Pages

Friday, August 15, 2014

Nhà văn Lê Hoằng Mưu



Lê Hoằng Mưu


Lê Hoằng Mưu (1879-1941)

Nhà văn Lê Hoằng Mưu sinh năm 1879(*) tại Cái Cối thuộc làng An Hội, Tổng Bảo Hựu, hạt Bến Tre, nay là xã Mỹ Thạnh An, Thị xã Bến Tre, ông sinh ra trong một gia đình làm ruộng khá giả, do đó được đến trường học.

Thuở nhLê Hong Mưu hc ti Bến Tre, rồi ông lên Sài Gòn tiếp tc hc, nhưng chưa hết bc trung hc Pháp Vit. Sau đó ông đi làm thư ký cho SCông chng.

Ông bt đầu hot động văn hc vi tư cách là mt cộng tác viên của báo Nông Cổ Mín Đàm, ông dch kch thơ Rocambole Tome V. Le drames de Paris, ông còn viết truyn thơ Hoạn Thơ bắt Túy Kiều theo thể thất ngôn.

Ông có bút hiệu Mộng Huê Lầu là cách đảo chữ trong tên Lê Hoằng Mưu của ông.

Năm 1912, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Lê Hoằng Mưu được đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ số 19, ra ngày 20 tháng 7 năm 1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương đến số 53, ngày 29 tháng 5 năm 1915 chưa kết thúc, được nhà in Imp. J. Nguyễn Văn Viết xuất bản thành sách với tên là Hà Hương phong nguyệt, được độc giả ưa thích nồng nhiệt đón nhận, nên cùng năm này, Hoạn Thơ bắt Túy Kiều được nhà in Imp. J. Nguyn Văn Viết, Sàigòn, in thành sách. 

Năm 1907, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra đời, Trần Chánh Chiếu là Chủ bút đầu tiên, đến tháng 10 năm 1908, Trần Chánh Chiếu bị bắt vì làm cách mạng, chống Pháp, nên Lương Khắc Ninh thay làm Chủ bút.

Năm 1921, tờ Nam Trung Nhật Báo sáp nhập vào Lục Tỉnh Tân Văn, Lê Hoằng Mưu làm chủ bút tờ báo này cho đến năm 1933 hoặc sau đó.

Năm 1930, Lê Hoằng Mưu cùng Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang độc lập, xuất bản mỗi tuần 3 số, do Lưu Công Châu làm chủ bút. Đến năm 1931, tờ báo bị đình bản một thời gian, sau được tục bản cho đến ngày 11-5-1934 thì bị chính quyền thực dân đình bản vĩnh viễn..

Lê Hoằng Mưu là người được trả lương Chủ bút cao nhất, và làm chủ bút chỉ nhờ  tài viết tiểu thuyết mà thôi, các tác phẩm của ông được bán chạy nhất ở đất Sàigòn thời bấy giờ.

Lê Hoằng Mưu mất năm 1941 tại Sàigòn, thọ 62 tuổi.

Tác phẩm:


- Hoạn Thơ bắt Túy Kiều (truyện thơ, Imp. J. Nguyễn Văn Viết, 1915)
- Hà Hương phong nguyệt (tiểu thuyết, Imp. J. Nguyễn Văn Viết, 1915)
- Tây Hồ công chúa ngoại sử (tiểu thuyết, Imp. de l’Union, 1916)
- Một ngàn con ma (tiểu thuyết, Imp. J. Nguyễn Văn Viết, 1917)
- Lạc Thúy Duyên. Nữ giáo Tô Huệ Nhi ngoại sử
(tiểu thuyết, Imp. de l’Union, 1918)
- Oán hồng quần ngoại sử (tiểu thuyết, Imp. de l’Union, 1920)
- Oan kia theo mãi hay Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (tiểu thuyết, Imp. J. Nguyễn Văn Viết, 1922)
- Đầu tóc mượn (tiểu thuyết, Imp. de l’Union, 1926)
- Đỗ Triệu kỳ duyên (kịch thơ, 1928)
- Đêm rốt của người tội tử hình (tiểu thuyết, Đức Lưu Phương, 1929)
- Người bán ngọc (tiểu thuyết, Đức Lưu Phương, 1931)

Tác phẩm đăng trên báo:

- Ba gái cầu chồng hay Thập báo niên tiền ly miêu hoán chúa (đăng trên Nông Cổ Mín Đàm từ số 55, ngày 13 tháng 7 năm 1915)
- Hồ Thể Ngọc (đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ số 85, ngày 17 tháng 2 năm 1916 đến số 108, ngày 29 tháng 7 năm 1916, chưa kết thúc. Đăng lại trên Công luận báo từ số 46, ngày 15 tháng 3 năm 1917 đến số 127, ngày 19 tháng 4 năm 1918 thì kết thúc.)
- Giọt nước nhành dương hay Hoa chìm bể khổ (với bút hiệu Mộng Huê Lầu - đăng trên Công luận báo từ số 73, ngày 19 tháng 2 năm 1924 đến số 79, ngày 9 tháng 12 năm 1924, chưa kết thúc)
- Nhược nữ báo phụ thù hay Hiếu tình bất nhứt (đăng trên Lục tỉnh tân văn từ số 1877, ngày 13 tháng 11 năm 1924 đến số 1929, ngày 15 tháng 1 năm 1925.)
- Hoan hỉ kỳ oan (đăng trên Lục tỉnh tân văn từ số 1942, ngày 3 tháng 3 năm 1925 đến số 2052, ngày 16 tháng 6 năm 1925.)
- Cuồng phụ ngộ cừu nhân (đăng trên Lục tỉnh tân văn từ số 2393, ngày 9 tháng 8 năm 1926 đến số 2478, ngày 1 tháng 12 năm 1926, chưa kết thúc)
- Thập báo niên tiền Kim Liễu hàm oan (đăng trên Lục tỉnh tân văn từ số 3549, ngày 10 tháng 7 năm 1930 đến số 3641, ngày 3 tháng 11 năm 1930.)
- Trăng già độc địa (đăng trên Long Giang độc lập từ số 5, ngày 15 tháng 11 năm 1930 đến số 57, ngày 9 tháng 4 năm 1931, chưa kết thúc)

Trích văn:
Oán Hồng Quần ngoại s(**)

... Trên chữ đề Tân Hiệp nhà ga, dưới chạo rạo người ta lên xuống.

Huê khát nước thấy dừa muốn uống, tính xuống mua mà xuống lại e, may đâu con bán dừa đem lại gần xe, cho hành khách tiện bề mua lấy. Huê mừng dạ mau chân bước lại, kêu hỏi thăm một trái mấy đồng. Xãy đâu gần bên nàng có một thầy thông, chợt thấy khách má hồng bủn rũn. Trơ đôi mắt hỏi thầm trong bụng: “Có phải Túy Kiều xưa, nay sống lại chăng ? Thầy mới lần tay toan mở túi gió trăng, kiếm lời ghẹo ả Hằng cung nguyệt”.
……..

Người bán ngọc (**)
 
Hồi thứ năm

Trang Tử Minh chẳng vị tình khảo án
Hồ Quốc Khanh e tội nặng hại mình

Tô Thường Hậu khai rồi đứng khoanh tay, mắt chưa ráo giọt mà nhìn quan Phủ, mong chờ nghe coi quan Phủ có vấn tra mình không hay đâu Tô Thường Hậu đã mõi chờ, mà không nghe hỏi han chi cả; duy thấy quan Phủ ngồi dựa án thiêu thiêu, tay chống trên mái đầu bộ như ngủ gật. Nào có ai dám làm khua động bên tai. Cho đến thầy thông hình, thế cho Đề lại lấy khai, chép rồi lời khai cũng để đó mà bước ra , chớ chẳng dám kêu quan Phủ. Giây sau quan Phủ mở mắt ra ngó Tô Thường Hậu mà nói một cách nghiễm nhiên rằng:

Ưng cũng có ưng, oan cũng có oan,
Oan là không trộm ngọc cướp vàng,
Ưng là có dâm loạn vợ quan dinh cấm.

Nói rồi quan Phủ dạy lính lệ dẫn Tô Thường Hậu ra ngoài chờ, để cho ngài gặn hỏi Hồ Lăng đủ sau trước mới tàng hắc bạch.

Đề lại dẫn Hồ Lăng vào.

Hồ Lăng đứng sửng trước mặt, không cúi đầu, không thi lễ. Quan Phủ nổi giận, quở Hồ Lăng:

- Người biết chốn này là chốn nào không ?

Hồ Lăng: - Lý nào tôi ở chốn này mà không biết đây là Phủ.

Quan Phủ: - Ngươi biết sao không thủ lễ ? Ngươi tên họ là gì, làm chức gì, ở đâu?

Hồ Lăng: - Ức vì tôi vô tội mà bị bắt, tôi muốn hiểu chỗ đó mà nóng lòng, nên vào tới Phủ tôi quên thi lễ.

Quan Phủ: - Không! Ta có dạy bắt ngươi đâu? Thơ ta gửi qua Đô đốc cũng xin dạy ngươi sang đây cho ta hỏi việc chớ. Ngươi mựa chớ tưởng lầm mà hờn vội. Ngươi tên họ là chi, nói đi cho ta rõ?

Hồ Lăng: - Có vậy tôi mới an lòng mà hầu hồi cho. Tôi tên Hồ Lăng đang làm đội trưởng trung quân đô đốc.

Quan Phủ: - Ngươi có khi nào bị quan Đô đốc đuổi ra chăng ?

Hồ Lăng: - Bẩm không! Tùng chinh từ buổi mới đầu quân, tôi lấy làm may mà đặng Đô đốc yêu dùng hơn hết.

Quan Phủ: - Vậy cũng là đáng khen! Ngươi ở đây có biết Bảo Anh tự là chùa nào không?

Hồ Lăng: - Bẩm biết chớ sao không! Đã nhiều lúc dưng hương cầu nguyện.

Quan Phủ: - Ngươi có cơn nào tá túc đó một ít lâu không?

Hồ Lăng: - Bẩm không; mắc việc quan, có rảnh ngày giờ đâu mà dời đổi.

Quan Phủ: - Ngươi nói sai rồi. Ai khai với quan Phủ ngay trước đây, nói rằng vâng lệnh nên giữ quan tài mạng phụ ?

Hồ Lăng: - Bẩm tôi, song đó là việc quan sai, chớ về tư gia tư sự thì tôi chưa hề ở đó.

Quan Phủ: - Ngươi lên ở đặng mấy ngày ?

Hồ Lăng: - Bẩm chưa đầy nửa tháng.

Quan Phủ: - Khi ngươi đến gửi thân nương náu ngươi mượn cớ nào vào xin?

Hồ Lăng: - Bẩm vì mật lịnh, tôi dối bậy rằng bị Đô đốc đuổi ra, nghèo đói không chỗ dựa nương, vô phang thê chỉ.

Quan Phủ: -  Khi mới vào, người có làm quen với ai mà cậy tiến dẫn chăng ?

Hồ Lăng: - Bẩm có, song không biết là ai, duy nhớ có một vị chúng tăng tiến dẫn.

Quan Phủ: - Thật ngươi không biết và cũng không nhớ là ai hay sao ?

Hồ Lăng: - Bẩm thật thì không ?

 Quan Phủ: - Trong những ngày ngươi dối giả nương dựa cửa thuyền nhờ của thập phương đó ngươi thường đàm đạo cùng ai hơn.

Hồ Lăng: - Bẩm, tôi thường đàm đạo với chúng tăng, mà trong tăng chúng có một vị, tôi thường gần ngày đêm hơn hết. Mà tôi cũng không nhớ mặt biết tên là gì !

Quan Phủ: - Có khi nào ngươi thuật chuyện trong dinh đô đốc cùng tăng chúng hay không?

Hồ Lăng: - Bẩm dám đâu! Tôi đã vâng mật lịnh đi dọ tin, lí đâu bày tâm sự.

Quan Phủ: - Ngươi không nói với ai là con Đào Anh là thế nữ trong dinh chết rồi sao ?

Hồ Lăng: - Bẩm không! Tôi không thể nói; thề mấy chùa mấy miễu tôi cũng dám thề đa!

Quan Phủ: - Muốn thề để rồi sau sẽ. Ngươi cũng không nói đô đốc nghi tình giết Đào Anh, đuổi ngươi ra khỏi sao?

Hồ Lăng: - Bẩm không. Cái đó mới thật là nước lả khuấy nên hồ đó.

Quan Phủ: - Đào Anh bây giờ ở đâu ?

Hồ Lăng: - Bẩm tôi không biết đâu; nam nữ có đặng gần nhau đâu hòng biết.

Quan Phủ: - Nhưng mà ngươi biết nó còn trong dinh chăng?

Hồ Lăng: - Bẩm nó còn ở trong đó chớ đâu.

Quan Phủ: - Ngươi biết nó không.

Hồ Lăng: - Bẩm tôi biết nó lắm chớ.

Quan Phủ: - Hay a! Vậy ta cậy người đi với Đề lại với lính nhà, cầm thơ ta về trình quan Đô đốc rồi đòi Đào Anh sang qua nha cho ta hỏi.

Hồ Lăng lỡ lời , nghe dạy mặt mày điến xanh, song không lẽ nói sao, phải chịu làm thinh lãnh thơ về dinh đặng có trần tình cùng đô đốc.

Hồ Lăng lãnh thơ cùng Đề lại đi rồi, quan Phủ ngó theo cười mà thầm nói: “Cáo đội lớp hùm đây ai không kiên sợ. Ta há phải như ai đó sao, khuyên thì đừng lầm tưởng. Dẫu rằng thật là hùm, phải lối ta cũng dám lùa vô rọ vậy chớ!”

Nói rồi Quan Phủ dạy dẫn Tô Thường Hậu vào mà gạn hỏi:

- Này, mi nói con Đào Anh chết rồi, bị chủ nó giết, mi nói vậy mà thiệt hay không, mi rõ biết hay mi nghe nói?

Tô Thường Hậu: - Bẩm quan lớn, tớ mắc ở chùa có đâu rõ biết. Lời tôi nói đó là lời Hồ Lăng khi nọ đó chớ. Mà quan lớn đã chiêm bao thấy Đào Anh hiện về đội trạng bạch, quan lớn còn nghi lẽ gì.

Quan Phủ: - Phải, ta không nghĩ Đào Anh còn sống, song ta e vì ta sai đòi Đào Anh, ta e Hồ Lăng mưu trá. Ta chưa biết mặt Đào Anh, thì biết lấy chi làm bằng mà cải, nếu nó lẹ trí bắt con thế nữ nào vào mạo hiệu Đào Anh.

Tô Thường Hậu: - Bẩm quan lớn nghi vậy cũng có lí, nhưng mà không sao, nếu quan lớn chẳng chê tôi xin dâng một kế. Nếu quả Hồ Lăng mưu tính, bắt thế nữ thế vào, thì tôi có kế làm cho lộ mối.

Quan Phủ: - Kế chi ? Phụ nhỉ thử coi cao thấp ?

Tô Thường Hậu bước lại kề bàn quan Phủ mà nói nhỏ và dặn nếu Hồ Lăng về mà có dẫn Đào Anh, quan lớn dạy dẫn tôi vào ra oai khoát nạt, thịnh nộ tôi mới hỏi như vầy như vầy; rồi để mặc tôi khai sao thì khai, tự nhiên giối kia lòi giả. Quan Phủ khen hay, rồi dạy Tô Thường Hậu ra ngoài ngồi đợi.

Ngồi đợi giây phúc, hẳn thật chỗ nghi của quan Phủ không sai, Hồ Lăng cùng Đề lại trở về có dắt một nàng cũng trong thế nữ. Đem vào trình với quan Phủ con đó là Đào Anh. Thật là tuồng hát có một đoạn diễu cợt lạ lùng mà quan Phủ cười tỉnh nói sai giả hình chưa biết. Ngài liền dạy quân dẫn Hồ Lăng ra ngoài, để cho ngài gạn hỏi Đào Anh cho thấu đáo kẻ răng chơn tóc.

Hồ Lăng ra rồi, ngài mới hỏi Đào Anh:

- Mi là Đào Anh thế nữ bên dinh đô đốc phải không ?

Thế nữ: - Bẩm phải, tiện tì tên thiệt là Đào Anh, ở hậu dinh đô đốc.

Quan Phủ: - Mi còn có tên chi nữa không?

Thế nữ: - Bẩm không.

Quan Phủ: - Mi có quen biết chi với Tô Thường Hậu chăng ?

Thế nữ: - Bẩm con chưa biết Tô Thường Hậu là ai.

Quan Phủ: - Nếu mi là thế nữ trong dinh, lí nào mi không biết Tô Thường Hậu là một tay thiếu niên nam tử, lúc đô đốc mắc đi dẹp giặc, lịnh phu nhân còn ở dinh một mình, nó thường hay sớm tối ra vào, khi bán ngọc, khi dâng ngọc?

Thế nữ: - Bẩm quan lớn con chưa quen biết Tô Thường Hậu.

Quan Phủ: - Mà mi biết người bán ngọc chăng?

Thế nữ: - Bẩm quan lớn con có biết mặt.

Quan Phủ: - Sao nó khai rằng quen biết với mi lắm, nhờ mi tiến dẫn mà vào thấu lịnh phu nhân.

Thế nữ: - Bẩm quan lớn người nói sao chớ phận con là tôi đòi, mắc lo giữ phận tôi đòi, khi người vào bán ngọc, thấy thì hay thấy chớ không hay làm quen lắm lời.

Quan Phủ: - Mà mi thiệt là Đào Anh chăng?

Thế nữ: - Bẩm thật.

Quan phủ: - Lạ dữ a! Hai đàng khai khác. Vậy để ta đòi Tô Thường Hậu ra đây đối diện. Thôi ngươi ngồi dẹp lại một bên bàn kia mà nghe.

Nói rồi quan Phủ cho đòi dẫn Tô Thường Hậu vào Tô Thường Hậu vừa ló mặt vào, Quan Phủ vỗ bàn ra oai thịnh nộ.

Quan Phủ mới hỏi:

- Tô Thường Hậu, mi đã khai rằng mi biết rõ Đào Anh, việc cạy hòm trộn ngọc cắp châu có Đào Anh tư thung với mi mà chỉ mưu bày kế, sao nay ta hỏi Đào Anh lại nói không hề quen biết với mi lần nào, dầu khi ngươi vào dinh bán ngọc cho Hồ phu nhân Đào Anh cũng chẳng hề quen biết?

Tô Thường Hậu:

- Bẩm quan lớn rõ ràng Đào Anh sợ tội mà chối đó thôi, chớ thật, buổi tôi vào dinh bán ngọc, tôi chẳng hề quen biết với ai khác hơn Đào Anh, lần lần đôi lứa tư thung với nhau cho tới lúc Hồ đô đốc dẹp giặc trở về nên nổi gối chăn chia cách. Không gặp nhau yêu ấp nhau như buổi ban đầu, thương nhớ nhau nên có thơ nhắn tin cá nhăn nhe, ấy là thơ từ nạp giữa đường phải nào nói ngược. Đến khi Hồ phu nhân chẳng may qua đời đi rồi, Đào Anh chắc mình không còn ở trong dinh lâu nữa, quyết vầy cùng tôi, cửu thất hửu gia, Đào Anh mới tư tình cùng tôi cạy hòm trộm ngọc, chỉ cho tôi cắp cho đặng châu báu trong hòm mạng để gây sự nghiệp cho nên; thơ của Đào Anh mà xuối mưu cũng còn kia, tôi đã có nạp rồi, bằng chẳng tôi có biết mà lấy.

Tô Thường Hậu khai rồi, Quan Phủ xây lại ngó thế nữ mà quở van, lại nói:

- Đào Anh tội lỗi rõ ràng, đủ đáng phân cang còn chi nữa mà la oan than ức!

Thế nữ nghe rõ trước sau, mặt xanh như chàm, thất kinh hồn vía, đã vậy còn bị quan Phủ quở phạt hăm he, nàng lại càng sợ rung, lật đật dứng dậy ra giữa mà bẩm rằng:

- Bẩm quan lớn, xin dạy Tô Thường Hậu nhìn lại cho kĩ kẻo lầm. Nếu quả có Đào Anh tư thung với gian nhân thơ qua thơ lại xuôi mưu trộm báu trong hòm, thì là Đào Anh kia, chớ phải Đào Anh này, tuy cũng là Đào Anh mà chẳng phải tình nhân của Tô Thường Hậu.

Quan Phủ: - Nói vậy trong dinh còn có tên Đào Anh khác nữa sao?

Thế nữ: - Bẩm có, Đào Anh đó là tay yêu dùng của Hồ phu nhân, thường ở một bên Hồ phu nhân mà chờ sai khiến.

Quan Phủ: - Đào Anh đó bây giờ ở đâu?

Thế nữ: - Bẩm Đào Anh đó đã mất rồi, nên mới có lệnh dạy tôi phải vào mà thay thế.

Quan Phủ: - Nói vậy vì sự thay thế ấy mà mi cải danh là Đào Anh kì trung mi có tên thiệt của mi khác nữa phải không?

Thế nữ: - Bẩm quả vậy; vì sự thay thế ấy mà tiện tì phải chịu lấy tên Đào Anh, chớ tên thiệt của tiện tì chẳng phải là Đào Anh mà rõ là Giáng Tuyết.

Quan Phủ; - Hay a! Tại vậy nên Tô Thường Hậu không thấy mặt mi mà lầm cũng phải. Bây giờ ta tin thật không phải mi, song mi phải khai ngay cho ta biết tại sao con Đào Anh thiệt tại sao mà chết.
Giáng Tuyết:

- Bẩm quan lớn, nghe nói Đào Anh chết thì hay chết chớ ít ai rõ tại sao mà chết. Nhưng mà một thế nữ phục sự Hồ phu nhân, có chết thì tại số trời không ai cãi đặng.

Quan Phủ:

- Ta biết mi có tình ngay, ta khen mi và muốn tha mi về bây giờ, nếu mi không giữ lấy mực mà khai thật hết cho ta tường những đều ta đã hay biết rõ thì ta e cho mi phải bị tội vạ tràng mà bất năng hồi cố đa con! Mi phải biết tại sao mà con Đào Anh thác, ngày nay thiên hạ đều hay, cho đến Tô Thường Hậu là tình nhân của nó cũng đã có khai, mi còn toan dấu dím ?

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn, thật sự khi Đào Anh chết thì hay chết, không ai rõ cớ chi, chớ tiện tì mô dám giấu.

Quan Phủ: - Rồi từ ấy những nay không khi nào mi nghe ai nói lại sao?

Giáng Tuyết: - Bẩm, tiện tì có nghe song chỗ ấy nghe không lấy chi làm chắc.

Quan Phủ: - Mi nghe người nói sao?

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn tiện tì có nghe rằng Đào Anh bị …

Quan Phủ: - Có phải bị nghi tình mà giết bỏ vậy chăng?

Giáng Tuyết: - Bẩm phải vậy.

Quan Phủ: - Nghi tình cách nào, giết cách nào, mi nghe thuật cho ta nghe coi có y lời Hồ Lăng khai hay không?

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn, vì cùng chung một dinh Hồ Lăng nghe sao, tiện tì nghe y vậy.

Quan Phủ: - Lời mi nói phải, song ta muốn nghe coi Hồ Lăng có gian dối chút nào không?

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn, sự nghi tình đấy bởi khi Hồ đô đốc bang sư, về tới dinh vào phòng còn thấy bãi nước miếng nơi đầu giường, xem ra nước miếng đàn ông, hỏi Hồ phu nhân chối ngược. Tánh sâu sắc nước đời nghe Hồ phu nhân chối vậy, ngài liền bỏ qua, nhưng mà ngài không bỏ luôn, ngài ghi chớ để chờ khi gạn hỏi. Kế đó Hồ phu nhân đi cúng chùa. Hồ đô đốc ở nhà một mình, sai Đào Anh bẻ hoa, ngài mới ra chặn hỏi. Vườn vắng vẻ có ai, bởi thấy Hồ đô đốc hỏi mà có gươm cầm tay, hăm he đòi giết, nếu Đào Anh giấu giếm một lời. Đào Anh lúc cùng chẳng đã biết sao phải khai ngay, nỗi tâm sự của bà từ ông bước ra, và những khi bà ở nhà, chích bóng cô phòng sanh sự loan chung phượng chạ. Đào Anh vẻ cho tới hình người bán ngọc giả gái vào ra, cho đến khi ông về nhà, bà ôm lòng đòi đoạn gần xa, bà mới giả việc cúng chùa, cho có thể bướm hoa tương hội.

Tưởng khai thật hết mà đặng Hồ đô đốc tha, dè đâu khai rồi, Hồ Đô đốc lại sợ để Đào Anh mà lậu cơ mưu, vì ngài tính kế trả cừu, nên ngài mới nhẫn tâm hạ thủ. Giết rồi ngài quăng thây Đào Anh xuống hồ, phó mặc bèo sen chôn lấp. Giết Đào Anh rồi ngài quyết ý giết Hồ phu nhân với Tô Thường Hậu. Tưởng ngài có quyền giết bao giờ cũng đặng; nhưng ngài không muốn giết liền cho nhơ, ngài muốn làm cho rõ mặt phi thường, cho Tô Thường Hậu phải bị tan xương nát thịt; nên ngài chờ Hồ phu nhân về, dối bày chuyện tình tệ của Đào Anh, nên ngài giận đuổi Đào Anh với Hồ Lăng mà chưa an lòng, ngài còn muốn theo tàn sát. Hồ phu nhân ngỡ thật giáng can, nào dè ngài đã sai Hồ Lăng, giả hình tới Bảo Anh, xin nương náu mà dọ tin Tô Thường Hậu. Nhờ có vậy, ngài mới rõ thấu những khi nào Hồ phu nhân còn đến chùa Bảo Anh to nhỏ cùng tình nhân. Ngài giận lắm song ngài kết oán thù thâm để dạ chờ khi rửa hận. Một đêm kia vợ chồng chén tạc chén thù cùng nhau trong phòng, bộ ngài nhờ lúc hết rượu sai Hồ phu nhân xuống hầm, cùng trên tới dưới mà chiếc thêm; rồi ngài đánh mò theo sau mà ra tay nên lúc gần sáng ngài tri hô mất Hồ phu nhân, hối đoàn thế nữ chạy đi kiếm khắp hết trong ngoài, cùng trên tới dưới. Kiếm không thấy Hồ phu nhân chốn nào. Chừng vào hầm rượu kiếm mới gặp thây Hồ phu nhân, chết một cách thảm thiết vô cùng, đã chết trong mái rượu mà thây lại trồng chuối ngược. Ngài khóc than Hồ phu nhân, nói Hồ phu nhân rủi trật tay nên nông nỗi; Ngài là vị quan Đô đốc, nói vậy hay vậy, nào ai dám cãi tiếng chi. Khi liệm thây rồi, ngài dạy không chôn, đình đem gửi trên chùa quàng để chờ ngày chờ tháng. Tưởng thật vậy ai dè là kế chi. Ít ngày nghe Tô Thường Hậu cạy hòm phu nhân mà trộm châu báu ngọc ngà, chừng ấy ai mới biết, trơ mắt nhìn nhau mà hít hà chắc lưỡi.

Quan Phủ: - Khoan! Mi nói chừng ấy ai nấy biết trơ mắt nhìn nhàu mà hít hà chắc lưỡi, chẳng hay mi nói biết giống chi, biết sự gì mi hãy nói huỵch ra cho ta hẳn thấu.

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn tiện tì muốn nói biết là oan, biết Tô Thường Hậu bị vu oan vì nỗi tình kia sanh oán chớ biết giống chi.

Quan Phủ: - Tại sao mi biết vì tình kia sanh oán, nên bị vu oan, chớ thật Tô Thường Hậu không lòng gian giảo.

Giáng Tuyết: - Bẩm, Tô Thường Hậu là tình nhân, nghe Hồ phu nhân thác, thương tiếc không biết, chớ dạ nào đành làm sự tế vi như thế. Nếu quả Tô Thường Hậu mà chịu có cạy hòm trộm ngọc, có Đào Anh chỉ kế bày mưu thì tại Tô Thường Hậu bị khảo kẹp, chịu không nỗi mà phải cam chịu lấy cho rồi, thà chết hơn là ngồi mà chịu khảo.

Quan Phủ: - Ta cảm ân mi khai rõ đầu đuôi. Vậy mi hãy tạm bước ra ngồi ngoài, chờ ta hỏi Hồ Lăng coi có điều gì đối cãi.

Giáng Tuyết với Tô Thường Hậu bước ra. Bấy giờ quan Phủ mới dạy đòi Hồ Lăng vào, cho ngài cật vấn, Hồ Lăng bước vào, quan Phủ ngó Hồ Lăng mà cười và nói:

- Hồ Lăng, mi có làm tới chức Đội trưởng, mi biết chốn nha môn chẳng phải chỗ chơi, cớ sao mi dám làm chuyện bưng mắt bắt chim phỉnh gạt ta như thế hử?

Hồ Lăng nghe qua lấy làm lạ mới ngước mặt trơ mắt, dường muốn hỏi quan Phủ thì đã nghe quan Phủ nói tiếp:

- Thật ngươi muốn giễu ta, nên ngươi dám đem con Giáng Tuyết đến mà dối làm Đào Anh là con tì nữ đã bị tay chủ gia tận sát. Cái tội khi quan ấy không có chỗ dung thứ.

Hồ Lăng: - Bẩm quan lớn, ai nói con thế nữ của Đô dốc gửi đó là không phải Đào Anh, thì người ấy là người nhục mạ quan đô đốc. Ai nói con Đào Anh bị chủ giết, thì người ấy là vu oan giá họa cho Hồ đại nhân. Mà quan lớn rõ biết Hồ đại nhân là một vị tướng quân bên thượng liêu, đang cơn li loạn này đây đã ra tài đông xông tây đột, đáng tay rường cột nước nhà, ai nói hai đều tội lỗi ấy, tưởng quan Đô đốc cũng không dung tha mạng!

Trang Tử Minh nghe dứt, phát đại nộ, vỗ bàn mà khoát nạt Hồ Lăng rằng:

- Ngươi dám hăm dọa ta là một vị minh oan của triều đình. Á lịnh ngồi đây phân xử nữa sao? Ngươi tưởng đâu ta là người sợ mạnh hiếp yếu hay sao mà ngươi đem quyền thế của đô đốc ra mà hăm dọa ta. Ta nói cho mi biết, nếu mi chẳng khai thiệt sự con ĐàoAnh bị tay ai giết, ai giết Hồ phu nhân, ai bày kế độc, chỉ mưu sâu cho ngươi tới chùa Bảo Anh cạy hòm lấy ngọc mà vu oan cho Tô Thường Hậu thì ta quyết hẳn truyền quân căn duổi nọc mi ra mà tra cho đến bao giờ mi khai thiệt thì ta mới nghe cho.

Hồ Lăng nghe tiếng khảng khái, bụng đã sợ hết hồn; song còn gượng lời, nghỉ cho trong tỉnh không còn ai có quyền thế lớn hơn Hồ Đô đốc, nên sợ thì sợ mà Hồ Lăng cũng còn làm gang nói trả treo rằng:

- Tôi tội gì, ai dám tra khảo thì tra khảo thử coi; tôi có quản gì thân tôi, e cho ai vì chút lợi trước mắt mà phụ nghĩa anh em đồng liêu, đến chừng vàng đá không phân ăn năn thì đã muộn thôi chớ.

Quan phủ:

 - À há, mi lấy oai thế của Hồ đô đốc mà hăm dọa ta, hễ ta mà tra khảo mi, thì chủ mi là Hồ đô đốc kéo quân tới đây, không phân vàng đá. Ta muốn biết thế lực của mi ra sao, nên ta sẵn lòng tra mi lắm. Nói vậy mi quyết chẳng khai thiệt sự Đào Anh phải chăng? Quân bây đâu, hãy bắt Hồ Lăng căng ra tra khảo giùm cho ta thử coi đến chừng nào nó nói.

Quân lính vâng lịnh bắt Hồ Lăng căng ra; Hồ Lăng cượng lí không vâng, song ngó quất ngó quanh, trước sau một mình cượng sao cho nỗi. Cho nên cượng thì cượng vậy đó thôi, rồi ra không qua phép. Đi cũng bị quân kéo cỗ đi ra căng duổi nọc, Bị khảo chưa đầy mười roi. Hồ Lăng khóc la một cách dữ tợn, kêu Hồ đô dốc làm rung động hết cả Phủ. Quân đánh riết một hồi, hết khóc la mà cũng hết kêu Hồ đô đốc, Hồ Lăng túng phải xuống nước chiều lụy xin tha. Lại nói:

- Quan Phủ dầu không tưởng nghĩa cũng nghĩ tình Hồ đô đốc là chủ tôi, chớ có lí đâu quan Phủ chẳng vị chút nào, đánh tôi không kiên chủ.

Quan Phủ cười mà rằng:

- Đánh tớ kiên chủ là việc tư kia kìa; chí như việc công, quân pháp bất vị thân, lí đâu ta dám làm đều bất minh bất chánh. Nếu mi muốn ta dung ngươi, thì khai ngay đi, khó gì mà không chịu. Chuyện Đào Anh bị giết làm sao, Hồ phu nhân bị chết thế nào, mi phao cho Tô Thường Hậu làm sao cứ khai thiệt thì ta tha thứ. Mi đừng tưởng con Đào Anh giả của mi dẫn tới phỉnh ta đó nó chưa khai thật mà lầm. Nếu mi không tin ta dẫn nó ra nói cho mi biết.

Nói rồi quan Phủ dạy dẫn Giáng Tuyết vào, Giáng Tuyết bước vô cúi đầu, quan Phủ dạy ngước mặt lên coi có biết Hồ Lăng cùng chẳng. Hai đàng nhìn mặt nhau, quan Phủ mới hỏi:

- Thế nữ, mi tên họ là chi; có phải tên là Đào Anh như lời Hồ Lăng khai trước?

Thế nữ: - Bẩm quan lớn, tiện tì là Giáng Tuyết chẳng phải tự là Đào Anh; Đào Anh đã thác rồi Hồ Lăng dạy tôi vào thế mặt mà tròng tên đổi họ.

Quan Phủ: - Đào Anh chết rồi đó vì sao mà chết, bị ai giết hay là chết cách nào ?

Giáng Tuyết: - Bẩm quan lớn, ngày nọ chính mình Hồ Lăng nói với tiện nữ rằng Đào Anh bị chủ nghi tình chặn giết giữa vườn ném thây xuống nước.

Quan Phủ: - Đó mi nghe không Hồ Lăng? Còn gì mà mi chưa chịu khai ngay cho ta xử án?

Hồ Lăng: - Bẩm quan lớn quan lớn, nỡ nào chẳng vị tình chủ tôi là Hồ Đô đốc đi nghe lời nói mồ hồ của một con tiện tì mà bắt tôi khảo tra tội nghiệp.

Quan Phủ: - Thế thì mi quyết hẳn chẳng khai ngay nữa chi?

Hồ Lăng: - Bẩm quan lớn, lẽ nào tớ lại dám lấy chuyện không làm có mà vu oan cho chủ.

Quan Phủ: - Vậy thì ta phải dạy quân tra khảo mi: cái là tại nơi mi cừ khôi, mựa trách ta sâu độc, đa nhé!

- Quân bây đâu đem Hồ Lăng ra khảo nó coi có chịu khai chăng?

Phán chưa dứt lời, quân chưa kịp vâng, có kẻ bước vào bẩm quan Phủ có Hồ đô đốc đến, còn chờ ngoài ngỏ. Quan Phủ vội vàng sửa áo bước ra, và đi và khoát biểu quân dẹp việc tấn tra, dẫn hết đem giam chờ lịnh.
…………………….

- 0 –

Một đoạn trích tiểu thuyết Oán hồng quần ngoại sử của Lê Hoằng Mưu được sáng tác năm 1921, cho thấy tác giả sử dụng văn biền ngẫu, Người bán ngọc sáng tác năm 1931, tác giả đã tiến bộ hơn, áp dụng kỹ thuật hành văn gần với truyện tàu thời bấy giờ.

Lãng Tử với tựa đề Con voi già trong mục “Nợ văn” trên tờ tuần báo Mai xuất bản tại Sàigòn số 68, ngày 6-1-1939, đã viết về nhà văn Lê Hoằng Mưu như sau:

Đó là một nhà viết báo kỳ cựu trong gần ba mươi năm nay hằng mục kích những cái vinh, cái nhục của nghề và bao nhiêu chế độ đổi thay (…). Buổi ấy, Lê quân là người có "tài sắc" nên tiếng tăm nổi dậy như cồn. Lời văn cũng lý luận đã lôi cuốn, hấp dẫn, chinh phục cả xứ Nam Kỳ và cả thế hệ thanh niên hồi đó (…) Tài bút chiến của ông làm khuất phục cả các bạn cùng nghề thuở nọ. Nói rằng khét tiếng một độ rất lâu trong báo giới xứ này, thì cái danh dự ấy chỉ riêng ông có".

Chú thích:
(*) Về năm sinh và năm mất của tác giả, ông Bùi Đức Tịnh ghi theo trí nhớ những bạn bè của ông Lê Hoằng Mưu. Bùi Đức Tịnh, Phần đóng góp của văn học miền Nam: Những bước đầu của báo chí tiểu thuyết và thơ mới, Lửa Thiêng, Sàigòn, 1975.
(**) Ghi đúng nguyên văn.


Tài liệu tham khảo:

- Lê Hoằng Mưu Web: bentre.gov.vn
- Người bán ngọc Nguyễn Q. Thắng Văn Học Việt Nam Tập 1, Văn Học, Việt Nam, 2007

No comments:

Post a Comment