Pages

Monday, September 22, 2014

Nhà văn Diệp Văn Kỳ




                                                          Diệp Văn Kỳ (1895-1945)

Ông Diệp Văn Kỳ sanh năm 1895, tại Huế là con của nhà văn Diệp Văn Cương và Công nữ Thiện Niệm, con gái Thoại thái vương Hồng Y.

Thuở nhỏ ông học tại Huế, lớn lên vào Sàigòn, sống với thân phụ là Diệp Văn Cương để đi học, sau khi tốt nghiệp ở Trường Chasseloup-Laubart, gặp lúc Diệp Văn Cương phá sản, được ông Trà Giang Phan Văn Cử (1881-1917), người tham gia phong trào Đông Du, giới thiệu với ông Lê Quang Hiền, tục gọi là Cai Tổng Hiển, nghiệp chủ ở xã Hoài An, Cao Lãnh, Cai tổng Hiển gả con gái cho, rồi chu cấp cho Diệp Văn Kỳ và vợ sang Pháp học khoảng năm 1920-1925.

Ở Pháp, Diệp Văn Kỳ tham gia đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, viết bài cho báo Việt Nam hồn của Nguyễn Thế Truyền, và còn cùng với ông chủ báo này in truyền đơn, kêu gọi người Việt ở Pháp biểu tình để đòi ân xá cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu.

Đỗ Cử nhân Luật khoa, Diệp Văn Kỳ về nước, sống một thời gian ở Cao Lãnh, tại đây ông đã thành lập Hội khuyến họccó những hoạt động xã hội, văn hóa. Sau ông lên Sàigòn hành nghề luật sư, nghe theo lời Trà Giang Phan Văn Cử, ông bỏ nghề luật sư sang làm báo, để có cơ hội tranh đấu nhiều hơn. Vợ ông điều hành nhà in Bảo Tồn. Đầu tiên ông viết cho Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) của Nguyễn Kim Đính.

Năm 1927, ông mua lại tờ Đông Pháp thời báo, và ông đã cho mời các nhà báo nổi tiếng đất Bắc như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi...vào Sàigòn cộng tác. Tờ Đông Pháp thời báo do ông làm Chủ nhiệm hoạt động t từ số 635, ra ngày Thứ Sáu 14-10-1927 cho tới số cuối 809, ra ngày 22-12-1928 thì đình bản.

Đầu năm 1929, Diệp Văn Kỳ lập tờ Thần Chung, với sự cộng tác đắc lực của Nguyễn Văn Bá, vốn là giáo sư xuất thân Trường Sư phạm Hà Nội, Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Trần Huy Liệu, Phan Khôi ..., Thần Chung tồn tại cho đến năm 1932, báo bị đình bản, vì đăng những bài chống nhà cầm quyền Pháp ở đất Nam Kỳ.

Năm 1938, Diệp Văn Kỳ lại tích cực tham gia phong trào "Đông Dương Đại hội" với nhóm La Lutte. Nhưng chỉ mấy tháng sau, phong trào bị nhà cầm quyền Pháp khủng bố, và ra lệnh trục xuất ông về Trung Kỳ. Để trốn tránh, ông giả dạng làm một tu sĩ nhưng vẫn bị quân Pháp bắt dẫn độ về Huế cùng với Bùi Thế Mỹ và Đào Trinh Nhất. Non một năm sau, lệnh trục xuất mới được thu hồi, ông liền trở lại Sàigòn tiếp tục hoạt động như trước.

Trong thời kỳ quân Nhật chiếm đóng Việt Nam, viên đại úy Nhật là Noda từng kiếm cách dùng ông. Sau nhiều lần thối thác, tránh né, cuối cùng ông về sống ở Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh với người anh cột chèo là kỹ sư Phan Mính, con trai trưởng cụ Phan Thúc Duyện. Năm 1945, ông bị giết chết ở Củ Chi, có người cho là bị cướp, nhiều người cho rằng ông bị thế lực chánh trị quá khích thủ tiêu. Năm đó ông mới hưởng dương 50 tuổi.

Tác phẩm:

- Chế độ báo giới Nam Kỳ (1938)

Trích văn:

Bài của ông Phan Văn Hùm thôi đăng

Từ đây câu chuyện “Ngồi tù khám lớn” của ông Phan Văn Hùm đã đứt ngang không thể tiếp tục nữa đặng.
Trưa hôm qua có lệnh của quan Thống đốc Eutrope truyền cho tòa kiểm duyệt tự hậu không được cho phép Thần Chung ấn hành câu chuyện đó nữa.

Phàm mình làm báo quốc ngữ, có lệnh thì phải tuân. Vì trước khi mình ra lãnh trách nhiệm thì đã biết là đã có tòa kiểm duyệt. Lấy sự thật mà nói, từ khi tôi dự vào trường ngôn luận thì chưa có gặp điều chi có thể nói rằng tòa kiểm duyệt ở đây quá ư hà khắc. Bằng như mỗi bài mỗi để nguyên văn, ai còn đặt ra tòa kiểm duyệt mà làm chi. Đến nay có lệnh không cho phép xuất bản bài “Nồi tù Khám lớn”, thì thật tôi không hiểu. Song nghĩ chắc là có lẽ chỉ quan hệ đến quyền thống trị của chánh phủ Pháp ở xứ này nên quan thống đốc Eutrope ngài mới làm như vậy.

Điều đó chỉ một mình quan thống đốc biết rõ. Vậy mà vì tôi đã nói rằng tôi lấy làm lạ, nên phải cắt nghĩa ra đây cho chánh phủ cùng quốc dân biết rõ.

Theo ý tôi tưởng tờ báo quốc ngữ, ngoài chuyện khác ra thì vẫn còn một cái trách nhiệm không nên khinh suất, là làm như cái dấu “trait d’union” của chánh phủ và quốc dân. Chánh phủ đặng làm điều chi hay thì mình cũng nên lấy lẽ vô tư mà cho công chúng biết, quốc dân có chuyện chi than phiền, mình lại đủ can đảm mà bày tỏ cho chánh phủ rõ. Giả tỷ như một ông quan nào, một công sở nào mà đã làm ra nhiều tội lỗi, hay là điều chi trái hẳn với phép cai trị mà mình đăng tải lên báo chương thì chẳng những là giúp cho anh em An Nam khỏi cái mối hại đó, mà chánh cũng là giúp cho người cầm quyền cai trị biết, đặng trừ hại dân, tức là làm lợi của chánh phủ vậy.

Trong câu chuyện “Ngồi tù Khám lớn” ông Phan Văn Hùm chỉ thuật lại có hai việc: đầu đuôi vụ Bến Lức và mấy tháng ở trong Khám lớn Sàigòn, ông Hùm viết ra bài này có ý gì chúng ta không cần biết đến, chúng ta chỉ nói với chánh phủ rằng xét kỷ lại thời thật cũng có giúp cho chánh phủ biết đặng sự thật.

Ông Hùm có phải là người nghịch với chánh phủ không, chuyện ấy ta cũng không cần chi biết. Chớ trong bài “Ngồi tù Khám lớn”, thật không có lời nào động đến quyền thống trị của chánh phủ Pháp ….(Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Vậy sao có lệnh cấm.

Tôi đã nói chỉ có một mình quan thống đốc Eutrope biết vì lẽ gì thôi.

Chẳng có mỗi khi ai công kích một cái công sở nào, mỗi bị cấm, thì chắc từ đây các công sở mặc sức hoành hành muốn làm chi trái phép thì làm. Huống là các điều bịnh tệ trong khám lớn là những điều còn ai lại chẳng biết?

Đến nay có lệnh không cho xuất bản bài “Ngồi tù Khám lớn” thì tôi thật không hiểu. Song cũng nghĩ chắc là có lẽ chỉ quan hệ đến quyền thống trị của Pháp ở xứ này, nên quan thống đốc Eutrope ngài mới làm như vậy.
Vậy nên chúng tôi hết sức mong rằng: Quan thống đốc Eutrope mà cấm đăng ở đây là vì ngài muốn tra xét cho rõ đặng một ngày kia ngài sẽ trừng trị những ai là người đã lạm dụng cái quyền giữ ngục của mình mà làm nhiều điều trái với pháp luật, trái với nhơn đạo, và ngài sẽ sửa đổi lại làm sao cho tự hậu những kẻ đã vô phước sa vào lưới hình phạt của pháp luật, khỏi bị lũ bất lương kia nó trừng phạt một cách gớm ghê hơn nữa.
Quả vậy, thì cấm chúng tôi đăng bài, chúng tôi cũng chẳng phiền chi, mà ông Phan Văn Hùm có viết lỡ ra rồi, cũng chẳng lấy chi làm vô ích vậy”.

Diệp Văn Kỳ

Trích thơ:

Cảm tác(*)

Cái kiếp trần duyên, kiếp đọa đày
Non Tiên sao khéo lạc loài đây?!
Trớ trêu thu thủy hoa in nguyệt
Đỏng đảnh Xuân Tiêu liễu vẽ mày
Sóng sắc lập lòe con nước động
Gió hương phưởng phất cánh hoa lay.
Trông em khó nổi vô tình được
Mượn bút làm duyên để giải khuây.

Điếu văn(**)
                         Hùm để da,
                         Ta để tiếng,
             Khí thiêng un đúc sắc trời pha,
            Trăm năm ai lại biết ai mà.
                        Thầy phan Văn Cử,
                        Bạn vong niên ta.
            Anh em thảo luận, chồng vợ kính,
            Khinh tài, trọng nghĩa, khắp gần xa.
                        Tình tri kỷ,
                        Biết sao là!

Mùa hè năm Mậu Ngũ
Diệp Văn Kỳ bái đề.
---------
Ghi chú:
(*) Di
ệp Văn Kỳ tặng nữ sĩ Mộng Đài khi bà cùng nhà báo Hoa Đường đến nhà ông chúc tết.
(**) Được gia đình ông Phan Văn Cử khắc trên bia mộ.
Bài viết về nhà văn, nhà báo Diệp Văn Kỳ trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có nhận định về ông như sau:

Diệp văn Kỳ là một trí thức vào hàng kỳ cựu. Du học ở Pháp về, ông không ra làm công chức cho chánh phủ thuộc địa mà nghe theo lời các ân nhân đứng ra lập Hội Khuyến học, rồi làm báo, viết văn, tham gia các hội đoàn chống Pháp công khai tại Sàigòn. Trong đời làm báo, ông nổi danh ngay từ đầu với các tờ Đông Pháp thời báo, Công Luận, Trung Lập, nhất là tờ Thần Chung do ông làm Chủ nhiệm. Thơ, văn của ông rất bình dị...

Tài liệu tham khảo:

- Diệp Văn Kỳ Web: vi.wikipedia.org
- Bài của ông Phan Văn Hùm thôi đăng: Thần Chung
2 fébrier 2, 1929

No comments:

Post a Comment