Pages

Tuesday, August 19, 2014

Tiểu thuyết feuilleton



Nguyên từ feuille của Pháp ngữ có nghĩa là lá cây, nghĩa rộng là lá, tấm, cánh, tờ. Feuilleton là mục tiểu phẩm ở trong tờ báo, đoạn tiểu thuyết, phê bình, khoa học đăng dần từng kỳ trên báo, giấy bìa xấu. Do đó Tiểu thuyết feuilleton là tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trong tờ báo.

Đó là nói đại cương, chớ thật ra không phải hoàn toàn như vậy. Tiểu thuyết feuilleton phát nguồn từ Pháp. Bắt đầu từ tiểu thuyết feuilleton La Comtesse de Salisbury của nhà văn Alexandre Dumas đăng từ 15-7 đến 11-9-1836 trên tờ Press. Rồi đăng truyện La Vieille Fille của Balzac từ 23-10 đến 30-11-1836.

Thoạt tiên, tiểu thuyết feuilleton là tiểu thuyết đăng nhiều kỳ liên tiếp trên báo, nói như thế cũng chưa đủ nghĩa của tiểu thuyết feuilleton. Bởi vì tiểu thuyết feuilleton là tiểu thuyết chưa viết xong đã đăng báo, thứ nữa là viết một đoạn rồi đăng báo hoặc viết tới đâu đăng báo tới đó, cho nên tác giả viết năm bảy trang đủ đăng một kỳ báo, tác giả đưa cho báo hàng ngày, hằng tuần hay hàng tháng in ngay.

Nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết feuilleton đầu tiên phải kể là Gilbert Trần Chánh Chiếu, khi làm Chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, ông đã cho đăng tiểu thuyết Tiền căn hậu báo dưới bút hiệu Trần Nhựt Thăng, phỏng theo tiểu thuyết Le Comte de Monte-Cristo (1844) của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (1802-1870),  về sau do nhà in Union in lại năm 1914.


Năm 1912, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Lê Hoằng Mưu được đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ số 19, ra ngày 20 tháng 7 năm 1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương đến số 53, ngày 29 tháng 5 năm 1915 chưa kết thúc, được nhà in Imp. J. Nguyễn Văn Viết xuất bản thành sách với tên là Hà Hương phong nguyệt, được độc giả ưa thích nồng nhiệt đón nhận. Lê Hoằng Mưu là tác giả ăn khách nhứt, tác phẩm của ông in ra “bán chạy như tôm tươi”.

Còn một thuộc tính nữa  của tiểu thuyết feuilleton là tiểu thuyết bình dân hay đại chúng, không phân biệt chủng loại trinh thám hay tình cảm lãng mạn hoặc xã hội, miễn tiểu thuyết ấy đăng báo được độc giả nồng nhiệt đón nhận, nhất là tác giả phải sáng tác điều đặn, kịp thời để in báo.

Nhà văn viết tiểu thuyết feuilleton có tên tuổi ở miền Nam phải kể đến từ Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Ngọc Sơn, An Khê, Bình Nguyên Lộc, Bà Tùng Long, Lê Xuyên… Trong số những nhà viết tiểu thuyết feuilleton này, theo Bình Nguyên Lộc cho biết có lúc ông và Lê Xuyên viết đến 11 tiểu thuyết hàng ngày, trong khi An Khê viết đến 12 tiểu thuyết trong một ngày. An Khê có tiểu thuyết Sóng tình, do nhà xuất bản Miền Nam in năm 1960, dài đến 695 trang. Nhà văn Lê Xuyên viết tác phẩm Chú Tư Cầu, đăng trên báo Sàigòn Mai từ tháng 2 năm 1961 đến tháng 2 năm 1963, xuất bản thành sách vào tháng 3 năm 1963, dài đến 907 trang.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc viết tiểu thuyết feuilleton, ông thích viết trên giấy kẻ hàng của vở học trò, theo ông cho biết, phải viết bao nhiêu trang giấy thì đủ in một kỳ cho tờ nhật báo. Thông thường, các nhật báo in trên tờ giấy báo khổ 74x58 cm, gấp đôi thành 4 trang báo, tiểu thuyết in ở đầu trang 3, trang báo chia làm 4 phần theo chiều dọc, tiểu thuyết in theo phần đó, chia làm 4 cột.

Trong hồi ký, Bà Tùng Long có cho biết khoảng năm 1960, viết truyện dài là tiểu thuyết feuilleton, lương tháng 6 ngàn đồng, truyện ngắn đăng trọn kỳ, khoảng một trang báo, giá 1 ngàn đồng, 2 kỳ 2 ngàn đồng và năm 1963 bà là dân biểu nhiệm kỳ III, đệ nhất Cộng Hòa, chưa kịp lãnh lương tháng 25 ngàn đồng tương đương với 5 cây vàng thì bị đảo chánh, bà cũng cho biết lương viết văn của bà còn cao hơn lương Dân biểu thời đó.

Tưởng cũng nên trích hai đoạn sau đây trong hồi ký của bà, để biết rõ hơn về tiểu thuyết feuilleton và kỹ thuật viết văn của bà:

Tôi thường viết bằng bút Bic màu đen, viết trên giấy báo đã in một mặt. Tôi thường ghé tòa soạn mỗi buổi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và 3, để coi lại feuilleton của mình đã in đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài của tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền ngồi vào bàn tại phòng sắp chữ, viết nối theo đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền cho thợ kịp sắp chữ, lên khuôn.
………..
Tôi luôn luôn lập sẵn dàn bài, tóm lược cốt truyện, phân chương và ghi chi tiết từng chương, định hình nhân vật … cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo nào, tôi luôn xem lại dàn bài này, nhờ vậy không bao giờ lẫn lộn cốt truyện, hoặc nhân vật truyện này qua truyện nọ. Nói cho đúng, tôi nhờ nghề viết văn mà lần hồi nuôi được chín đứa con, đứa nào cũng vào đại học.

Hầu hết tiểu thuyết của các nhà văn miền Nam đều là tiểu thuyết feuilleton, sau khi đã in báo hoàn tất, các nhà xuất bản mới in thành sách.

Văn nghiệp Hồ Biểu Chánh chúng tôi sưu tầm chưa đầy đủ, được 71 tác phẩm, đến Phú Đức khoảng 70 tác phẩm, Bình Nguyên Lộc 36 tác phẩm, Bà Tùng Long 32 tác phẩm.

Riêng Phúc Đức là một nhà văn nhờ có tiểu thuyết Feuilleton Châu về hiệp phố lần đầu đăng trên nhật báo Trung Lập của Mạnh Tự Trương Duy Toản vào khoảng năm 1925, sau nhà xuất bản Xưa Nay in thành sách, đến thập niên 1950 đăng lại trên báo Thần Chung, Tiếng Chuông, khoảng đầu thập niên 1960, đăng lại trên tuần báo Bình Dân do chính nhà văn Phú Đức chủ trương, năm 1988 nhà xuất bản Tổng Hợp Tp. Tiền Giang cho tái bản gồm 3 tập, vẫn được độc giả ưa thích đón nhận.

Nhà văn Lê Hoằng Mưu thuở sơ khai của tiểu thuyết miền Nam, cũng như nhà văn Ngọc Sơn vào thập niên 1950, được trả lương cao nhất cho tiểu thuyết của họ và được biệt đãi, người làm Chủ bút, người có tiền thưởng cao vào dịp cuối năm.

 Vào thập niên 1950, 1960 là thời vàng son của những nhà viết tiểu thuyết feuilleton tại Sàigòn, bởi vì thời đó có nhiều nhật báo, nhất là đất Sàigòn, là mảnh đất trù phú xưa nay, sẵn dành cho văn học quốc ngữ phát triễn, gồm có báo chí và tiểu thuyết.  

Lou. 19-7-2014

No comments:

Post a Comment