Pages

Saturday, April 23, 2016

Tân nhạc Việt Nam (Tựa)




Tựa

Thoạt tiên tôi muốn tìm hiểu một ít nhạc sĩ, mỗi nhạc sĩ có một vài bản nhạc hay nhất, để được biết rõ về cuộc đời của nhạc sĩ và thuởng thức nhạc do nhạc sĩ ấy sáng tác với danh ca chuyên chuyển tải bản nhạc ấy hay nhất, dần dần tôi đặt ra câu hỏi tân nhạc ra đời từ lúc nào ? Rồi đi tìm câu trả lời đó.

Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Lê Thương đã sáng tác nhạc phẩm “Bản đàn xuân" sớm nhất, nhưng vào năm nào, tại đâu ? Có người cho rằng Lê Thương sáng tác nhạc phẩm “Tiếng đàn âm thầm” vào năm 1934, nhưng có người dẫn chứng ca khúc đầu tay Lê Thương viết năm 22 tuổi (1936) mang tựa đề “Trưng Vương” đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giới thiệu trên Báo Lên Đàng. Ngay cả bài “Nhạc tiền chiến – Lời thuật của Lê Thương”, do nhà xuất bản Kẻ Sĩ phát hành vào năm 1970. Lê Thương cũng không  nhắc lại bản nhạc đầu tiên ông sáng tác năm nào. Do đó, nó thúc đẩy tôi tìm kiếm, thâu thập những thông tin nhiều hơn để đánh giá cho được đúng về mỗi nhạc sĩ.

Tài liệu trên Mạng có nhiều, nhưng nhiều tài liệu không xác thực, chẳng hạn như nhiều bài đăng sự kiện Đình Văn sinh năm 1970, đến năm 1982, anh là công nhân xí nghiệp Liksin, dự hội thi của Liên Hiệp Công Đoàn Thành phố, đoạt được Huy chương vàng, hai con số năm trên, nói lên rằng anh mới có 12 tuổi mà đi làm Công nhân! Cho nên việc sưu tầm khó khăn. Vả lại, tôi chỉ là người thích nghe nhạc chớ không có khiếu về âm nhạc, tôi có thể thích nghe ca sĩ nầy trình bày bản nầy, ca sĩ kia bản nọ qua sự truyền cảm bản nhạc, chớ không có căn bản nhạc lý để thẩm định.

Do vậy, không thể tránh khỏi những sai lầm sơ đẳng, mong được sự lượng thứ của độc giả, của những nhà chuyên môn, được như vậy tác giả muôn ngàn biết ơn.

Trong tập sách nầy đề cập đến tân nhạc khởi thủy, nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc quê hương, không thể không đề cập đến dòng nhạc đấu tranh trong cũng như ngoài nước.

Những nhạc sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, vì miếng ăn manh áo, chẳng những tác phẩm mà cả tác giả sẽ bị thời gian đào thải.

Miền Nam đã có vinh dự khai sinh, cổ súy thơ mới. Đến tân nhạc, miền Nam cũng đi tiên phong trong địa hạt nầy. Sông nước miền Nam hiền hòa, đất đai miền Nam trù phú, con người miền Nam mộc mạc. Như được thiên thời, địa lợi nên người miền Nam đã phát sinh ra thơ mới và nhạc mới, để diễn đạt những rung cảm của thiên nhiên và tình cảm của con người.

Cuối cùng, tôi đã sử dụng hầu hết tài liệu tại “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, rất biết ơn những người chủ trương và những người cộng tác bài vở, nhờ đó nhiều người được hưởng sự hữu ích nầy.

Kính ghi
Anh Đào Hiên, Tam Nguyệt đại, Bính Thân niên



8664230416

No comments:

Post a Comment