Pages

Friday, August 8, 2014

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên



Phạm Xuân Nguyên


 Phạm Xuân Nguyên (1956-20  )

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên sinh ngày 15 tháng 5 năm 1956 tại thành ph  Hà Tĩnh.

Học Trung học, ông luôn ở trong đội tuyển học sinh giỏi môn văn và toán, năm Lớp 6 và Lớp 10, ông được giải nhất về môn văn ở Hà Tĩnh.

Ông học chuyên toán ở Trường cấp 3 Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh, được học tiếng Nga.

Năm 1975, tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phạm Xuân Nguyên thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, thời gian này ông mượn giáo trình tiếng Pháp của bạn tự học thêm.

Năm 1978, đang theo học Đại học, Phạm Xuân Nguyên đi bộ đội, thời gian này ông tự học tiếng Anh, có thời gian đóng quân tại Tp. HCM. Đến năm 1982, ông rời khỏi đời sống quân ngũ.

Phạm Xuân Nguyên không nghe, nói thạo ngoại ngữ nhưng ông có thể dịch Nga, Pháp, Anh văn ra Việt văn. 

Năm 1980, bài đầu tiên Phạm Xuân Nguyên dịch từ Pháp văn ra Việt văn gửi đăng trên báo Tiền Phong. Ông dịch thơ, dịch truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch lý thuyết, nghiên cứu. Ông đã dịch sách của Milan Kundera (nhà văn Czech), Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản), Jean-François Lyotard (nhà triết học Pháp)... Là dịch giả, ông dùng bút danh Ngân Xuyên.

Năm 1983, Phạm Xuân Nguyên tốt nghiệp Cử nhân và làm việc tại Viện Văn học ở Hà Nội từ năm 1984.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội từ năm 2010.

Tác phẩm:

- Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của thỏ Lốc (truyện cổ Tây Phi, 1986)
- Sự bất tử (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999)
- Chậm rãi (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999)
- Bản nguyên (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999)
- Ý nghĩ giá bảy triệu (tiểu thuyết, dịch của Edi Edigay, 2001)
- Truyện cổ Myanmar (2001)
- Người tình Sputnik (tiểu thuyết, dịch của Haruki Murakami, 2007)
- Hoàn cảnh hậu hiện đại (triết học, dịch của J-F. Lyotard, 2007)
- Văn học và cái ác (nghiên cứu, dịch của G. Bataille, 2012)
- Nhà văn như Thị Nở (phê bình, Hội Nhà Văn, 2014)

Trích văn:
Linh là lạ

Vi Thuỳ Linh, thi sĩ tuổi Thân đứng chữ Canh này không còn lạ trên thi đàn VN kể từ khi cô xuất bản tập thơ đầu tay Khát (1999). Năm ấy, cô 19 tuổi. Nhưng Linh luôn là lạ mỗi khi cô xuất hiện, cả cuộc sống lẫn nghề nghiệp.

Cô không thích lặng lẽ, im lìm mỗi khi xuất hiện, vì cho rằng những giá trị cần được tỏ bày dưới ánh sáng một cách chính đáng. Cũng không phải muốn lặng mà được. Lại cũng có người rất muốn gây chú ý và tìm mọi cách nhưng không hiệu quả.

Thật đặc biệt mỗi lần cô cho ra đời một cuốn sách mới. Cô coi đó là một sự kiện và sự thực là thế. Còn hơn sự kiện, thường là một kỷ lục. Không phải là kỷ lục bất kỳ nào, mà phải là kỷ lục của sự đầu tiên. Cô coi là và khiến mọi người phải công nhận đó là vậy. Vi Thuỳ Linh là nhà thơ đầu tiên và trẻ nhất tạo dựng sự kiện này, có mặt sự kiện kia. Cuốn hút, náo nhiệt, rầm rĩ. Quyết liệt, đam mê, tự tin. Người cười, người không nói. Người ủng hộ, người lắc đầu. Người vào cuộc, người bỏ đi. Song không ai không mặc định điều này khi nói về cô: Linh là lạ. Chí ít, nếu tất cả đều phản đối tôi, thì còn một người là tôi, nói: Linh là lạ. Cái lạ thuộc khí chất, thể trạng, tâm tính của cô. Nói gọn lại, Linh là lạ cả về thể phách và tinh anh. Hệt như sự hiện hữu và tồn tại của cô trong đời và trong thơ. Chấp nhận hay bác bỏ là việc của nhân quần, Linh thì không muốn khác. Như mỗi người là không thể khác mình, càng là người văn chương càng vậy. Có điều, Linh là lạ ở mức như chối bỏ và thách thức những thói quen và quán tính của một số đông, của số rất đông.

Một con giáp đã qua khi Linh bắt đầu Khát trong thơ. Tiếp đó là Linh (2000), Đồng tử (2005), ViLi in love (2008), Phim đôi - Tình tự chậm (2010). Tập thơ nào của Vi Thuỳ Linh ra, thành sự kiện của đời sống văn học, chí ít là ở Thủ đô. Không thể không ghi nhận công lao của Vi Thuỳ Linh cho văn học có sức sống, dư luận trước vũ bão truyền thông và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình nghệ thuật, giải trí. Người ta không thể thờ ơ. Công chúng tìm đọc, khen chê, bàn tán. Sao không cảm phục lao động thơ của cô. Với Linh, thơ là thiêng, nhưng lao động thơ là cật lực, công phu, vắt kiệt tâm trí và sức lực cho câu chữ dẫu bộn lo toan trần thế. Tôi muốn nói đến việc Linh không chịu để thơ mình bị mờ nhoè, bị xem nhẹ khi xuất bản. Cô làm cho mỗi tập thơ của mình trở thành vật phẩm văn hoá, một giá trị văn hoá từ cách in ấn cho đến cách đưa sách tới người đọc. Tập sau so với tập trước trình bày, bố cục công phu hơn, giá in giá bán đắt hơn, tổ chức ra mắt sang trọng tốn kém hơn, hút kiệt sinh lực tác giả hơn. Ai đó cười chê: cốt là nội dung, những cái đó thêm được gì cho nội dung. Linh làm vì cô tin ở thơ mình và tin người đọc không quay lưng lại thơ. Ở thời buổi này phải biết cách đưa thơ đến người đọc và phải tìm cách đánh thức người đọc tìm lại thơ, biết quý giá chất thơ trong đời sống. Cuộc chơi, nếu ai coi thế, đấy là cuộc chơi sang trọng, đáng ước mơ. Hiệu quả thì hãy lấy chính sự sang trọng của cuộc chơi, thực hiện bởi những người chịu chơi, mà Vi Thuỳ Linh là chủ trò.

Linh nghĩ thế và làm thế. Tận lực. Tận hiến. Đỉnh cao cuộc chơi sang trọng cho thơ và vì thơ của Linh là ngày 1/12, khi cô ra mắt cùng lúc hai tập sách, một thơ và một văn - ViLi & Paris và ViLi tuỳ bút tại Nhà hát Lớn Hà Nội - với đêm nghệ thuật có một không hai “Bay cùng ViLi”. Đây quả là kỷ lục lần đầu tiên văn học được đưa lên sân khấu Nhà hát Lớn đúng hình thức của nó là tác giả và tác phẩm. Ra mắt sách ở Nhà hát Lớn - sự kiện văn hoá hiếm có. Và thật quyến rũ không cưỡng lại được khi có nhiều nghệ sĩ hàng đầu ở Thủ đô và quốc gia tham gia cùng Linh trình diễn thơ - văn của cô. Linh là lạ, thực vậy!

ViLi & Paris, tập thơ thứ bảy của Linh, chở người đọc bay từ Trùng Khánh quê nội vùng núi phía Bắc băng qua Hà Nội thủ đô châu thổ sông Hồng đến Paris kinh thành ánh sáng trời Âu. Thơ có tính ký sự hành trình, đậm chất sự kiện ở những ngày giờ, chuyến bay,  địa danh quảng trường, góc phố, ngôi nhà, ở những tên người danh nhân quen lạ, và ở các chú thích tỉ mỉ, chi tiết. Từ chỗ chỉ khai thác thuần cảm xúc bên trong, Linh đã hướng ngoại để hướng nội sâu hơn. Bởi với thi sĩ, thế giới bên ngoài chỉ là cái cớ, sâu hơn nữa thì là xúc tác, một cú đánh của giác quan làm bật nẩy lên tình cảm, cảm xúc. Linh đã “phải lòng” thủ đô nước Pháp ngay từ lần chạm mặt 2003 và tình yêu ấy ngày càng bền chặt qua các chuyến đi tiếp theo: “Paris đã giữ lại và lưu dấu một phần đời tôi. Không chỉ viết riêng cho Paris, mà ViLi kể từ khi có Paris trong sự sống, nỗi nhớ kéo dài, đã thực sự khác”. Bay tới Paris, bay cùng ViLi đến những chân trời nghệ thuật luôn mời gọi và thách thức, luôn chấp nhận và khước từ, kìm nén và cuốn theo cám dỗ. Nơi nào, Hà Nội hay Paris, Linh vẫn là Linh - Người Khát Yêu. Không gian Linh đến, Linh ở luôn ngập yêu, tràn yêu. Cô sống hối hả, như chạy đua  thời gian, như để bắt kịp một cái gì phía trước có vẻ là không bắt kịp. Và như vậy đọc tập thơ này, ta càng thấy rõ Linh cô đơn, cô độc hơn nhiều. Linh là lạ trong cái vẻ chộn rộn ngày thường, mà tận sâu trong tâm hồn là tĩnh lặng và câm nín. Sự kiện ở Nhà hát Lớn tối 1/12 là một festival tinh hoa đỉnh cao tiếng ồn trong khoảng lặng sâu thẳm đó của cô.


Nên Linh đã viết văn xuôi. ViLi tuỳ bút là “tập văn xuôi đầu tiên của Vi Thuỳ Linh”. Tại sao lại là tuỳ bút mà không phải ký sự? Chắc vì Linh quá nhiều chất thơ và hoài niệm ký ức. Là người kỹ tính trong việc chọn câu chọn chữ, cô là một nhà báo về nghề nghiệp đào tạo và là một nhà báo văn hoá văn nghệ có “gu”, cho nên cô gọi những tác phẩm viết xuôi của mình chọn vào tập văn đầu tiên này là tuỳ bút hẳn có lý do. Là dòng chảy miên man của cảm xúc, là mạch liên tưởng bất ngờ nhưng logic giữa các sự kiện, là những chi tiết được phát hiện, chọn lọc, cài cắm khéo léo, có dụng ý, là cách cấu tứ có lớp lang bài bản, làm cho một văn bản tưởng tuỳ hứng, bất chợt vẫn được cố kết bên trong bằng mạch ngầm tình cảm của tác giả - yếu tố quyết định phẩm chất của tuỳ bút. Linh gọi đó là montage (kỹ thuật dựng của điện ảnh). Làm phim trên giấy, đôi mắt ViLi công bố thế giới quan phong phú của  tác giả, đôi mắt mở nhiều góc quay, cỡ cảnh, đưa người đọc đến miền chưa tới, khơi mở các vùng cảm xúc nguyên khiết và lạ lẫm.

Đọc văn xuôi của Linh mới hay, cô đọc cũng đã nhiều, biết cũng đã lắm, kiến thức và tri thức về nhiều mảng văn hoá tích tụ được khá dày - điều cần thiết của một cây viết văn xuôi. Trên hết và trước hết Linh là một nhà thơ, nên cô tổ chức bài văn xuôi của mình theo nguyên tắc thơ, tính thông tin của sự kiện là cần thiết, vẫn phải lùi xuống nhường cho cảm xúc, tâm tư trội lên chi phối cả đối tượng và người thưởng thức. Trong cả thơ và văn của Linh, cặp phạm trù Anh - Em viết hoa hay viết thường vừa là thực vừa là ảo, vừa là hiện hữu vừa là hư vô, là chất kết dính toàn bộ sự vật và nhân vật trong thế giới nghệ thuật của Linh.

Hãy đọc bài dài nhất trong tập tuỳ bút có tên Thời của đời yêu với đối tượng được nói đến là hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, “u nuôi” của Linh hiện nay. Những sự thực trong bài có thể khiến nhiều người giật mình, phát giác lại sự thật về một sự thực khác lâu nay. Ngay từ đầu Linh đã xác định chủ âm của bài viết là: “Chuyện tình không thời gian Lưu Quang Vũ - Nguyễn Thị Hiền, Anh và Vi như vừa bắt đầu, đang nồng nàn, rung vang và còn mãi”. Nói vậy là đã nói về cảm xúc tiếc nuối đẹp đẽ buồn bã của một đời người, của nhiều đời người, đi qua tình yêu không thành mà dư âm dư vị dư ảnh thì còn lan toả và lắng đọng. Cái còn lại chỉ là bóng sáng, là “hạnh nguyện vĩnh cửu của nhân loại, của mỗi chúng ta, của những đời yêu quên tuổi”. Linh trong bài đổi vai giữa người phụ nữ bốn mươi năm trước và cô gái bây giờ, giữa nhân vật và tác giả, họ đều là Người Khát Yêu vượt không gian và thời gian. Đây là bài hay nhất trong tập, nó chung đúc được tất cả sự đắm đuối, nồng nàn và day dứt mà Linh đổ tràn trong mỗi bài viết, dù là nói về nhà hộ sinh nơi mình cất tiếng chào đời hay về những hòm thư dần biến mất trong thành phố. Dù là kể về bức tranh thiếu nữ Ulan Bator của ông nội hay hồi tưởng cuộc yêu trên cánh đồng nước Pháp. Do vậy, đọc tuỳ bút của Linh chẳng khác đọc thơ, những bài thơ văn xuôi.

Phụ hoạ cho những con chữ của Linh cả trong thơ và văn là màu sắc tím Linh coi như màu chủ của đời mình - tím bìa, tím chữ, tím trang, là những bức tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng. Cầm cuốn sách mở ra là được hòa vào sắc màu tưởng thấy những con chữ xôn xao, động mình, làm cựa quậy trỗi thức giác quan và tâm hồn người đọc. Cả ở đây nữa, Linh là lạ, như cô thiếu nữ luôn làm bất ngờ người đối diện bằng những thay đổi tinh nghịch.

Vậy là, ngày 1/12, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Vi Thuỳ Linh làm cuộc ra mắt tập thơ thứ bảy và tập văn đầu tiên của mình. Một sự kiện đầu tiên của văn chương nơi Thánh đường ấy. Linh giỏi, kiếm được tài trợ để tổ chức sự kiện, mời được những nghệ sĩ danh tiếng tham gia sự kiện, mời được những khán giả đáng trọng đến xem sự kiện, quảng bá xứng đáng cho tầm vóc sự kiện. Có quá lời không khi nói: duy chỉ có Linh làm nổi việc này, vì cô ôm ấp khát vọng quá lớn và quyết tâm thực hiện bằng được khát vọng lớn ấy. Sau đêm sự kiện, Linh lại về đối diện mình. Còn người xem về đối diện hai tập sách mới của Linh. Họ sẽ đọc và thấy Linh là lạ.

Những ai được “bay cùng ViLi” trong đêm diễn 1/12 là những người may mắn. Bởi kỷ niệm đắt giá này là món quà siêu thường mà Vi Thuỳ Linh và êkíp sáng tạo, cống hiến cho công chúng thưởng thức tinh sành. Cô kỳ vọng và tin từ đó khát vọng và từ trường của nhiều tài năng sẽ kích động ham muốn sáng tạo của tất cả. Một thế giới khác đã mở ra dưới vòm Nhà hát Lớn. Chúng ta không thể quên, thờ ơ và sống như cũ khi thực sự gặp một dư chấn lạ. Tôi tin chắc thế. Họ sẽ thấy ở Linh một cá tính, một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc với cuộc sống và nghệ thuật. Có những ai đó ít đọc Linh mà lại chê tác phẩm vì cá tính Linh, thật là phiến diện. Còn tôi, tôi đã ủng hộ từ đầu cá tính của Vi Thuỳ Linh của đời thường và sáng tạo, dù đôi lần có giận (giận yêu). Bởi đơn giản, Linh đã là ViLi. Luôn là mình nên phong cách của Vi Thuỳ Linh không nhoà lẫn. Cô đã được tự do và vẫn đi tới tự do. Hãy để mọi người sống đúng mình, là mình.

(2/12/2012)

Trích thơ:

Phạm Xuân Nguyên: Tôi vốn không phải là nhà thơ nhưng cảm xúc và ấn tượng trong hai chuyến ra thăm Trường Sa (5-2010 và 5-2012) đã làm bật lên trong tôi tiếng thơ như sự đồng cảm chung sức chung lòng với các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Đó cũng là tình cảm yêu nước của tôi. Trong những ngày này, khi nhân dân cả nước đang biểu thị quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển của tổ quốc trước hành động trắng trợn gây hấn của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 chà đạp công lý và công pháp quốc tế, tôi càng nhớ đến những người lính của chúng ta ở Trường Sa. Tôi vững tin họ sẽ không để cho những kẻ có dã tâm coi Biển Đông như ao nhà muốn làm gì thì làm. Cả nước đang đoàn kết đứng lên bảo vệ tổ quốc cùng những người lính Trường Sa.

Đường chân trời 

Tôi nói cùng anh về đường chân trời                      
không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển
không phải nơi xa vời chân đi không thể đến
không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây
Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây
chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt
là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết
người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi
Là Cô Lin – Gạc Ma, sừng sững đường chân trời
sáu mươi tư chiến sĩ hải quân hy sinh vì nước
máu các anh không thể nào tan được
giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời
Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười
những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo
từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão
vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà
Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK
người và sóng lắc lư trên biển
những người lính lấy thân mình làm bến
cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền
Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con
đường chân trời chạy qua bao số phận
người trên bờ mong trời êm biển lặng
người giữa khơi lo yên ổn ở nhà
Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa
đường chân trời xa ngoài trùng biển cả
đường chân trời gần trong vùng thương nhớ
suốt đời ta mang nợ những chân trời 
(Trường Sa 11/5/2010)

Chuông chùa Trường Sa

Tiếng chuông trên đảo Sinh Tồn
Mang mang cõi Phật muôn muôn cõi người
Mênh mông biển bao la trời
Mái chùa thân thuộc ngàn đời hiện ra
Trường Sa bỗng hóa quê nhà
Câu kinh tiếng mõ gần xa sớm chiều
Lẫn trong tiếng trẻ hò reo
Đảo xa dường bớt quạnh hiu tháng ngày
Nhớ thương khuất nẻo chân mây
Tâm linh gửi bóng sư thầy vào ra
Chuông vang khắp đảo Trường Sa
Biển Đông lãnh thổ nước nhà là đây
Chuông vang nam bắc đông tây
Trời kia biển đó đảo này của ta
Chuông Trường Sa vọng Hoàng Sa
Vọng vang biển đảo sơn hà Việt Nam
Chuông kêu khấn nguyện bình an
Mẹ cha ở cuối thôn làng ngóng con
Chuông kêu chờ đợi sắt son
Người đi nhớ vợ thương con chập chùng
Chuông kêu bảy sắc cầu vồng
Những người lính trẻ dõi trông lên bờ
Chuông kêu rình rập kẻ thù
Máu đào còn nguyện thắm cờ vàng sao
Vượt lên mọi tiếng gầm gào
Đất liền hải đảo nối vào tiếng chuông.
(21-23/5/2012)

Viết từ đêm ngủ cạnh chùa trên đảo Sinh Tồn sáng dậy nghe tiếng chuông

- 0 –

Trong bài: Kể tội “Thị Nở” Phạm Xuân Nguyên, tác giả Hồ Hạ đã viết:

“Nhưng, dù hờn hay trách thì bất cứ ai đọc xong cuốn sách này (1) cũng cảm thấy thỏa mãn vì nó có sức hấp dẫn như một tác phẩm văn học thực sự. Từ những phân tích sắc sảo, phát hiện độc đáo, giọng điệu đa dạng, đến góc nhìn biến đổi, văn liệu phong phú. Và đằng sau 51 gương mặt văn chương ấy, Phạm Xuân Nguyên đã tự họa chân dung của chính mình: Một “Thị Nở” tinh tế, đầy suy tư, thẳng thắn và không khoan nhượng.”

-----
(1) Nhà văn như Thị N (Ghi chú của soạn giả)

Tài liệu tham khảo:

- Phạm Xuân Nguyên Web: nguoiduatin.vn
- Linh là lạ Web: hcmup.edu.vn

No comments:

Post a Comment