Thăm anh Hiệu Trưởng xưa
Sau ngày
30-4-1975, tôi dò tìm, hỏi vài anh Kỷ sư Công nghệ Việt Nam, nhưng không ai biết
anh kỷ sư Nguyễn Văn Quán đâu cả, có lần tôi sinh ra nghĩ quấy hay là anh Quán
vượt biên, đã gửi thân nơi biển cả.
Năm 2013,
ở Nam Cali có cuộc Hội Ngộ Kỹ Thuật Cao Thắng, tôi có biết nhưng không tham dự
vì nguyên nhân nào đó tôi không nhớ được, Ban Tổ Chức có in Đặc san và có lập một
danh sách gồm có Hiệu Trưởng, Giáo sư và Cựu học sinh, danh sách nầy tôi có ghi
danh, nên có tên và địa chỉ. Nhờ đó, kỷ sư Quán đã gọi điện thoại đến thăm. Khỏi
phải nói đến nổi mừng của tôi khi được biết anh và gia đình hiện ở Mỹ.
Năm nay,
tôi muốn dự Hội Ngộ nhằm mục đích sang Cali thăm lại bạn bè, vì vậy trước khi lên
đường, tôi đã thông báo cho nhiều người cùng biết, trong đó có anh Quán.
Tôi ra
trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, được phân bổ đi dạy ở Trung học Kỹ thuật Y ÚT
tại Banmêthuộc, thành phố nầy viết tắt là BMT, tùy theo cảm hứng người có tâm ồn
ăn uống, đọc ra là Bánh Mì Thịt, người bị đưa đẩy tới xứ cao nguyên nầy, đọc là
Bụi Mịt Trời, người có tâm hồn văn nghệ, đọc ra là Buồn Muôn Thuở …
Tôi và
anh Lê Văn Hớn, anh xuất thân từ Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, cùng lên đây
nhận việc dạy học từ niên khóa 1966-1967, lúc đó trường do ông Đống Văn Quang,
nguyên giáo sư Trường Kỹ Thuật Cao Thắng làm Hiệu Trưởng, anh Nguyễn Văn Huệ tốt
nghiệp CĐSPKT khóa đầu tiên làm Giám học, niên học kế anh Đống Văn Quang được
thuyên chuyển về Sàigòn, anh Nguyễn Văn Quán thay thế làm Hiệu Trưởng, giữa niên
học tôi bị động viên, nhập ngũ ngày 12-1-1968 vào quân trường Thủ Đức, khi tôi
được biệt phái trở về vào đầu niên học 1969-1970, anh Nguyễn Văn Quán đã chuyển
về Sàigòn, làm ở Bộ Kinh Tế, trước đó anh Nguyễn Văn Huệ đã lên làm Hiệu Trưởng.
Đa số các
giáo sư của Trường, ở Sàigòn hay các nơi được phân bổ về Trường nầy, đều ở
trong trường, cũng có vài giáo sư có thân nhân ở trọ ngoài phố, trong đó có anh
Nguyễn Văn Quán, Nguyễn Đức Thiêm, Nguyễn Đức Lưu.
Năm 1970,
tôi được chuyển về Sàigòn, thuê nhà ở vùng Cây Quéo, anh Nguyễn Văn Quán mở các
lớp đào tạo thợ sữa chữa máy lạnh, tủ lạnh ở Trung học Đông Phương, Gia Định,
anh có đưa tôi vào dạy với anh một thời gian, sau đó tôi chuyển về ở Cư Xá Đô
Thành năm 1971, nên không còn cộng tác với anh nữa, và đến năm 1975 thì mất hẳn
liên lạc, tin tức về anh.
Những người
ở Trường Kỹ Thuật Banmêthuột, tôi liên lạc được như anh Đống Văn Quang, nay định
cư ở Úc, anh Nguyễn Văn Huệ định cư ở Seattle, Washington State, anh Nguyễn Văn
Quán ở Nam Cali, ông Nguyễn Văn Anh, Giám Thị nay ở quê nhà gần Thị xã Thủ Dầu
Một, có một người bạn rất thân với tôi, là anh Nguyễn Văn Hớn cùng đi dạy ở
Banmêthuột, cùng đi khóa 27 Thủ Đức, cùng được phân bổ về Vùng IV, đến năm 1970
cùng chuyển về Sàigòn, anh dạy ở Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức, tôi dạy ở Trung học Kỹ
Thuật Nguyễn Trường Tộ, sau 1975, anh vượt biên sang Đức, nhiều năm tôi cố tìm
nhưng không bắt được liên lạc.
Cho nên lần
nầy, tôi quyết sang thăm anh Nguyễn Văn Quán, vì anh chị ấy để trong đời tôi một
kỷ niệm khó quên.
Năm đó tôi
vừa mới lấy vợ xong, trong dịp nghỉ Hè, tôi vẫn còn ở gia đình bên vợ tại Ngã sáu
Sàigòn, một hôm tôi đi đâu một mình, khi về gần tới nhà, vợ tôi chận xe tôi lại
và nói vẻ nghiêm trọng:
- Có một
cô, bế con vừa mới sanh đến tìm anh, đang đợi anh ở trong nhà!
- Có thật
vậy sao ?
- Chuyện
quan trọng như vậy! Em không nói đùa !
Thâm tâm
tôi, nghĩ rằng không thể nào có chuyện có một người đàn bà, bồng con nhỏ đi tìm
tôi. Chuyện gì đây ? Tôi mới vừa lấy vợ ! Thế rồi tôi cũng phải chạy xe về nhà
để biết chuyện gì đang xảy ra.
Dựng chiếc
xe Honda Dame xong, nhà tôi cũng vừa bước vào, tôi thấy một chị còn trẻ, tay đang
bế con nhỏ, trùm kín, chắc vừa sanh khoảng đầy tháng, tôi vội vàng chào hỏi
ngay:
- Chào chị
!
- Chị ấy
cười vui đáp lại ngay và tự giới thiệu:
- Chào
anh ! Tôi là vợ anh Quán, từ Tuy Hòa vào, xin anh chị cho tôi và cháu ngủ nhờ một
đêm, sáng mai tôi đáp chuyến bay sớm đi Banmêthuột.
Lúc ấy tôi
mới hiểu rõ, vợ con anh Quán vì không có đường bay thẳng từ Tuy Hòa đi Banmêthuột,
nên phải ghé qua tạm trú nhà của vợ tôi. Nhưng mà tôi không hề nghe anh Quán báo
cho tôi biết trước anh có vợ, vợ con anh sẽ đến nhà tôi nghỉ nhờ một đêm, chuyện
đáng phiền là tôi vừa mới cưới vợ, có người bồng con nhỏ đến tìm tôi, mà tôi chẳng
hay biết chi hết.
Vì nơi đó
không phải là nhà của tôi, vã lại cũng không có chỗ tử tế cho chị Quán nghỉ ngơi,
tôi phải chạy đến nhà anh Lê Văn Hớn ở gần chợ Thái Bình nhờ anh cho chị Quán
nghỉ qua đêm, nhà anh Hớn có 2, 3 tầng lầu, chỉ có hai mẹ con, anh còn độc thân.
Hớn vui vẻ giúp ngay, nhờ đó giải tỏa được sự nghi ngờ của gia đình bên vợ đối
với tôi. Chắc trên đời, chỉ có tôi mới gặp trường hợp ly kỳ nầy.
Gặp lại
anh Quán, anh vẫn gầy như xưa, còn chị thì phát tướng hơn xưa, anh kể cho tôi
những ngày anh đến Mỹ, tìm được việc làm dễ dàng, đúng lúc người ta cần đến người
chuyên môn như anh.
Anh chị Kỷ
sư Nguyễn Văn Quán
Thời anh
Nguyễn Văn Quán ở Banmêthuột là thời Fulro nổi dậy, có những lần chúng tôi bỏ
trường, di tản chỗ khác ngủ, có đêm chạy sang tòa tỉnh lánh nạn, chẳng qua vì học
sinh nội trú gây chuyện ồn ào.
Cho đến năm
1975, Trường Kỹ thuật Banmêthuột là một ngôi trường đặc biệt dành riêng cho các
dân tộc thiểu số theo học, họ ở nội trú được chánh phủ nuôi ăn, ở và quần áo.
Trường có 2 bộ phận riêng biệt chăm sóc học sinh. Bộ Giáo Dục chịu trách nhiệm
dạy nghề, Bộ Sắc Tộc trách nhiệm tuyển sinh, quản lý ký túc xá, trách nhiệm về ăn,
mặc trong thời gian các em học 4 năm ở đây, từ lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ, phần đông
các em là người Chăm ở Phan Rang, người Thái ở Tùng Nghĩa, Lâm Đồng, người
Ba-na, Gia- Rai ở Kontum, Pleiku, người Radhé ở Darlac ….
Gặp lại
anh chị Nguyễn Văn Quán, gợi lại cho tôi nhớ những ngày trẻ, một thời ở xứ Tây
Nguyên, chúng tôi đã chung sống với các em học sinh dân tộc thiểu số, các em luôn
luôn có đời sống chân thật, chất phác, hiền hòa, kính thầy, mến bạn.
Louisville 21-7-2015
No comments:
Post a Comment