Pages

Saturday, July 18, 2015

Dự Hội Ngộ Kỹ Thuật Cao Thắng năm 2015 (2)



Gặp lại người bạn tù

Thỉnh thoảng đọc báo, tôi thấy có bài viết của Huỳnh Hữu Ủy, nhưng tôi thật không biết làm sao để liên lạc được anh. Huỳnh Hữu Ủy và tôi là những người tù cải tạo ở Kà-Tum, anh ở cùng B11 với tôi, thường cùng với Phạm Ngọc Quỳnh, Trần Ngọc Tân ở B9 ngồi uống trà ở nhà ăn bàn chuyện văn thơ, Tết cùng nhau bói Kiều, ra trại một hôm tình cờ gặp anh, cùng ngồi uống cà-phê ở Brodard trên đường Tự do cũ của đất Sàigòn đang độ tang thương, ôn lại chuyện tù.

Duyên đâu dung ruổi, nhà văn Phạm Cao Hoàng thương tình gửi tặng cho tôi quyển Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt, do Thư Ấn Quán ấn hành, sách in giấy láng, trình bày tao nhã, trong đó có bài anh viết về những lần họp mặt với bạn bè, trong đó có nhắc đến Huỳnh Hữu Ủy. Tôi gửi Email cám ơn anh đã tặng sách và xin anh địa chỉ liên lạc với Huỳnh Hữu Ủy, nhờ vậy, trước khi đi sang Nam Cali, tôi đã Email cho bạn, Ủy trả lời sẽ đón tôi ngày hôm sau, chừng khoảng 10 đến 11 giờ để đi ăn sáng, uống cà phê.
Khoảng hơn 10 giờ sáng Thứ Ba 30-6, Ủy đến nhà tôi ở trọ, anh mang theo tác phẩm Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại với lời đề tặng: Tặng anh Huỳnh Ái Tông, gặp lại ở California sau gần 40 năm từ Kà-Tum. Cuối tháng 6. 2015. Huỳnh Hữu Ủy. Anh cho biết những quyển sách về mỹ thuật đã hết rồi, nên không còn để tặng cho tôi.

Rồi anh đưa tôi đi uống cà phê, trên đường đi, anh cho biết vì thích yên tịnh nên anh không chọn những quán quanh khu Little Sàigòn, anh lái xe chui qua xa lộ 405 tôi đoán anh đi về hướng Nam và cuối cùng dừng ở khu người Mỹ, vào hiệu cà phê Starbuck, chúng tôi dùng bánh ngọt uống cà phê, nói đúng ra chỉ có tôi ăn, còn Ủy cũng lấy cái bánh, nhưng chỉ uống cà phê. 

Huỳnh Ái Tông và Huỳnh Hữu Ủy

Chúng tôi hỏi thăm nhau về đời sống hiện nay, Ủy than phiền một chút về đứa con trai đã tốt nghiệp đại học, nhưng không đi theo con đường sự nghiệp của anh, tôi hỏi anh về Vũ Hữu Thuận người đã giúp tôi sớm thoát khỏi nhà tù, về Mai Hiên, người đã gian lao cùng nhà tôi đi vào đồn điền cao su ở Bình Dương, để nộp đơn xin cho tôi "hồi hương lập nghiệp", khi tôi ra khỏi trại tù, tôi có tìm đến nhà Mai Hiên ở đường Lý Thái Tổ, xế cửa bệnh viện Nhi đồng, gặp để cám ơn Mai Hiên, chỉ lần đó, lần sau đến thăm, chị đã vượt biên, nay cũng đã lập gia đình, định cư ở Cali. Ủy hứa cho tôi số phone của hai người.

Trong khi hàn huyên với nhau, tôi nhận được cú phôn, nhà tôi cho biết chú em mời chúng tôi đi ăn cơm trưa, Ủy phải đưa tôi về, đáng lý ra, chúng tôi còn trò chuyện lâu hơn, chuyện về xứ Huế của Ủy, nơi đó thời sinh viên tôi đã từng đến vài lần, được anh Trần Quang Thuận xin phép Ôn Đôn Hậu, cho leo lên 6 tầng tháp Phước Duyên, được Đại Đức Chơn Thiện cho người đưa đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, được đi đò trên Sông Hương, được BCH Tổng Hội Sinh Viên Huế năm 1965, tổ chức cho đi thăm nhà mát Cậu Cẩn và tắm ở biển Thuận An, được nằm ngủ trưa trên cửa Ngọ Môn khi đi thăm viếng Thành Nội, được đi ăn Cơm Âm Phủ với anh Kiêm, anh Phước THSV Huế và Vĩnh Kha nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam.

Tháp Phước Duyên trong khuôn viên chùa Linh Mụ bên bờ Sông Hương

Thôi thì hẹn khi khác, gặp lại Huỳnh Hữu Ủy để được nghe nói về những bức tranh xưa. lần nầy sẽ được đọc những bài của Ủy viết về Tuệ Sỹ, Viên Linh, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và những nhà thơ như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng… trong tập sách nói trên.

Ở đời ai cũng sợ tù tội, ai cũng muốn dấu kín lý lịch tù của mình, nhưng "tù cải tạo" dưới chế độ Cộng sản, chỉ dành cho các sĩ quan từ cấp Tướng, Tá cho đến cấp Úy, họ là những người bị tù đày, ngược đãi vì tội bảo vệ cho Tự do, hạnh phúc của nhân dân miền Nam. Trừ có duy nhất cựu Thống Tướng Lê Văn Tỵ vì bạo bệnh mất ngày 20-10-1964 thọ 61 tuổi và 5 Đại tướng sau đây không bị tù. Đó là hàng tướng Dương Văn Minh, tướng di tản Trần Thiện Khiêm, tướng di tản Cao Văn Viên, tướng bị lưu đày Nguyễn Khánh và cựu tướng Đỗ Cao Trí (tử trận ngày 23-2-1971, được truy thăng)
Louisville, 18-7-2015

No comments:

Post a Comment