Pages

Monday, July 20, 2015

Dự Hội Ngộ CHS Kỹ Thuật Cao Thắng năm 2015 (4)



Thăm vài người thân và bạn cũ

Buổi chiều nhờ anh Tuệ Linh có thì giờ đưa tôi đi thăm vài người thân và bạn cũ. Trước tiên tôi đi thăm Trương Lam Ngọc là con trai lớn của thông gia tôi, người Nam gọi là thông gia theo danh từ Hán Việt, có nghĩa là sui gia, còn người Trung giải thích thông gia có nghĩa là 2 nhà cùng làm sui với một nhà khác, nói rõ hơn gia đình ông A làm sui với gia đình ông C; gia đình ông B cũng làm sui với gia đình ông C, do đó gia đình ông A và B là thông gia.

Tưởng cũng nên nói thêm, khi hai gia đình trong Nam kết thông gia với nhau, thì cha mẹ của dâu hay rể, xưng hô với nhau là anh, chị sui. Còn hàng con cái, anh, chị cô dâu hay chú rể, xưng hô với thông gia của cha mẹ mình là chú, thím, còn các em của cô dây hay chú rể xưng hô với thông gia của cha mẹ mình là bác. Nhờ vậy người ngoài biết được những anh, chị hay em của cô dâu và chú rể.

Trương Lam Ngọc vượt biên sang Mỹ cùng với người cậu họ, tốt nghiệp đại học ở Mỹ, gia đình ở Việt Nam ươm trồng và buôn bán cây cảnh ở đường Nguyễn Trải, đến Ngọc là 3 đời, Ngọc có vợ là nghệ sĩ Piano Vương Hương, con gái của họa sĩ Trịnh Cung, họ có với nhau một con trai, năm nay vào Đại học, nhưng họ đã ly dị từ lâu, gần đây Ngọc phải nghỉ làm vì mỗi tuần phải đi lọc thận 3 lần, trước kia sang Nam Cali, tôi đều ở nhà Ngọc, không xa khu Sàigòn Nhỏ.

Sau khi thăm Ngọc, tôi đi thăm Nguyễn Hoài, Hoài là cháu của bác Nguyễn Đức Lợi, thuở Bác sinh tiền, khi tôi lập gia đình đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bác, năm vừa rồi tôi đi thăm mộ Bác ở nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, nơi đó Bác đã được Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm dành cho một chỗ trang trọng, xứng đáng với những hoạt động của Bác dành cho GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm, và tôi cũng đã thăm ngôi mộ của thân mẫu Nguyễn Hoài nằm gần đó.

Do anh Bùi Thọ Thi gần đây sức khỏe kém, nên chúng tôi đi thăm anh, nơi đây 5 năm trước chúng tôi đã tới thăm, khi anh vừa mới làm chủ căn nhà nầy. Tuy anh không được khỏe nhưng đi lại trong nhà vẫn bình thường, giọng nói vẫn còn hùng hậu, song anh từ chối tham dự họp mặt với chúng tôi ngày hôm sau, vì anh không được khỏe khi đi lại.

Cuối cùng, tôi nhờ anh Tuệ Linh đưa tôi đi thăm anh Bùi Văn Sớm, bạn đồng môn với tôi trong những năm theo học ở Đại học Vạn Hạnh, từ ban Cử nhân cho đến Cao học, anh Sớm là giáo sư Trung học, sau làm việc ở Nha Khảo Thí, cạnh Trung Học Trưng Vương và Chu Văn An ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sàigòn. Từ năm 1986 anh đi Mỹ theo diện ODP, là nhà văn bút hiệu Đông An Hồ, chuyên sáng tác truyện bằng văn vần như Thời Hùng Mạt Sử, Truyện Chiêu Quân … do anh viết tay, nét chữ bay bướm, đều đặn chẳng khác nào chữ gõ trên vi tính.

Sau khi trò chuyện, để đánh dấu ngày tái ngộ, anh chị mời chúng tôi đi ăn cơm chay, tôi giới thiệu cho anh biết nhà hàng An Lạc Duyên, thế là chúng tôi đến đây lần thứ nhì, ăn cũng chỉ là cách kéo dài cuộc gặp gở sau bao nhiêu năm xa cách, cần có thì giờ để thăm hỏi, kể cho nhau nghe những người bạn xưa của chúng tôi như Trung Tá Quân Cụ Vũ Văn Trung, Vũ Thế Ngọc tác giả Trà Kinh, Lý Trương Quang, Trần Hổ Từ, Bích Vân, Bích Bướm, Đức - Thủy, Ngọc Mai , cách nay đã 5 năm có lần Vũ Văn Trung đưa tôi đi tìm Sớm, nhưng do anh Trung không nhớ số nhà nên không tìm được, một lần tôi đi thăm Thầy Tuệ Sỹ, lúc sắp ra về lại gặp Ngọc vào thăm Thầy, còn Bích Bướm có quán cà phê gần chợ Vườn Chuối, nhưng đã đi Mỹ, Lý Trương Quang không còn ở khu cư xá Bưu Điện gần Sân Vận Động Hoa Lư. Bạn đồng môn Vạn Hạnh ngày nay chắc chỉ còn Bùi Văn Sớm và tôi, vì ông Trung vừa mất năm rồi thọ đến 90 tuổi, còn Vũ Thế Ngọc ở Cali, tôi bị mất địa chỉ. Bùi Văn Sớm năm nay cũng đã 86 rồi, da dẻ anh hồng hào, không tật bệnh, anh cho biết mỗi ngày dùng cơm gạo lức với chả và uống 4 chai Ensure!!!

Chị Bùi Văn Sớm, anh Bùi Văn Sớm, Bùi Kim Chi, Huỳnh Ái Tông, anh Tuệ Linh

Nhân nói đến ăn cơm gạo lức, trong lúc gần đây bác sĩ gia đình cho biết tôi bị Tiểu đường, nên tôi ăn cơm gạo lức, tránh ăn gạo trắng, nhớ lại thập niên 1980, tôi bị viêm xoang, có người cho biết họ trị bằng cách ăn gạo lức, muối mè thì hết bệnh, tôi áp dụng ăn theo khoảng ba tháng, nhưng viêm xoang vẫn không khỏi, gần đây tôi có câu hỏi "ăn gạo lức muối mè" là phương pháp trị bệnh, nhưng cũng chưa phải là phương pháp "trường sinh" vì George Ohsawa tiên sinh sanh ngày 18-10-1893 và mất ngày 23-4-1966, thọ 73 tuổi, tuổi nầy chỉ là tuổi "tri thiên mệnh" của thời ông Đỗ Phủ (712-770) mà thôi.

Có chừng 30 năm, chúng tôi mới gặp lại vẫn thân thiết như ngày nào. Bữa ăn đã mang lại cho anh Bùi Văn Sớm cũng như tôi, sống lại một thời kỳ tươi trẻ của đời sống sinh viên.

Louisville, 20-7-2015

No comments:

Post a Comment