Pages

Monday, September 22, 2014

Nhà văn Phan Thị Bạch Vân





Phan Thị Bạch Vân – Phan Thị Mai (1903-1980)

Phan Thị Bạch Vân tên thật là Phan Thị Mai, sanh năm 1903, tại làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa.

Phan Thị  Bạch Vân là con thứ năm trong gia đình quan lại thanh bạch. Thân phụ vốn là tri huyện, nên được học hết Sơ học rồi vào trường trung học. Do gia cảnh cha mất sớm, nhà đông anh em nên mới mười bảy tuổi phải bỏ học đi lấy chồng. Cuộc hôn nhân này mau chóng tan vỡ, đau buồn bà tìm đến văn chương, trước tiên bà viết bài đăng trên Đông Pháp Thời Báo.

Rồi bà lập gia đình với ông Võ Đình Dần, nên bà theo chồng về Gò Công sinh sống, nơi đây ông Võ Đình Dần có nhà thuốc Việt Nam Gò  Công Võ Đình Dần, chuyên bán các loại thuốc bào chế gia truyền.

Bà giữ mục Phụ trương phụ nữ và nhi đồng trên tĐông Pháp Thời Báo.

Năm 1928, bà thành lập Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, trên Đông Pháp Thời Báo số 709 ngày 19-4-1928, có giới thiệu Nữ Lưu Thư Quán Gò Công do Madame Võ Đình Dần tức Phan Thị Bạch Vân thành lập, với những dòng giới thiệu: Nay có cô Phan Thị Bạch Vân, cô vốn con nhà hàn mặc lâu nay vẫn trợ bút cho bổn báo, những văn chương, tư tưởng và ý kiến của cô phô bày trên báo chương gần một năm nay, tưởng phần nhiều chị em đã biết”.

Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, trụ sở đặt tại số 24 - 26, đường Chủ Phước, Gò Công, có mục đích và tôn chỉ như sau:

Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở mang tri thức, học vấn thêm cao.
Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về chánh trị, lịch sử, truyện ký, tiểu thuyết, vấn đề phụ nữ, nữ công, khoa học, thương mãi, thực nghiệp...
Những sách nhảm nhí thuộc về tình ái dâm phong, hoặc tả theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà thì bao giờ cũng cự tuyệt
Ban biên tập Nữ Lưu Thư Quán Gò Công gồm có: Đạm Phương (Huế), Nguyễn Thị Đan Tâm (Phủ Quảng Trung Kỳ), Hoàng Thị Tuyết Hoa (bút danh của Phan Thị Bạch Vân), Tùng Viên (Phủ Quảng Trung Kỳ), Vũ Xuân Đệ (Hà Nội), Quốc Anh (giáo học Phú Thọ, Đồng Hới), Á Nam Trần Tuấn Khải (Hà Nội).
Lần lược số lượng tác phẩm văn học của các tác giả nữ được xuất bản như:
- Gương nữ kiệt của Phan Thị Bạch Vân
- Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử
- Hồng phấn tương tri của Đạm Phương nữ sử
- Giám hồ nữ hiệp của Đạm Phương nữ sử
- Nữ anh tài (6 cuốn) của Hoàng Thị Tuyết Hoa
- Một đời mấy thân của Nguyễn Thị Đan Tâm
- Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị...
Vì công khai truyền bá tư tưởng thương nước thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy, nên một số tác phẩm do Nữ Lưu Thư Quán Gò Công xuất bản, bị liệt vào danh mục sách cấm lưu hành như Gương nữ kiệt, Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Băng tâm ngọc chất... và kết cục là thư quán bị chính quyền thực dân đóng cửa sau chưa đầy hai năm hoạt động. Đến ngày 10 tháng 2 năm 1930 Phan Thị Bạch Vân bị đưa ra tòa về tội: “Phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng.”
Nguyễn Vỹ, nhà văn tiền chiến, Chủ nhiệm tạp chí Phổ Thông vào những năm 1960 đã đánh giá Nữ Lưu Thư Quán Gò Công trong Tuấn, Chàng trai nước Việt, ông đã cho rằng đầu thế kỷ XX có ba loại sách đã đào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say”, là “sách để đầu giường” của thanh niên học sinh, đó là sách Nam Đồng Thư của Nhượng Tống, sách Quan Hải Tùng Thư của Đào Duy Anh, sách của Nữ Lưu Thư Quán ở Gò Công
Ngoài việc cộng tác với Đông Pháp Thời Báo, chủ trương Nữ Lưu Thư Quán Gò Công Phan Thị Bạch Vân còn cộng tác với Phụ Nữ Tân Văn.
Võ Đình Dần và Phan Thị Bạch Vân có 5 người con, tất cả đều du học ở Pháp và khi tốt nghiệp đều trở về nước phục vụ. Người con gái lớn là Võ Thị Lan trong những năm chống Mỹ theo chồng là bác sĩ Dương Quang Trung về Hà Nội học tập và công tác, sau giải phóng miền Nam làm giám đốc bệnh viện Điện Biên Phủ.

Phan Thị Bạch Vân mất ngày 2-8-1980 tại Tp. HCM, hưởng thọ 77 tuổi, di cốt được gửi tại chùa Giác Ngộ, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, Tp.HCM.

Tác phẩm:
- Gương nữ kiệt (Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, 1928)
- Lâm Kiều Loan (tiểu thuyết, Trần Trọng Canh, Sàigòn, 1932)
Trích văn:
Lâm Kiều Loan
Chương th  nhứt
Kiếp Hoa Đào
Trận gió hoa rơi, tìm xuân đâu nữa, bình tan gương vỡ, những mong ráp lại sao lành. Nổi mình thân thế đã đành, chỉ thương cho bạn ngày xanh còn dài. Vậy nên chẳng nệ lời quê mượn ngòi bút thảo ra những câu chuyện cũ, hiến các bạn đài gương xem với.
Tôi, Kiều-Loan vốn sanh trong nhà thi lễ. Cha tôi xưa làm quan Tri-phủ đáo nhậm phương xa. Đến trạc tứ tuần người bất lộc thì mẹ tôi đem tôi về Gia-định là xứ sở ông bà. Khi sanh tiền cha tôi làm quan rất liêm khiết không hà lạm của dân. Đến lúc quá vãng, không có của dư bao nhiêu, may nhờ của phụ ấm để lại chút ít, mẹ tôi lấy đó xây xài nên cũng giữ được phong vận không đến nổi túng kém. Mẹ tôi chỉ có một mình tôi nên người rất thương yêu, hằng lo chăm nom nuôi dạy theo nề nếp xưa của con nhà khuê các. Năm tôi được 14 tuổi đã thi đậu bằng sơ-học. Ý mẹ tôi không đành cho tôi đi xa, nên bảo buông cặp về ở nhà hủ hỉ với mẹ cho vui. Tôi còn ham học lắm, nên ngày đêm nài nỉ xin vào trường lớn. Mẹ tôi cũng chìu lòng cho vào Nữ-học-đường Saigon. Được hai năm thì tôi đựơc tin mẹ tôi kêu về bảo phải xin thôi đặng người định bề gia-thất. Nghe lời mẹ dạy bao nhiêu hy vọng về tương lai của tôi bỗng rã tan theo bọt nước. Tôi liền thưa rằng: thưa mẹ, tuổi con còn thơ-ấu, ngày xuân hãy còn dài, mẹ vội tính chi việc hôn-nhơn, để con theo đòi nghiên bút cho đến tuổi trưởng thành rồi mẹ sẽ lo việc thất gia cho con. Chừng đó bề học vấn của con đã rộng, trí thức nhiều con mới có tư cách mong làm một người dân khôn, vợ quý, mẹ hiền, chớ bây giờ đây mới mười mấy tuổi đầu, thơ ngây nào đã biết chi mà dám đặt mình vào một cái địa vị khó khăn như thế hởi mẹ. Mẹ tôi dạy rằng: Kiều-Loan con ơi! Dễ nào mẹ không biết cái chí nguyện của con là thế. Song mẹ hôm nay tuổi già sức yếu, khác nào ngọn đèn thấp thoáng gió đưa, sớm tối chắc đâu sống thác. Mẹ muốn thấy con có chổ nương thân, sau dầu mẹ có nhắm mắt rồi cũng an lòng nơi chín suối. Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nữ-nhi. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như nam-nhi c sao nam-nhi người ta lại có  quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gởi phận, chực bám vào người là cớ làm sao.
Lòng tôi không cam nên theo năn nỉ mãi rằng: hôm nay sự học thức của con đương dang dỡ chẳng đến đâu cả, mẹ vội tác thành giai-ngẫu cho, may mà con đựơc duyên ưa phận đẹp, đôi lứa trăm năm thì chẳng nói chi, rủi con vô phần gặp phải người nửa chừng đem lòng phụ bạc, rồi cùng nhau chia gánh giữa đàng chừng đó cái thân yếu đuối bất tài tránh sao khỏi thân rách con đói. Thà mẹ để con ăn học thành tài rồi, nếu con ở vào cảnh thuận cũng đủ sức giúp chồng dạy con. Bằng cơ trời biến đổi thế nào con cũng có thể đem cái tài học ra mà mưu sự hạnh phúc, không đến nổi ra thân cô khổ đó mẹ. Mẹ tôi bảo: con gái học cho biết chút đỉnh rồi thì về nhà tập nấu nướng vá may để lo việc tề gia nội trợ. Gia pháp nhà ta xưa nay vẫn thế, con phải noi theo, đừng có bắt chước theo bọn tân-học bây giờ, mong đi học cho nhiều, sau lại phải nỗi ế  chồng vì không có ai dám cưới. Vậy con hãy nghe lời mẹ, đừng có cãi mà làm cho mẹ phiền lòng.
Trọn mấy ngày mẹ con bàn đi cãi lại hoài. Rốt lại mẹ tôi làm giận làm hờn, khóc lóc phiền hà. Tôi vốn yêu mẹ chí-thiết lại thấy mẹ già hay ương yếu, sợ mình cãi lời người ưu phiền sanh bịnh thì sao cho phải đạo làm con. Nên tôi phải chìu lòng ưng thuận đành dẹp nghiên xếp sách từ giã cảnh trường mà lui về nhà.
 Cách sáu tháng sau thì tôi đã về nhà chồng rồi. Lang quân tôi tên Trần-bá-Minh, làm lương y bổn-quốc, đương tùng sự tại tỉnh. Người cùng đồng quê với tôi song ở thuộc về trong làng. Ông thân người đương quyền Cai tổng đối với gia quyến tôi là chổ quen biết cũ, nên việc cưới xin cũng dễ dàng.
Lang quân tôi lúc bấy giờ tánh tình hiền hậu đối với vợ có vẻ khoan hoà. Người ít hay đi chơi phiếm, cơn rãnh ở nhà, hoặc đọc sách xem báo, hoặc làm thi dạo đàn. Mấy thú thanh nhã ấy tôi vẫn thích lắm. Làm thi tôi cũng tấp tễnh học đòi, còn chơi đờn là món mẹ tôi khi xưa đã nổi danh trong khuê các, sau người truyền lại. Vợ chồng tôi có vẻ tương đắc lắm. Giá phải ông xanh kia đừng ghét lẫn thì có lẽ cảnh gia đình của tôi là cảnh thiên đàng. Song tiếc thay! Cái hạnh-phúc của đời tôi chẳng khác nào chớp nháng, sáng lên một chút rồi không bao giờ tìm lại cho được nữa.
Tôi về nhà chồng được một năm thì mẹ tôi mang bịnh mà từ trần. Than ôi! tôi không dè mẹ tôi năm trước chỉ lo tìm chốn cho tôi nương thân là vì biết trong mình sức đã yếu.
Nay người gượng với số trời không nổi đành bỏ đứa con côi cút trên trần thế rồi. Kế đó tôi sanh được chút gái, nuôi được ít tháng rồi thì bỏ.
Nước mắt khóc mẹ chưa ráo lại khóc con. Hỡi chị em ai có cốt nhục thâm tình thì đã rõ tình cảnh tôi bấy giờ ra thế nào.
Trong lúc tôi buồn rầu ảo não nhờ có một người bạn gái ở gần đó là cô Đỗ-Kim-Hoa thường hay đến lui ân cần khuyên giải. Kim-Hoa cùng tôi là chị em bạn hồi nhỏ, cô vốn con nhà giàu, cha là một vị điền chủ mới mất năm ngoái, cô còn một đứa em trai đương đi học ngoài Saigon. Mẹ cô vì có điền sản nhiều nên thường hay ở dưới ruộng. Cô ở nhà có một mình với sấp tớ nên hay tới lui nơi nhà tôi chơi hoài. Cô nhỏ hơn tôi một tuổi nên kêu tôi bằng chị. Lúc nhà tôi có việc cô thường đến tìm cách giải khuyên. Tôi cảm lấy tấm lòng tử tế đó, nên coi cô như tình cốt nhục.
Ngày tháng càng qua, tấm lòng sầu não của tôi vừa khuây khoả, thì cảnh gia-đình của tôi có vẻ khác. Lang-quân của tôi trước kia là người thế nào đã thuật ra trước rồi. Thế mà cái người hiền lành vui vẻ hôm nay bỗng hoá ra buồn bực. Thú vui ở gia-đình ngày xưa, nay không thèm ngó đến, lại sanh tật đi chơi đêm, gặp lễ và ngày chúa-nhựt thì bặt tăm bặt dạng. Vợ chồng cùng nhau ba năm như bát nước đầy, nay vì duyên cớ chi mà chồng tôi bỗng đổi tánh như vậy, tôi nào có rõ. Nhưng đôi khi tôi than thỉ hỏi người thì người quạu quọ rầy rà, thỉnh thoảng lại nói ra câu: đàn bà tối ngày ăn no ở không, đã sung sướng mà còn nhiều chuyện. Không phải đàn ông sanh ra đây là chỉ để làm mọi cho vợ đâu, hể người ta có làm lụng cực nhọc thì phải để cho người ta đi chơi, hết tiền thì người ta chạy, chớ ai vô đó làm ra đồng xu nào mà nói cho mất công.
Hỡi ôi! nghe người nói đến đây, lòng tôi bắt nhớ lại lời tôi nói với  mẹ tôi khi xưa nay thật chẳng sai. Mẹ ơi! Mẹ có thấu cái thân đờn bà con gái buổi nầy hể đi chực bám sống nhờ vào người thì tránh sao khỏi lời nặng tiếng nhẹ. Tôi không dám hỏi chồng nữa, bây giờ tôi hỏi lòng tôi, coi tôi có lầm lỗi điều chi mà làm cho đến nổi mất niềm hoà ái hay chăng? Tôi tìm mãi cũng không biết tại làm sao. Tôi buồn bao nhiêu lại ráng giữ bổn phận bấy nhiêu. Tôi ráng hết lòng chìu lòn dịu ngọt cùng Lang-quân tôi, là tôi mong một ngày kia người hồi tâm trở về con đường cũ để dựng lại cái hạnh-phúc cho gia-đình. Nhưng than ôi! đã luống công mà vô ích, bao nhiêu cách tôi ráng làm cho người thương, dường bao nhiêu cách tôi chọc cho người phụ, cố gắng cho mấy, tấm lòng người cũng bỏ tôi mà đi đâu rồi. Cho hay con người đã hết thương mình, thì mình bảo họ thương cách nào cũng chẳng đặng.
Một đêm kia nhằm tối thứ bảy, có người lại rước Lang-quân tôi đi khám bịnh. Suốt đêm không thấy về. Tôi nghĩ không biết tại họ rước đi xa hay là sẵn dịp người đi chơi luôn. Sáng lại tôi dậy coi chừng trẻ ở dọn dẹp quét tước xong rồi thì đồng hồ đã chín giờ. Tôi chợt nhớ mấy tấm kiểu thêu  của tôi cho Kim-Hoa mượn. Tôi tính đi đòi về đặng vẽ một tấm trải bàn mà thêu, vì tấm cũ nó đã muốn rách.
Nhà Kim-Hoa cách nhà tôi chừng 4 trăm thước, trời còn sớm không có nắng, tôi đội khăn đi bộ lại đó. Tới ngõ thấy trẻ ở tưới cây tôi liền hỏi: bà xuống ruộng về chưa, còn cô Hai có ở nhà hay không?
- Thưa, bà tôi chưa về, còn cô còn ngủ. Tôi bước vô nhà không thấy ai hết. Sấp tớ đều ở nhà sau. Lấy tình thân của tôi và Kim-Hoa xưa nay, hễ vào nhà cứ đi thẳng vô phòng. Nay nhơn thấy cô ta ngủ trưa, tôi tính vô phá chơi nên lại vặn hột xoài cửa. Cửa không có khoá vùng mở bét ra, tôi liền bước vô phòng...
Trời đất ơi! Phải chăng nắng quáng đèn loà hay chăng mà mắt tôi trông thấy vật chi lạ quá. Rõ ràng là chồng của tôi cùng Kim-Hoa đang ngủ trên giường. Mắt tôi tối, chơn tôi run, tinh thần tán loạn. Tôi kêu lên một tiếng: trời ơi, sao đến thế nầy, rồi té sụm xuống đất. Tôi vừa gượng đứng dậy thì hai người trên giường giựt mình thức dậy nhảy xuống. Tôi không nói với ai được một tiếng nào hết. Tôi bước ra khỏi phòng rồi chạy ra đường như điên. Ra ngoài tôi thấy có xe kéo liền ngoắt lại bước lên ngồi, bảo cứ chạy thẳng chớ không biết là đi đâu. Tôi ngồi trên xe mà cái tấn kịch khi nãy nó cứ diễn ra trước mắt tôi hoài. Tôi mơ màng như người trong mộng, hồi lâu định tâm lại thì nước mắt ở đâu nó tuôn ra như xối. Thôi rồi, mấy năm tình nghĩa một chút thả trôi. Trần-lang ơi! Chàng bao nỡ có trăng phụ đèn, để cho thiếp mấy tháng trời ngậm thảm nuốt sầu mà không rõ duyên cớ bởi đâu. Kim-Hoa mầy hỡi mầy, tao với mầy là chị em, so tình không khác gì cốt nhục, sao mầy lại mong đi phá tan cái hạnh phúc gia-đình của tao cho đành dạ. Tôi vừa định tỉnh liền chỉ đường cho xa-phu kéo về nhà. Bước vào thấy Lang-quân tôi đã về trước rồi. Người thấy tôi còn sần sộ, hỏi tôi đi đâu? Tôi định dằn xuống, song thấy cách người hỏi chận tôi như thế thì không cầm được nước mắt. Trong bụng đã uất ức muốn nói bao nhiêu, lúc bấy giờ nói cũng  không đựơc nữa, chỉ có buông ra mấy tiếng: anh ơi, sao anh nhẫn tâm với tôi như thế nầy?... Rồi thì tâm thần tôi nó tán loạn, tôi ngã xuống đất, không biết chi nữa… Sau lúc ấy không biết Lang-quân tôi có đỡ tôi lên và tội nghiệp cho tôi chút nào không, mà khi tôi tỉnh dậy thì người đã đi đâu mất, chỉ có con ở xúm lại dỗ dành khuyên lơn.
Hỡi ôi! Người đã đến thế đó thời thôi, tôi đành ngậm lệ nuốt sầu chớ biết nói lời gì than thở nữa.
Thoảng mãn ngày qua tháng lại, tôi ăn thảm uống sầu cũng đã bảy tám tháng trời, thân thể càng ngày càng vàng vọt mà Lang-quân tôi cũng chẳng hề đoái hoài đến. Hể đi làm thời thôi, về đến nhà thì kiếm lời nặng nhẹ, làm cho tôi bực lòng bực trí hết sức.
Lạ chi là thói đờn ông, hễ đến nước phụ phàng rồi thì nào là cơm chẳng ngon canh chẳng ngọt, thiếu chi chuyện nói. Chừng thương trái ấu cũng tròn, lúc ghét bồ hòn cũng méo. Nghĩ mình bạc phận, côi cút lẽ loi, dầu phải khổ tâm đến bao nhiêu cũng phải cắn răng mà chịu.
Một khi kia nhằm lúc lễ, Lang-quân tôi bỏ nhà đi luôn ba ngày mà không thấy về. Tôi đương nằm trên giường nghĩ đàng kia nỗi nọ, than thở một mình, bỗng nghe có tiếng giày đi lộp cộp, rồi có tiếng Lang-quân tôi la mắng: trong nhà có đàn bà mà không ai coi sóc hết, tối ngày ăn no rồi ngủ, đàn bà không nên thân, đàn bà hư… những gì, những gì nữa, nói nghe thôi đủ thứ, mà nói bao nhiêu thì tiếng nói nó dội vào vách tường, chớ không có một tiếng trả lời. Người thay đồ rồi đi nữa. Tôi khóc chán rồi cũng dậy rửa mặt, lại soi gương thấy hình vóc đã tiều tuỵ, cặp mắt trõm lơ mà trong lòng bắt kinh hãi. Than ôi! ngày xuân còn đó, má hồng đã phai. Cái mặt hoa da ngọc xưa kia mà mình vẫn có phần tự đắc, ngày hôm nay nó đã hoá ra mặt xanh má cóp, thấy chẳng nỡ nhìn. Tôi bước lại bàn chấm một chút phấn thoa lên, coi có bớt xanh hay chăng, thì con Hạnh là con tớ gái, nó lấp ló bước vào nói: thưa cô, cô ở trong nhà hoài buồn quá, cô hãy ra vườn xem hoa cho giải khuây. Bữa nay cây đào trổ bông đẹp quá.
Tôi nghe nó nói thì vói lấy cái áo dài mặc vào, tính ưa dạo cảnh coi trong lòng có thư thái chút nào chăng. Ngoài vườn có băng để ngồi hóng mát, có nuôi cá, có hồ-sen. Nhớ hôm nào vợ chồng còn âu yếm nhau, thì chiều nào cũng cùng nhau ra đó ngoạn cảnh. Bây giờ lẻ loi một mình, trông hoa cỏ xơ rơ mà thẹn. Tôi thấy hoa đào đương nở bước lại gần xem. Bẩm tánh tôi xưa nay vốn yêu hoa, đoái thấy cành hoa tươi tốt thì trong lòng thoả thích muôn phần, rồi nhìn mấy đóa hoa đã tàn mà chạnh lòng chua xót. Nghĩ cái kiếp đàn bà với kiếp hoa chẳng khác chi nhau. Hễ sớm nở thì sớm tàn, cõi đời vắn vỏi, lại còn thêm những nỗi mưa sa gió táp, cái thân mỏng mãnh kia dường như ông Tạo ghét ghen, bày ra đủ lối truân-chuyên để cho mau tàn mau rũ. Đương than thở bỗng thấy mây trên trời u ám, phút chút lại nổi trận mưa dông. Tôi lật đật bước vào nhà, đứng trong cửa sổ dòm ra thấy mấy đóa hoa bị gió, rơi cánh tơi bời, rồi thì giọt mưa rớt xuống, mấy cánh hoa rơi kia đều trôi theo dòng nước mà chảy đi. Nghĩ cái thân thế mình, rồi nghĩ cái kiếp hoa mà sanh cảm xúc vô hạn. Ngoài trời giọt mưa tầm tã, trong nhà tối đen như mực, tôi bước lại vặn đèn lên, rồi lấy cái nghiên bút ra tả một bài “Kiếp hoa Đào” cho đỡ lòng sầu muộn.
- 0 -

Trong bài: Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX, tác giả Võ Văn Nhơn đã có nhận định và đánh giá về Nữ Lưu Thư Quán Gò Công cũng như người chủ trương nhà văn Phan Thị Bạch Vân:

Nữ lưu thơ quán tồn tại chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, nhưng đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục…có giá trị. Thư quán cũng góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, đặc biệt cho phụ nữ. Vào đầu thế kỷ XX, lúc bình quyền nam nữ còn được xem là một vấn đề mới mẻ, Phan Thị Bạch Vân đã bằng hành động và sáng tác của mình, chứng tỏ “nữ lưu” cũng có những thế mạnh của riêng mình, cũng có thể sánh vai với nam giới trong mọi lĩnh vực. Đó là điều rất đáng trân trọng của nhà văn nữ yêu nước, nhà hoạt động văn hóa còn chưa được đánh giá đúng mức này.

Tài liệu tham khảo:

- Phan Thị Bạch Vân Web: tuoitre.vn
- Lâm Kiều Loan Web: gio-o.com

No comments:

Post a Comment