Pages

Wednesday, April 27, 2016

Lê Yên






(1917-1998)

Nhạc sĩ Lê Yên tên thật là Lê Đình Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây nay thuộc Hà Nội. Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.

Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuân, Một ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.

Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Yên có những ca khúc với nội dung mới mẻ Đoàn kỵ binh Việt Nam, Trận Đoan Hùng (1949), Bộ đội về làng (1950). Trong đó Bộ đội về làng được xem như một trong những sáng tác thành công của ông. Lê Yên còn phổ thơ cho nhiều bài như Nhớ thơ Thanh Hải, Kể vè tướng Mỹ thơ Tạ Hữu Yên, Ai về Hà Bắc quê ta thơ Phùng Quốc Thụy...

Ngoài lĩnh vực ca khúc, Lê Yên sáng tác nhạc cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho hàng chục vở tuồng, chèo, cải lương và đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm tòi, nghiên cứu những sự thể hiện cũng như hình thành các mô hình âm nhạc cho sân khấu dân tộc. Một số vở được Lê Yên viết nhạc nổi tiếng như Cô gái Kinh Bắc đoạt huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1985, Âm vang trống đồng (1984). Ngoài ra ông còn viết nhạc cho một số bộ phim như Câu chuyện làng Vũ Đại, Bài ca trên vách đá...

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Lê Yên có sang học âm nhạc tại Liên Xô. Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội. Ngoài công việc sáng tác và giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống, viết các sách Kinh nghiệm phổ thơ, Đô rê mi tự học viết chung với La Thăng... góp phần phổ cập âm nhạc cho quần chúng và đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt.

Trong Khái quát về tân nhạc Việt Nam. Thời kỳ thành lập (1938-45). Phạm Duy đã viết về nhạc sĩ Lê Yên:

Nhạc tình của Lê Yên sẽ luôn luôn theo nhạc pháp tây phương, còn tứ nhạc thì cũng không ra ngoài chủ đề nhạc tình cảm. Nhưng nhạc Lê Yên không thể buồn sâu sắc được vì tính hiếu động của chàng thanh niên nghịch ngợm mang tên Lê Yên. Tôi không được quen biết Lê Yên nhiều, chỉ gặp ông vài lần để hiểu ông là con người rất nhanh nhẹn, rất thông minh, rất bén nhạy, và không phải là người soạn nhạc tình thâm trầm. Sở trường của Lê Yên là nhạc vui, chẳng hạn bài Nghệ Sĩ HànhKhúc soạn theo thể pasodoble và bài Ngựa Phi Ðường Xa mà ban Thăng Long đã coi như bản nhạc dễ khích động khán thính giả nhất, trong do Lê Yên cho ta thấy cái tài soạn Tân Nhạc có tiết điệu nhanh nhẹn, một nhạc tính mà ta ít thấy trong nhạc Việt Nam vào thời đó.

Ông qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1998 tại Hà Nội. Thọ 81 tuổi.

Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhạc phẩm:

- Bẽ bàng
- Bộ đội về làng
- Đoàn kỵ binh Việt Nam
- Một ngày vui
- Ngựa phi đường xa
- Trận Đoan Hùng
- Vườn xuân
- Xuân nghệ sĩ hành khúc

Tài liệu tham khảo:

- Lê Yên Web: Wikipedia
- Phạm Duy Khái quát v
ề tân nhạc Việt Nam Web: phamduy.com

Nhạc phẩm Ngựa phi đường xa, Ban Hợp ca Thăng Long trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=wWyz3k0LYhg




No comments:

Post a Comment