Pages

Monday, July 27, 2015

Dự Hội Ngộ CHS Kỹ Thuật Cao Thắng năm 2015 (14)



Họp mặt với vài đồng môn Cao Thắng

Nguyễn Thanh Tòng biệt danh Bảy Hổ, mời tôi tới dự bữa cơm tại nhà, Tòng cho biết chỉ có vài người thôi, đó là Trần Phước Châu và Lê Hữu Chính.

Nhà tôi hẹn với Dĩ và Phượng đi châm cứu, để trị chứng tê, nhức mặt và tay chân do bị ba đốt xương ở cột sống suy thoái, chúng đè giây thần kinh và mạch máu thông lên não bộ, ảnh hương tới mặt và tứ chi. Do đó nhà tôi đi với Dĩ và Phượng, còn tôi được Nguyễn Thanh Tòng rước tới nhà.

Tôi nhớ cách nay trên 10 năm, tôi cũng được Tòng mời đến nhà dùng cơm, lần đó có Trần Phước Châu, Phùng Kỳ Xương, Nguyễn Văn Nghĩa. Phùng Kỳ Xương tôi chưa từng học chung, nhưng với Nghĩa tôi đã học chung năm Đệ nhị 5 và Đệ nhất 3.

Năm Đệ nhất, khi học máy dầu cặn do Thầy Lưu Luân Trọng dạy, Nghĩa quay tay quay khởi động máy, bị cốt máy trả lại, Nghĩa bị gãy tay, vì tay quay đập vào cườm tay Nghĩa, tôi đứng gần đó, nên đưa Nghĩa đi bộ ra bệnh viện Sàigòn băng bột, rồi để Nghĩa ở lại một mình trong bệnh viện, tôi ra về báo tin cho gia đình Nghĩa biết, nhờ đó tôi biết được nhà Nghĩa ở gần đình Hòa Hưng.

Ngoài Tòng, Châu cùng học với tôi từ năm Đệ Thất, trong lớp Đệ Thất tôi chơi thân nhất là Tòng và Trương Công Phước, nghe Lê Tuấn Anh nói có gặp Trương Công Phước ở Paris, nhưng hình như phu nhân của Phước không muốn Phước giao thiệp, nên từ đó Tuấn Anh không gặp lại Phước.

Nguyễn Thanh Tòng, Trần Phước Châu, chị Châu

Lê Hữu Chính học sau chúng tôi, nhưng sau khi học tập cải tạo về Chính và tôi cùng làm trong một công ty thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM, tôi làm Trưởng phòng, Chính làm Phó phòng. Chính rất hiền, ít nói, làm việc rất cẩn thận, chu toàn nhiệm vụ tốt, tôi không hỏi nhưng hình như Chính đi Mỹ theo diện HO, khi tôi đi năm 1991 thì Chính vẫn còn ở lại làm việc.

Chị Tòng, chị Chính, anh Lê Hữu Chính

Các chị tham dự ngoài chị Tòng còn có chị Châu và chị Chính.

Chị Châu & chị Tòng

Các anh ăn mặn uống rượu chát đỏ, phần ăn của tôi có mấy món chay nào là hủ tíu xào, gỏi cuốn..., tôi đặc biệt thích món xôi bắp, nên ăn xôi bắp và gỏi cuốn.

Trong khi ăn uống, trò chuyện, tôi có kêu gọi anh em tham dự Hậu Hội ngộ Cao Thắng, Châu cho biết vì con trai đang nằm bệnh viện, vừa mới giải phẩu sọ não, nên không thể dự, Chính phải đón người nhà từ Việt Nam sang, còn Tòng cũng cho biết vì bận việc riêng nên không dự được.

Trong dịp nầy, Tòng cho biết Phạm Hữu Ráng cùng học chung lớp Đệ Thất với chúng tôi, Ráng từng là Hạm Trưởng HQ5, được Hải Quân cho đi học Trường Kỷ sư Công nghệ, Phú Thọ.

Khi chúng tôi dùng xong bữa, Dĩ có đưa nhà tôi đến nhà Tòng, sau khi chào hỏi và biết bữa ăn đã tàn, Dĩ đưa nhà tôi đi ăn hủ tíu chay ở chùa Quán Thế Âm.

Anh Lê Hữu Chính nhận đưa tôi về, nhân tiện ghé nhà anh cho biết, đây là nhà anh vừa mới mua chừng 2 năm nay, nhà của anh rất khang trang.

Trước nhà Lê Hữu Chính

Khi ngồi nói chuyện, chúng tôi mới phát hiện gia đình chị Chính có thời gian ở hẽm 400 đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng là thời gian tôi ở trọ trong nhà họa sĩ Phạm Thăng, số 400/40, hằng ngày ra vào hẽm nầy để đi học từ năm 1956-1966, tôi đã kể cho chị Chính nghe, gần nhà chị ở tôi có cô bạn Hà Linh Trúc, chị Chính không biết Trúc, vì Trúc ở đó chỉ một thời gian ngắn, nhưng chị Chính biết chị gái góa chồng của Trúc, khen chị ấy đẹp, nhưng Trúc còn đẹp hơn.

Còn anh Chính ở trong hẽm 166 đường Lý Thái Tổ, gần nhà anh Chính tôi lại có quen một gia đình, bà mẹ nhận tôi là con nuôi, nhà ấy có tới 5 chị em gái và 3 cậu con trai.

Bữa ăn ở nhà Tòng mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, một thời trẻ khi chúng tôi từ nhà quê đến Sàigòn học, bước vào ngưỡng cửa Trung học. Còn ở nhà anh Chính gợi cho tôi nhớ tới những người đẹp như Hà Linh Trúc, hay cô gái con ông chủ trại hòm sát bên chợ Hòa Hưng, mặc toàn trắng chạy xe Velo Solex, tà áo dài trắng tung bay trong gió, một thời trang hoàng nét đẹp cho đất Sàigòn.

Mặc áo dài chạy xe Vélo Solex vào giữa thập niên 1960

Louisville, 27-7-2015

No comments:

Post a Comment