Pages

Saturday, August 16, 2014

Nhà văn Lương Khắc Ninh



Lương Khắc Ninh
 
Dũ Thúc - Lương Khắc Ninh (1862-1943)

Nhà văn Lương Khắc Ninh tự Dũ Thúc, biệt hiệu Dị Sử Thị, sinh năm 1862, tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Cha ông là Lương Khắc Huệ, một nhà Nho làm thầy thuốc đông y, mẹ ông là bà Võ Thị Bường; là người làng Bảo An, huyện Điện Bàn nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, di cư vào lập nghiệp ở đây.

Từ nhỏ, được sự giáo dục của cha, ông bắt đầu theo học chữ Nho. Thời thiếu niên của ông, thực dân Pháp đã chiếm hoàn toàn Nam Kỳ. Vì vậy, năm 1876, ông bắt đầu chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tỉnh theo chương trình giáo dục của người Pháp.

Năm 1880, Lương Khắc Ninh tốt nghiệp trung học tại trường Le Myre De Vilers, Mỹ Tho, rồi làm việc tại sở Thương chánh Bến Tre cho đến năm 1883. Năm 1889, ông làm thông ngôn tại tòa án Bến Tre, từng làm thành viên Hội đồng quản hạt Bến Tre. 

Năm 1900, ông bỏ lên Sài Gòn viết báo. Ngày 1 tháng 8 năm 1901 tờ Nông cổ mín đàm 農賈茗談, do Paul Canavaggio, là một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm, Lương Khắc Ninh làm Chủ bút, Nông cổ mín đàm được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng Quốc ngữ tại Việt Nam. Trên báo này, ngay từ số đầu có dịch truyện Tam quốc chí ra Quốc ngữ, đến số 8, mới ghi tên người dịch là Canavaggio, nhưng theo Vương Hồng Sễn người dịch là Lương Khắc Ninh, và đó là truyện Tàu đầu tiên xuất hiện ở Miền Nam cũng như Việt Nam.


 Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.

Năm 1905, ông thành lập gánh hát bội Châu Luân ban ở Sàigòn.

Năm 1906 ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương, nhà văn Trần Chánh Chiếu thay thế ông làm chủ bút Nông cổ mín đàm.

Tuy là người có danh tiếng, từng làm nghị viên hội đồng nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh, tuy nhiên hoạt động chính của ông vẫn trong ngành báo chí hơn là chính trị.

Tháng 10 năm 1908, từ số 51, ông làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn, thay cho Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt, vì hoạt động cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.

Năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo tại Marseille. Tại đây, ông đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi về quan điểm, đường lối cứu nước với chí sĩ Phan Châu Trinh và tỏ ra rất kính trọng và khâm phục tài năng chí sĩ họ Phan trong đường lối giành độc lập dân tộc. Cũng tại Pháp, ông từng viết một bức thư gửi vua Khải Định, bấy giờ cũng đang ở Pháp, khuyên vua nên tiếp thu và thực thi quan điểm của Phan Châu Trinh.

Sau khi ở Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo ở Sài Gòn và thường đi diễn thuyết ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho cổ động cho phong trào duy tân tự cường.

Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1943, hưởng thọ 81 tuổi.

Tác phẩm:

- Sãi Vãi (phiên âm với Nguyễn Khắc Huề và Nguyễn Dư Hoài, Claude & Cie, 1905)
- Tuồng Gia Trường (tuồng hát viết chung với Lương Khắc Huề, 1906)
- In khờ mà khôn (thơ lục bát kể chuyện, 1924)

Trích văn:

Bão lụt phía Tây-Nam(*)

Trong một năm hai lần bão, tại xứ nhỏ như Nam Kỳ, thương hại thay cho dân khổ, 16 tháng ba bão nơi Ðông Nam dân Tây-Nam bình tịnh, đến đêm 26 tháng chín bão nơi Tây Nam từ 8 giờ tối tới 4 giờ sáng mới ngơi. Từ Sóc Trăng, Ðại Ngãi, Bạc Liêu, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Ðốc và Hà Tiên, cây ngã nhà xiêu, ghe chìm người chết, hao của dân vật, nghĩ rất thảm thương. Chẳng phải bão mà thôi, lại nước lụt tràn bờ, lúa cày mạ gieo đều trốc rễ. Nghĩ coi sáu tháng chia nhau chịu khổ, người mắc trước kẻ bị sau, lúa thóc mùa màng mang hại. Thương là thương dân hèn gặp khổ, kẻ khó chịu tai; nhọc hình-hài làm mọi cho người, đói lòng, dạ không an con vợ. Thương ôi! Ðã biết rằng: Trời còn có khi mưa khi nắng, người sao không lúc thạnh lúc suy. Nhưng vậy mà ngoài ba mươi năm dân luống thảnh-thơi, quen thời-tiết phong điều võ-thuận. Xãy một phút trời sanh tai biến, người không dè phải chịu nghèo nàn. Dẫu tiên-tri cũng khó thở-than, vì dân-vật thường không tin lời phải. Nếu luận chuyện thành tiên thành phật cùng địa-phủ thiên-đàng, thì nhiều nơi tham nơi sướng tránh chỗ go; bằng mà luận trái phải việc đời, lo việc tới lui, thạnh lắm phải lo suy, sướng lâu thì sợ cực; những điều ấy người cho rằng luận vấy, ăn cơm nhà để lo chuyện bao đồng. Ôi thôi ! Hể trời khiến tai-nàn người chịu, xót tình thương nên tỏ một đôi lời. Gia Cát xưa chưa bỏ lều tranh, đã rõ trước tam-phân đảnh túc; bởi Chiếu-liệt đốc-thành kỉnh-sĩ, nên người đành tận-tụy cúc-cung. Vì một người, chịu nhọc một mình; làm hết sức, chớ cơ trời nào dám cãi. Thương trăm họ nên phân trái-phải, hết sức mình cho trọn phận làm người, há cầu ai rằng phải rằng chăng, điều phải chẳng tự nhiên người xét lấy.

Thương ôi !

Bị bị tai tai trời trời khiến khiến hại hại người người đời đời hết hết tưởng tưởng chơi chơi thì thì phải phải sợ sợ.

Xin chư văn hữu đọc bài tứ tuyệt nầy, rồi gửi đến cho bổn quán, như trúng thì xin phụng lại một tháng nhựt-trình xem chơi.
Chủ bút
Trích văn vần:
In khờ mà khôn
……………….
Ai mà hiểu thấu thiện duyên,
Trọn đời mới rõ hiếu hiền thành thân.
Người mà tâm tánh tham gian,
Bất trung bất hiếu oan [hoang] đàng lụy thân.
Thông Đạo hai tên an nhàn,
Thảo cha, thuận bạn, vợ chồng thảnh thơi.
Khuyên ai phải xét việc đời,
Ngay tin đặng sưóng, dữ thời táng thân.
- 0 -
Trên trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh có đăng bài của Nguyễn Văn Sâm, có nhận định về nhà văn Lương Khắc Ninh như sau:
Là một nhà báo, nhà văn, một người cổ động cho thương nghiệp, người viết tuồng kiêm bầu gánh hát bội, một nghị viên Hội Đồng Tư Vấn của chánh phủ, Lương Khắc Ninh là một nhân vật hoạt động hăn say trong nhiều lãnh vực văn hóa ở Sàigòn suốt từ năm 1900 cho đến hết thập niên 30 của thế kỷ 20. Trong lãnh vực nào ông cũng để lại ảnh hưởng và tiếng tốt.

Ghi chú:

(*) Nông cổ mín đàm số 166 ngày 17-11-1904

Tài liệu tham khảo:

- Lương Khắc Ninh Web: vi.wikipedia.org
- Bảo lụt phía Tây Nam Web: ahvinhnghiem.org

No comments:

Post a Comment