Pages

Monday, April 25, 2016

Đinh Nhu



(1910-1945)
Nhạc sĩ Đinh Nhu sinh năm 1910, quê gốc ở nam Hàn Giang nay là Bình Hàn, Tp. Hải Dương, là một trong hai người con trai của ông bà Ký, làm nghề bán hoa tươi ở Hải Phòng, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải dọn về ở một căn nhà trên gác 2, đằng sau rạp hát tuồng gần đền thờ nữ tướng Lê Chân.

Đối với cậu cả Đinh Nhu, thì đó là cơ hội giúp cậu được tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, nhất là các nghệ nhân tuồng, chèo giàu kinh nghiệm. Vốn là người ham thích âm nhạc, sân khấu, hội họa, cậu cả bèn làm quen với con ông chủ rạp hát để tối nào cũng được vào rạp xem không mất tiền. Trong một thời gian ngắn, cậu cả đã học “lỏm” được nhiều ngón của một số bộ môn âm nhạc, như kéo nhị, thổi tiêu, đánh đàn bầu, đàn nguyệt…Và ngẫu nhiên, cậu trở thành “trợ tá” của rạp hát tuồng Hải Đài. 

Một bước ngoặt lớn của gia đình đã làm thay đổi cuộc đời của Đinh Nhu, ấy là lúc gia đình chẳng may sa cơ lỡ vận, Đinh Nhu đành ngậm ngùi xin mẹ cho thôi học đi làm để giúp đỡ gia đình. Từ đó, Đinh Nhu bắt đầu tham gia các phong trào hoạt động cách mạng. Năm 1927, ông tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đến cuối năm 1929, bị đế quốc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò và kết án tù chung thân đầy đi Côn Đảo.

Năm 1930, tại Hỏa Lò, Đinh Nhu mang số tù 10549. Trong tù, được sự gợi ý của anh em, Đinh Nhu đã sáng tác bài hành khúc Hồng quân ca bằng cây sáo trúc ở ngoài chuyển vào. Bài hát này sau này có tên gọi là Cùng nhau đi Hồng binh, được anh em tù hát khắp các nhà lao Bắc, Trung, Nam trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và trở thành một bài ca  phổ biến cả nước.

Tại Côn Đảo, Đinh Nhu mang số tù 3641, cùng bị giam chung phòng với Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)…Thời gian ở tù, Đinh Nhu tiếp tục sáng tác nhạc, viết báo tường, chỉ đạo kỹ thuật nghề may, đóng giầy, mộc…

Năm 1936, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội, đứng ra thành lập chính phủ, đã thi hành một số quyền tự do dân chủ ở thuộc địa, ân xá tù chính trị. Dịp đó, Đinh Nhu được tha trở về Hải Phòng và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1940, ông lại bị bắt cùng người em trai là Đinh Hoạt, và cùng bị giam ở “Căng Bắc Mê”, rồi chuyển đến “Căng Nghĩa Lộ”.

KhiNhật đảo chính Pháp đêm 9 tháng 3 năm 1945, những tù nhân trong nhà tù Nghĩa Lộ nổi dậy nhưng bị đàn áp. Một số chết, Đinh Nhu cùng một số tù nhân khác bị đem ra xử bắn ngày 17 tháng 3 năm 1945, còn em trai của ông đã chạy thoát.

Trong bài “Cùng nhau đi hồng binh” hừng lên trong mùa thu tháng Tám, tác giả Đỗ Ngọc đã viết:
Tân nhạc bắt đầu từ phương Nam và chuyển ra miền Bắc. Đầu năm 1938, cuộc vận động về nhạc mới Bắc du. Mở đầu là buổi nói chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội…. Thế nhưng, tân nhạc buổi ban đầu phải là nhạc sĩ Đinh Nhu. Dẫu nhạc cải cách bắt đầu từ năm 1928, nhưng âm hưởng vẫn mang ngũ cung thì Cùng nhau đi Hồng binh sáng tác năm 1930 là hành khúc. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, đây là bài hát đầu tiên của tân nhạc cách mạng Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

- Vang mãi bài ca cách mạng: Cùng nhau đi … Web: vov.vn
- Cùng nhau đi h
ồng binh … Web:baohaiphong.com.vn

Mời nghe bài Cùng nhau đi Hồng binh Trần Khánh và tốp ca TNVN

https://www.youtube.com/watch?v=KmGVADwPEGw

1 comment: