Kể từ lúc Constantine đại đế (280-337) nắm quyền bính, Kitô giáo được chính thức thừa nhận, không còn bị truy đuổi như trước. Theo quyết định Mailand năm 313, giáo sĩ Kitô được phép truyền đạo trên khắp đế chế La Mã. Đây là bước ngoặt đầu tiên của lịch sử phát triển Kitô giáo, còn được gọi là bước ngoặt Constantine. Bước ngoặt quan trọng thứ hai là sắc lệnh năm 380 của Theodosius đại đế (347-395) nâng Kitô thành quốc giáo, sau đó năm 391 cấm tất cả các dị giáo khác không được phép hành đạo. Bước ngoặt thứ ba là quyết định năm 529 của Justinian I (482-565) đóng cửa viện hàn lâm Plato, làm một vạch ngang chấm dứt việc quảng bá triết lý Hy Lạp trong đế chế. Các triết gia Hy Lạp và môn đệ phải rút về vùng Tiểu Á và Ả Rập để sinh tồn và có thể tiếp tục nghiên cứu. Kể từ đây, chỉ có một luồng triết học duy nhất được nghiên cứu và triển khai, đó là triết lý thần học Kitô. Tu viện từ nay đóng vai trò độc tôn trong nhiệm vụ này.

Đến đầu thế kỷ thứ 7, tín đồ các tôn giáo khác phải lánh nạn ra khỏi đế chế La Mã, hoặc cải đạo sang Kitô giáo. Ngoại trừ những cộng đồng nhỏ bé người Do Thái còn được phép tồn tại, ngoài ra thì tình trạng độc giáo Kitô kéo dài hơn 1000 năm sau trên lục địa châu Âu, với những hệ lụy tất yếu của nó về chính trị, văn hóa, xã hội và cả về nghiên cứu khoa học.

Những quyết định nói trên mang tầm vóc thiên niên kỷ. Chúng để lại dấu ấn rất sâu đậm lên nền văn hóa châu Âu cho đến bây giờ. Một mặt, giáo lý Kitô trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội, làm khuôn mẫu cho những hoạt động hướng thiện của con người, khuyến khích tín đồ làm những việc về thần khí, hướng đến cái đẹp hoàn mỹ vĩnh cửu. Đấy là khía cạnh tích cực. Nhưng mặt khác, giáo hội Kitô đã lợi dụng ưu thế của mình để chi phối đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội. Thánh kinh chứa đựng những lời giáo huấn của Đức Chúa Trời được xem như là chân lý không ai có quyền tranh cãi, chứ chưa nói gì tới phản đối.

Nền văn hóa Kitô chi phối lên tất cả mọi mặt trong đời sống. Nhân sinh quan, vũ trụ quan của giới có ăn học đều được hướng dẫn trong Kinh thánh và những văn bản diễn giải đi kèm của giáo hội, không ai có quyền phản biện. Cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng thế. Cấu tạo của vũ trụ như thế nào? Con người sinh ra từ đâu? Qui luật chuyển động của vật chất ra sao? Tất cả các câu hỏi đó không cần đặt ra, không phải là đối tượng để tìm tòi nghiên cứu. Chúng đã được trả lời minh bạch trong Thánh kinh và các hướng dẫn của giáo hội. Phản biện lại những điều đó là một tội khó tha thứ, sẽ bị tòa Thánh kết án nghiêm khắc.

Chẳng hạn như phiên tòa vào ngày 13 tháng 2 năm 1633, nhà triết học, toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei đã phải đến Rome để đối mặt với tòa án dị giáo, vì bị buộc tội ông đã ủng hộ học thuyết của nhà thiên văn Ba Lan, Nicolaus Copernicus (1473-1573), cho rằng Mặt Trời là trung tâm, Trái đất đang quay xung quanh Mặt Trời, cũng như các ngôi sao khác. Điều đó trái ngược với giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã, đang cai trị nước Ý lúc bấy giờ. Giáo hội cho rằng Trái đất là trung tâm của vạn vật chứ không phải Mặt Trời, do đó mọi học thuyết phản bác lại điều này đều bị coi là dị giáo.

Sau đó, ông đã phải nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, Giáo hoàng Urban VIII quyết định xử ông tội dị giáo và bắt ông phải chịu sự giám sát của nhà thờ trong suốt phần đời còn lại, mọi tài liệu và ghi chép của ông cũng bị cấm lưu hành trong dân chúng. Galileo sống nốt quãng đời còn lại của mình trong biệt thự tại Arcetri, gần Florence trước khi mất vào năm 1642. Mãi tới tận năm 1992, Vatican mới chính thức thừa nhận sai lầm của mình trong việc tuyên án Galileo. Và ngày hôm nay, Galileo được vinh danh như một trong những nhà khoa học có đóng góp rất lớn cho thiên văn học hiện đại.

Những đặc điểm kinh tế-xã hội nổi bật sau đây:

Về kinh tế: đây là giai đoạn thực hiện bước chuyển từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang xã hội phong kiến:

- Từ thế kỷ thứ V những cuộc nổi dậy của nô lệ và những cuộc đấu tranh giai cấp khác bên trong cùng với sự tiến công của các man tộc bên ngoài đã dẫn tới sự sụp đổ của đế quốc La Mã. chế độ nô lệ chấm dứt, chế độ phong kiến ra đời trên sự hoang tàn của kinh tế và văn hoá. Nghề thủ công suy sụp, thương nghiệp giảm bớt, các thành phố cổ đại tiêu điều nhường chỗ cho nền kinh tế nông nghiệp, trung tâm của cuộc sống chuyển về nông thôn với việc xác lập nền kinh tế tự nhiên, nô lệ trở thành những nông dân tự do.

- Đặc điểm của nền kinh tế phong kiến là nền kinh tế mang tính tự nhiên, tự cung tự cấp, đóng kín và trì trệ dựa trên lao động thủ công thô sơ với hình thức bóc lột phát canh thu tô của địa chủ đối với nông dân. Nhìn chung đây là nền kinh tế thụt lùi so với thời cổ đại.

Song, cuối thời kỳ phong kiến vào thế kỷ XII – XIV, nền kinh tế bắt đầu có sự phát triển: kinh tế tiền tệ dần thay thế nền kinh tế tự nhiên, thủ công nghiệp và thương nghiệp phát trỉển, nhiều thành phố thương cảng mọc lên, một số ngành kỹ thuật khá phát triển. Sự tiến bộ này tạo tiền đề cho thời kỳ phục hưng, cho sự quá độ từ phong kiến lên Tư bản.

- Về chính trị-xã hội: Xã hội phân hóa thành hai giai cấp lớn là địa chủ và nông dân. Quyền chiếm hữu ruộng đất, các tư liệu sản xuất khác cũng như sản phẩm làm ra thuộc về địa chủ phong kiến. Cuối thời kỳ này diễn ra các cuộc thập tự chinh thúc đẩy công thương nghiệp phát triển, tạo ra một tầng lớp thị dân đương đầu với lãnh chúa đồng thời giúp cho văn hoá phương tây giao lưu với văn hoá phương Đông.

- Về mặt tinh thần: Thời kỳ Trung cổ ở Tây Phương lúc đầu là Cơ đốc giáo sau là Thiên chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị, những giáo lý tôn giáo trở thành những nguyên lý về chính trị, kinh thánh có vai trò như luật lệ trong mọi cuộc xét xử, tín điều nhà thờ là điểm xuất phát của mọi tư duy, thế giới quan thần học bao trùm lên triết học, luật học và chính trị.

Giáo hội Thiên chúa giáo là thế lực phong kiến quan trọng, giáo hội có quyền sở hữu đối với nhiều ruộng đất, là đại diện cho pháp luật và chính trị, là công cụ thống trị quần chúng về mặt tinh thần. Toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội đều đặt dưới sự thống trị của nhà thờ thiên chúa giáo.
Thời kỳ này, nông dân, thậm chí cả võ sỹ phong kiến không có học và không biết chữ, chỉ có tầng lớp tăng lữ có học để viết sách và giảng kinh, tăng lữ độc quyền thống trị văn hoá, dẫn tới thời kỳ này văn hoá phát triển chậm chạp và trì trệ. Các sử gia gọi đây là “đêm trường trung cổ”. Và là thời kỳ mà chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện đã ngự trị trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Đặc điểm của triết học Tây Phương thời Trung cổ

Đặc điểm thứ nhất: Triết học phụ thuộc vào thần học. Bởi vì xã hội Tây Phương thời Trung cổ bị tư tưởng thần quyền thống trị nên nó vùi dập tư tưởng duy vật khoa học của thời cổ đại đã tạo dựng lên. Thực chất triết học thời này là triết học của giai cấp thống trị, là một thứ triết học duy tâm, tôn giáo hầu hết các nhà triết học là chứng minh cho những tín điều tôn giáo của nhà thờ. Đây là thời kỳ thụt lùi so với thời kỳ cổ đại.

Đặc điểm thứ hai: Cũng từ đặc điểm thứ nhất mà triết học Tây Phương thời Trung cổ về thực chất là nền triết học biện minh cho tính hợp lý của xã hội thần quyền; đồng thời nó quay lưng lại với tri thức khoa học do đó nó làm kìm hãm sự phát triển của khoa học. Các nhà triết học đều giải quyết mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, trên cơ sở đó nảy sinh hai khuynh hướng triết học phổ biến là chủ nghĩa Duy thực và chủ nghĩa Duy danh. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa Duy thực và chủ nghĩa Duy danh là biểu hiện của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa Duy vật và chủ nghĩa Duy tâm của thời Trung cổ.


Nói chung đây là thời kỳ Triết học kinh viện, cho nên người ta đánh giá thời kỳ nầy, triết học Tây Phương không được phát triển, phải đợi đến thời kỳ Triết học Phục Hưng ở thế kỷ XV.

8664190519






1 comment:

  1. Hi anh Tông, tôi đã đến Mỹ. Liên lạc với tôi ở số phone (657) 401 2260

    ReplyDelete