Pages

Saturday, April 23, 2016

Chương thứ hai: Các nhạc sĩ sáng tác. 1. Nguyễn Văn Tuyên


Chương thứ hai: Các nhạc sĩ sáng tác

 

Chương nầy dành để đề cập tới các nhạc sĩ sáng tác, họ là những người tiên phong, là những người sáng tạo, nhờ họ chúng ta có được những tác phẩm để giải trí, để nuôi dưỡng tánh tình.

Vừa để tìm hiểu cũng vừa để vinh danh họ, tưởng là việc đáng nên và cần phải làm.

 


 

Nguyễn Văn Tuyên

  (1909-2009)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên sinh năm 1909, tại Thừa Thiên  Huế. Ông được học nhạc Tây từ lúc nhỏ, tự học căn bản từ những sách giáo khoa về lý thuyết âm nhạc của Pháp. 

Năm 1936 ông vào Sàigòn làm việc và trở thành người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique) ở Sài gòn. Ông bắt đầu hát nhạc Tây, được cảm tình của báo chí và thính giả đài truyền thanh, do đó Nguyễn Văn Tuyên quen biết với ông Nguyễn Văn Cổn (1911-1992) là một công chức kiêm thi sĩ làm việc cho Đài Radio Indochine. Ông Nguyễn Văn Tuyên lấy thơ của Nguyễn Văn Cổn phổ nhạc, ngược lại Nguyễn Văn Cổn soạn lời ca cho những bản nhạc của Nguyễn Văn Tuyên. 

Thống đốc Nam Kỳ thời đó là Pierre André Michel Pagès (từ năm 1936-1939) nghe ông hát, nên mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc, nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy, ông đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi một chuyến vòng quanh Việt Nam để quảng bá những bài nhạc mới được gọi là âm nhạc cải cách.

Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới Hội Trí Tri ở Hà Nội và Hội Trí Tri ở Hải Phòng để vận động cho âm nhạc cải cách. Ba bài được hát lên trong buổi vận động này là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp hoa. Theo lời kể lại của nhạc sĩ Lê Thương, buổi hát ở Hà Nội không thành công vì "...cử toạ đông đảo, quá ồn ào, làm mất trật tự. Giọng Huế của ông hơi khó nghe. Còn có cả sự phản ứng của nhiều thanh niên cho rằng việc hô hào của ông Tuyên là thừa, vì loại nhạc mà ông gọi là cải cách đó, ở ngoài Bắc đã có rồi. Buổi trình diễn ở Hải Phòng thành công hơn, nhưng chỉ có 20 người tới nghe. Ông Tuyên còn trình bày một lần nữa tại rạp chiếu bóng Palace nhân kỳ hội của Trường nữ học Hoài Đức..." - trích trong bài viết về Tân Nhạc, in trong nhạc tập Nhạc tiền chiến, nhà xuất bản Kẻ Sĩ, Sài Gòn 1970.

Nguyễn Văn Tuyên có thể không thành công trong những buổi "vận động cho âm nhạc cải cách" ở Bắc Việt vì giọng nói khó nghe hay vì hai bài hát không được hấp dẫn lắm, nhưng theo tôi, hành động của ông thì không thể gọi là thừa. Bởi vì trước khi ông công khai ra mắt công chúng tại các thành phố lớn ở ba miền Trung Nam Bắc, chưa có một cá nhân hay một nhóm nhạc sĩ nào gây được sự chú ý của mọi người về sự thử thách của họ trong phạm vi âm nhạc mới, khả dĩ có thể thay thế được cái phong trào gọi là "bài ta theo điệu tây". Bây giờ việc làm của Nguyễn Văn Tuyên được báo chí tường thuật rồi được mọi người bàn ra tán vào. Tuần báo có thế lực nhất lúc đó là tờ Ngày Nay thì hết lòng ủng hộ, cho đăng tải bài hát của Nguyễn Văn Tuyên trong số báo 122 ra ngày 7 tháng 8 1938. Từ đó, báo này luôn luôn đăng những bản nhạc mới của những nhà soạn nhạc mới. Một tờ báo chuyên về âm nhạc ra đời để cổ võ cho loại nhạc mới. Đó là tờ Nhạc Việt.

Ngoài Hà Nội, Hải Phòng Nguyễn Văn Tuyên còn trình diễn để quảng bá tân nhạc ở Nam Định, Huế.

Sau những cuộc diễn thuyết của Nguyễn Văn Tuyên và sự cổ vỏ của báo chí đó, nhạc cải cách hay tân nhạc bắt đầu lan truyền phổ biến, các nhóm Myosotis và Tricéa cùng các nhạc sĩ khác cũng bắt đầu tung ra những ca khúc của mình. Tân nhạc Việt Nam hình thành.

Theo đánh giá của các nhà phê bình, tuy là người khai sinh ra tân nhạc, nhưng những sáng tác của Nguyễn Văn Tuyên không thực sự có giá trị nghệ thuật cao, nên với thời gian chúng đã bị quên lãng. Và thực sự xã hội đã lãng quên người nhạc sĩ tiên phong nầy. Như Phạm Duy có lần đã phát biểu, đáng vinh danh Nguyễn Văn Cổn và Nguyễn Văn Tuyên là hai người góp tay xây dựng nên Tân nhạc Việt Nam.

Ông qua đời ngày 30 tháng 4 năm 2009 tại Tp. HCM, hưởng thọ 100 tuổi.

Nhạc phẩm:

- Bông cúc vàng
- Anh hùng ca
- Một kiếp hoa

Mời thưởng thức Một kiếp hoa do ca sĩ Ngọc Hà trình bày
 
8664230416


 

No comments:

Post a Comment