Pages

Saturday, July 15, 2017

Tham quan cung điện Versailles



Hôm nay Thứ Bảy 15-7-2017, người quen giúp tôi, nhờ con gái của họ đưa tôi đi chơi  Paris, cháu ấy hỏi tôi muốn đi đâu, tôi cho biết mấy năm trước sang Paris mà chưa đi tham quan cung điện Versailles. Thế là chúng tôi quyết định đi Versailles.

Từ vùng Ivry Sur Seine, Pauline lấy vé RER để đi đến Versailles, phải chuyển 2 lần xe mới tới nơi. Có 3 mục để tham quan, tôi chọn 2 là tham quan cung điện Versailles và vườn cảnh Versailles mà thôi. Khi lấy vé tham quan xong, mới có 12 giờ hơn, phải đợi đến 12 giờ 45 mới có hướng dẫn viên đưa đi. Trong khi chờ đợi chúng tôi vào quán giải khát, tôi có nhìn thấy cạnh đó là Mc Donal và bên kia đường là KFC.

Đến giờ, có cô hướng dẫn viên đưa đi, vào bên trong cung điện tại phòng chờ, cô ta phát cho mỗi người 1 cái máy bằng iphone 3 dầy hơn 1 chút, dùng để vào trong muốn biết chi tiết phòng nào, bấm máy số ấy, máy sẽ nói qua cho biết, có những đoàn không có máy thì hướng dẫn viên đi theo thuyết trình.

Cổng chính cung điện Versailles

Trước tiên cũng nên tìm hiểu một chút về cung điện Versailles, theo tài liệu của Bác khoa toàn thư mở rộng – Wikipedia, tóm lược như sau:

Năm 1623, vua Louis XIII, cho xây dựng tại khu rừng Versailles một khu nhà nhỏ bằng gạch và đá để làm nơi dừng chân khi săn bắn. Sau đó ông này mua thêm một mảnh đất của Jean de Soisy, để xây dựng lâu đài đầu tiên của Versailles với một cung điện bằng đá cẩm thạch.

Ngày 8 tháng 4 năm 1632, Louis XIII mua lại toàn bộ vùng đất Versailles từ Jean-François de Gondi. Ngày 26 tháng 5 cùng năm, ông ra lệnh khởi công việc mở rộng lâu đài dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Philibert Le Roy. Công việc này hoàn thành năm 1634, 2 năm sau đó một vườn cảnh kiểu Pháp được xây dựng thêm theo thiết kế của Boyceau et Menours. Năm 1643, Louis XIII qua đời, truyền ngôi lại cho con trai mình, một trong những vị vua vĩ đại nhất của Pháp, Louis XIV hay Louis Mặt Trời.
Tượng vua Louis XIV

Sau khi Louis XIV lên ngôi, ông này cảm thấy không thoải mái với bất cứ cung điện hoàng gia nào lúc đó, từ Palais-Royal, đến Louvre, Tuileries và cả Fontainebleau. Ngay lần đầu tiên đến thăm Versailles, ông đã cảm thấy thích thú với lâu đài tại đây, ông quyết định chuyển dần hoàng gia về Versailles và đến ngày 25 tháng 10 năm 1660 thì Louis XIV chính thức chuyển về lâu đài này cùng hoàng hậu Marie-Thérèse.

Năm 1661, vua quyết định chi 1,1 triệu livre để mở rộng lâu đài với ý định biến nó thành lâu đài tráng lệ hàng đầu trong các hoàng gia châu Âu. Người được giao thiết kế công trình này là Louis Le Vau, kiến trúc sư của Lâu đài Vaux-le-Vicomte. Công việc trang trí các tòa nhà được giao cho Charles Errard và Noël Coypel, còn André Le Nôtre được giao xây dựng khu vườn cảnh orangerie và vườn thú. Tháng 5 năm 1664 lễ hội đầu tiên được tổ chức tại Versailles với sự tham gia của Molière, người cho công diễn ba hồi đầu của vở Tartuffe. Từ năm 1664 đến năm 1666 lâu đài tiếp tục được Le Vau mở rộng gấp 3 lần, khu vườn cũng được đặt thêm các bức tượng do Girardon và Le Hongre sáng tác. Năm 1667 hồ chứa nước lớn của lâu đài, Grand Canal (Kênh lớn), được khởi công xây dựng.

Hồ chứa nước trong khu vườn

Từ năm 1668 đến năm 1670, Le Vau chỉ huy xây dựng phần cung điện mới Enveloppe (Vỏ bọc). Phần công trình này bao gồm một tòa nhà bao bọc lấy cung điện ban đầu. Các Phòng lớn (Grand Appartement) của vua, hoàng hậu cũng được xây dựng ở hai cánh, thêm vào đó là một sân lớn đối diện với vườn cảnh. Sau khi Le Vau qua đời ngày 11 tháng 10 năm 1670, việc chỉ huy xây dựng được giao cho François d'Orbay. Sau khi hoàn thành, phần lâu đài mới này được gọi là "Château Neuf" (Lâu đài Mới) để phân biệt với phần lâu đài cũ "Château Vieux" do vua Louis XIII cho xây dựng. Cũng trong năm 1670 cung điện Trianon bằng sứ được xây dựng. Từ năm 1678 đến năm 1684, Phòng Gương (Galerie des Glaces), gian phòng xa hoa nhất của cung điện được xây dựng.

Trong phòng Gương (cuối phòng có tấm gương)

Ngày 6 tháng 5 năm 1682, vua Louis XIV quyết định không chờ cung điện mới hoàn thành mà rời Saint-Cloud về Versailles và tuyên bố đây là lâu đài chính thức của hoàng đế Pháp. Từ năm 1685 đến năm 1689, lâu đài tiếp tục được mở rộng để đáp ứng được nhu cầu của hoàng gia và các thị thần. Để hoàn thành công việc này, người ta đã huy động từ 22.000 đến 30.000 nhân công, 6.000 ngựa và thậm chí trồng nguyên một khu rừng mới cho lâu đài. Năm 1684, phòng triển lãm của lâu đài được hoàn thành.

Sau khi Louis XIV qua đời năm 1715, các vua Louis XV và Louis XVI tiếp tục coi Versailles là lâu đài chính thức của nhà vua và xây dựng thêm các công trình khác trong đó có một nhà hát hoàng gia và một thư viện lớn ở ngay trong lâu đài

Sau khi Cách mạng Pháp nổ ra, chế độ phong kiến Pháp dưới triều vua Louis XVI sụp đổ thì lâu đài Versailles cũng mất đi vị trí vốn có của mình. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về bảo tàng Louvre, hoặc bị bán sang cho triều đình Anh. Khi vương triều Bourbon trở lại, dưới thời vua Louis-Philippe I, Versailles được chuyển thành "Bảo tàng Lịch sử Pháp" (Musée d’Histoire de France). Cung điện Versailles cũng là nơi chứng kiến việc ký Hòa ước Versailles dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Nằm ở phía Tây của Paris tại thành phố Versailles, lâu đài Versailles là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với một diện tích và các công trình kiến trúc cực kỳ đồ sộ và lộng lẫy. Với một cung điện rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2000 phòng, một công viên có diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu cũng như trên thế giới. Năm 1979, lâu đài Versailles đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.

Hiện nay lâu đài là tài sản công cộng của chánh phủ Pháp. Để quản lý và điều hành lâu đài, người ta cần một đội ngũ 900 nhân viên, trong đó có 400 là nhân viên bảo vệ. Mỗi năm khu lâu đài thu hút 3 triệu lượt người tham quan cung điện và 7 triệu lượt người tham quan công viên, trong số này 70% là khách nước ngoài.

Lâu đài Versailles hiện bao gồm các cung điện Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon, với 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 gương và 13 héc ta mái ngói. Diện tích mở cửa cho công chúng tổng cộng là 67.121 mét vuông. Phần công viên bao phủ diện tích 800 héc ta, trong đó có 300 héc ta rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp (Petit Parc, 80 ha, và Trianon, 50 ha). Phần công viên này có 20 km hàng rào, 42 km đường mòn và 372 bức tượng. Ngoài ra Versailles còn có 55 hồ, bể chứa nước trong đó lớn nhất là Grand Canal, rộng 23 ha với dung tích 500.000 mét khối, còn phải kể đến 600 vòi phun nước và 35 km kênh đào.

Pauline đã đưa tôi đi tham quan cung điện Versailles

Chúng tôi đi tham quan cung điện cũng như vườn cảnh cho đến 4 giờ thì ra về. Cung điện rất đồ sộ, nhiều tranh vẽ các vua, hoàng hậu rất đẹp, và nhiều bức tượng các vua cũng như danh nhân, riêng phòng ngủ của vua, màn treo đã quá cũ, chưa rách nhưng bạc màu. Phòng Hoàng hậu thì không được vào xem.

Phòng ngủ của vua

Phòng trưng bày chiến tranh, có những bức tranh ghi lại những trận đánh xưa, tranh vẽ rất sống động, phòng rất dài, tranh rất to, mỗi bức chiếm một bức tường, có chừng 30 bức trang vẽ trên 2 bên tường.


Nói chung cung điện rất hoành tráng, vĩ đại, đáng tham quan, nhưng người tham quan đông quá, tham quan như cỡi ngựa xem hoa.  Chúng tôi ra về lúc 4 giờ chiều.




No comments:

Post a Comment