Pages

Wednesday, September 7, 2016

Jo Marcel




(1938-20  )

Ca nhạc sĩ Jo Marcel tên thật là Vũ Ngọc Tòng sinh năm 1938 tại Hà Nội, theo học trường Puginier 

Năm 1954, di cư vào Nam tiếp tục theo học tại trường Taberd, cho đến hết bậc trung học.

Vào nghề từ những năm đầu của thập niên 1960, khi hát với một ban nhạc do một người Pháp làm nhạc trưởng, tại nhà hàng La Galère trong khách sạn Caravelle dưới tên Ngọc Minh.

Jo Marcfel nổi bật từ năm 1967 trở đi, khi đứng ra khai thác vũ trường Chez Jo Marcel, sau đó là Đêm Màu Hồng trên đường Nguyễn Huệ. Trước đó có một thời gian ông cộng tác với vũ trường Baccara, hợp với Như An thành một cặp song ca nổi tiếng trong những nhạc phẩm ngoại quốc thuộc loại “easy listening”.

Nhờ tài biến chế, ông đã thực hiện được một hệ thống “écho” (tạo tiếng vang) đầu tiên tại Việt Nam bằng những tape deck cũ, đặc biệt với nhãn hiệu Sony. Trong cùng thời kỳ này ông khai thác vũ trường Ritz vào năm 69, một thời gian sau khi thực hiện những chương trình ca nhạc Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Với óc tổ chức khéo léo ông được coi là một trong những người khai thác vũ trường thành công nhất tại Việt Nam.

Cùng thời với ban nhạc Phượng Hoàng (Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương) và các bạn hữu Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Trường Kỳ... Jo Marcel là một ca sĩ lẫy lừng trong phong trào nhạc trẻ Sài Gòn những năm 60 -70. Với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng và tình cảm, ông có thể trình bày được hầu hết các thể loại. Từ những ca khúc tiếng Pháp như Et Maintenant, Les Neiges Du Kilirnandjaro, Fais la Rire, Capri C'est Fini, Merci Cherié... đến những bản tình ca lãng mạn Ai về sông Tương, Mộng dưới hoa, Xin mặt trời ngủ yên...

Xuất thân là ca sĩ nhưng lĩnh vực đưa ông lên ngôi, khiến cho cái tên Jo Marcel đình đám nhất thời ấy lại là nghề... "bầu show". Hầu hết các chương trình ca nhạc, đại nhạc hội uy tín tại các vũ trường lớn như Queen Bee, Ritz, Ma Cabane, Key Hole... đều do Jo Marcel tổ chức. Ông còn được giới chuyên môn tung hô như là một "phù thủy âm thanh", nhờ những cách tân và sáng tạo độc đáo trong việc sản xuất, thực hiện, ghi âm ca khúc. Hàng loạt các chương trình băng nhạc mang nhãn hiệu "Jo Marcel" đã làm mưa làm gió thời ấy, góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi các ca sĩ Lệ Thu, Anh Khoa, Khánh Ly...

Jo cũng đã cùng một số bạn bè kết hợp thành nhóm Jo Marcel với Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, họ thực hiện 2 cuốn phim ca nhạc và tuổi trẻ với những phương tiện thô sơ nhất nhưng đã gặt hái được một thành công đáng kể. Cuốn phim đầu tiên là Thế Giới Nhạc Trẻ với các diễn viên tài tử Minh Lý và Đan Thành, xen lẫn với những màn trình diễn của những ban nhạc trẻ được biết đến nhiều thời đó là The Hammers, The Peanuts Company, Phượng Hoàng, The Enterprise,... Cuốn phim thứ nhì là Vết Chân Hoang, phỏng theo phóng sự tiểu thuyết Tuổi Choai Choai tức Tuổi Lang Thang của Trường Kỳ.

Năm 1975, Jo Marcel rời Việt Nam, tới Mỹ ông vẫn tiếp tục hoạt động về ca nhạc, song song với việc khai thác một garage, nhờ có năng khiếu về máy móc. Qua đến giữa thập niên 1980, ông được thu nhận vào làm việc cho cơ quan USCC tại Los Angeles.

Vào năm 1995, ông tuyên bố giải nghệ khi đã thực hiện riêng cho mình một số băng nhạc, tuy nhiên vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những buổi trình diễn đặc biệt, như trong những “Đêm Hội Ngộ Nhạc Trẻ”, tổ chức tại nam California hàng năm hay trong những buổi tổ chức văn nghệ có tính cách từ thiện.

Tuy Jo Marcel gần như ngưng hẳn hoạt động, nhưng chắc chắn tiếng hát của ông vẫn còn ghi đậm nét nơi những người yêu nhạc và những khán, thính giả từng lui tới những vũ trường của Sài Gòn dạo nào...

Ngoài việc được mệnh danh là một tay phù thủy trong lãnh vực âm thanh, Jo Marcel còn được coi là một tay phù thủy có số đào hoa với khá nhiều đời vợ! Về điểm nhiều lần lập gia đình, Jo Marcel cho biết ông rất thành thật đối với những người đàn bà đã đi qua đời mình.

Giờ đây, Jo sống âm thầm một mình trong một ngôi nhà xinh xắn tại Long Beach, gần như biệt lập hẳn với mọi người, trừ một vài người bạn thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau ôn lại chuyện xưa.

Tuy nhiên, ông vẫn giữ liên lạc với vài người vợ cũ và thường gặp gỡ các con. Ngoài ra, sau giờ làm việc, ông tìm được nguồn vui trong thú sưu tầm xe hơi cũ thuộc lọai hiếm để loay hoay với việc sửa máy móc và tân trang theo sở thích.

Thêm vào đó, ông còn cảm thấy rất thú vị trong việc sửa sang những thiết bị âm thanh, cùng nhiều loại máy móc khác. Những ngày sắp tới, Jo Marcel cho biết ông phó thác cho sự xếp đặt của Thiên Chúa, trong một cuộc sống bình yên và thanh thản...

Trên Trang Blog yume.vn đăng bài: Ngày đó - một hoài niệm dấu yêu của Jo Marcel. Tác giả Dodidau viết:

Với sáng tác “Ngày đó” của Jo Marcel, việc ngồi phân biệt rạch ròi giữa "nhạc sến" - "nhạc sang" là một việc làm vô nghĩa và thừa thãi. Bởi về cảm nhận, chỉ có ca khúc hay hoặc không. Thế thôi... 

Ca khúc:

- Áo Dài Việt Nam
- Chiều Winnipeg
- Ngày Đó
- Vết Chân Hoang

Tài liệu tham khảo:

- Nghệ sĩ Jo Marcel Blog: blog.yume.vn

Ca khúc Ngày đó do danh ca Vũ Khanh trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=0eZAdLDD81Y





No comments:

Post a Comment