*
Không hiểu
may rủi như thế nào, nhưng tôi đã sống một đời người qua nhiều chế độ khác
nhau.
Tôi sinh
ra năm 1941, nên tôi đã sống dưới chế độ bị trị, do người Pháp đô hộ chúng ta,
thuở đó miền Nam là đất thuộc địa, tôi còn quá nhỏ, nên chỉ biết rằng trong làng
có Ban Hội Tề cai quản, lờ mờ tôi hiểu rằng Xã Trưởng là người quyền uy nhất
trong làng, nhưng người có quyền bắt nhốt, đóng trăn kẻ phạm tội là Thầy Hương
Quản. Nhà Thầy Hương Quản ở xa, phía bên kia sông, còn Xã Trưởng ở sát cạnh nhà
tôi, có lẽ gia đình Xã trưởng và gia đình nhà tôi là hàng xóm lâu đời, ở một xóm
khác, sau nầy mới mua đất cất nhà gần nhau, do chỗ hàng xóm xưa nên tôi gọi anh
ta bằng anh, còn vợ Thầy Hương Quản có bà con với gia đình tôi, nên về vai vế tôi
cùng gọi bằng anh.
Trong trí
nhớ của tôi, Làng, tiếng gọi giản đơn Ban Hội Tề, có bắt dân làm sâu một lần, đó
là đào con kinh xuyên qua Cù lao, để đường thủy được thông thương từ Xép ra sông
Hậu, cho thuận tiện việc giao thông đường thủy. Ngày nay, giao thông đường thủy
không cần thiết, nên con kinh đang được san lấp, để phân lô cấp nền nhà.
Sự kiện nầy,
đến nay những hình ảnh thanh niên đào kinh, thợ mộc làm cầu vẫn còn trong tâm
trí tôi nhưng nó đã mờ nhạt, vì lúc đó tôi còn khá nhỏ, chưa được đi học ở ngôi
trường làng với 3 lớp học, tường xây tô, mái ngói móc.
Thỉnh thoảng
nhà có đám cưới, hỏi có nhiều người tới dự, chủ nhà trang hoàng, che rạp, người
ta cũng treo một lá cờ “Tam tài”, xanh dương, trắng, đỏ. Sau nầy tôi mới biết đó
là cờ của Pháp.
Rồi Nhựt đảo
chánh Tây, rồi ngày Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, ngày 23 tháng 9 năm 1945. Trong
làng, Ban Hội Tề ngưng hoạt động, các Thầy giáo đóng cửa Trường về quê hay theo
kháng chiến. Riêng có thầy dạy lớp Nhì, được gọi là Thầy Nhì Thạnh, vì tên của
thầy là Châu Văn Thạnh, đứng ra điều khiển Thanh Niên Tiền Phong, hô hào trai
tráng vót tầm vong vạt nhọn, vào hàng ngũ, tập dượt đi đều bước, có người điều
khiển đếm: một, hai, một, hai… Họ thường tụ hội trong vườn cây dầu của gia đình
tôi, vì nơi đó có bóng mát. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn
thì “Tây trở lại”, thỉnh thoảng ban ngày, có những cuộc bố ráp, có anh Hương Quản
đi cùng, có khi lính “lê dương” chỉ xét hỏi, có khi chúng bắt đem về chỗ tập
trung, rồi cũng thả.
Cờ Thanh Niên
Tiền Phong
Thời nầy,
ban ngày thuộc Pháp, nhưng ban đêm thuộc về cách mạng, nhưng ngày đó gọi là Việt
Minh. Mặc dù ban ngày trên lộ đá có xe than chạy, dưới sông có tàu đốt than chạy,
tàu dòng theo những chiếc ghe chài, thành một dòng khá dài chừng 2, 3 chục chiếc
ghe. Trên sông, những “thây ma” trôi lình bình, tha hồ cho tôm, tép, cá rĩa ăn.
Do đó có danh từ “mò tôm”, để chỉ cho những người bị thủ tiêu, vì thù oán, vì
chánh kiến bị giết chết, rồi bỏ trôi sông. Do đó, nguồn nước uống bị ô nhiễm,
muốn uống nước sông, người ta phải đun sôi.
Trong lúc
xã hội bất an, nhân tâm ly tán, mạng người sống chết rẻ như bèo. Người dân chỉ
còn biết dựa vào niềm tin, để trấn an sự sợ hãi. Lúc đó đạo Phật do Huỳnh Phú Sổ
truyền bá ở miền Tây ngày càng lan rộng.
Huỳnh Phú
Sổ là con trai của ông Huỳnh Công Bộ, một vị Hương Cả ở làng Hòa Hảo, quận Tân
Châu, tỉnh Châu Đốc. Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo từ ngày 18 tháng Năm năm Kỷ Mão
(ngày 4-7-1939), khuyên tín đồ ăn chay, niệm Phật, làm lành, lánh dữ. Huỳnh Phú
Sổ xiển đương đạo Phật tại làng Hòa Hảo nên được gọi là Phật Giáo Hòa Hảo. Tôn
chỉ là niệm Phật, chẳng khác với Tông Tịnh độ. Tín đồ tôn xưng là Huỳnh giáo chủ
Do Huỳnh
Phú Sổ thực hành tu pháp tu giống như Đức Phật Thầy Tây An, cho nên nhiều tín đồ
PGHH tin rằng Huỳnh giáo chủ là hậu thân của Đức Phật Thầy Tây An.
Thời gian
hành đạo, Huỳnh giáo chủ đi khắp miền Hậu Giang giảng đạo, tín đồ đi nghe giảng
đông hàng nghìn, cho nên thường tổ chức nơi công cộng như ở nhà lồng chợ hay
nhà Tín đồ có sân rộng, thực dân Pháp sợ ảnh hưởng của Ngài, năm 1940, đem an
trí Ngài trong nhà thương Chợ Quán, giữa năm 1941 đưa Ngài đi biệt xứ ở Bạc
Liêu, đến cuối năm 1942 lại đưa Ngài trở về Saigon. Vào ngày 21-9-1946, Ngài
lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, gọi tắt là Việt Nam Dân Xã Ðảng. Ngài tham
gia Uỷ ban Hành Chánh Nam Bộ, vào mật khu ở Miền Ðông với lực lượng Bình Xuyên
của Bảy Viễn.
Ngày 16
tháng 4 năm 1947, Huỳnh Phú Sổ đến Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa
Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo, do Bửu
Vinh mời, họp tại làng Tân Phú, Ðốc Vàng, tỉnh Long Xuyên, ngay trong phiên
họp, họ đã tắt đèn và nổ súng, cận vệ của Ngài chạy thoát về báo lại, ngay đêm
đó, có thủ bút của Ngài viết, gửi cho các Tư lệnh Lực lượng PGHH như sau:
Ông
Trần Văn Soái và Ông Nguyển Giác Ngộ;
Tôi
vừa hội hiệp với ông Bửu Vĩnh, bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vĩnh xuýt
chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biét
chết hay chạy đi, nếu có ai về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông
đừng náo động.
Cấm
chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hảy đóng quân y tại chỗ.
Sáng
ngày, tôi sẽ cùng ông Bửu Vĩnh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
Phải
triệt để tuân lịnh.
Ngày
16-4-1947 : 9 giờ 15 đêm
Ký
tên: S
Từ đó
người ta không có tin tức về Ngài, có lẽ Việt Minh đã hảm hại Ngài sau khi đã
viết lá thư đêm đó. Ngài mới có 27 tuổi. Ngài chẳng những là một vị giáo chủ
PGHH mà còn là một lãnh tụ quốc gia chân chính, tiến bộ, nhiệt tâm yêu nước.
Theo tài liệu của Tây phương và Việt Nam Cộng
Hòa thì giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh thủ tiêu.
Do thời đó
quân đội Pháp không đủ lực lượng để giữ an ninh, trộm cướp xãy ra thường xuyên,
nên giáo phái Hòa Hảo có lực lượng vũ trang, để gìn giữ an ninh trong làng xóm.
Ở Cái Vồn, Cần Thơ có lực lượng Hòa Hảo của Trần Văn Soái; ở Ô Môn, Cần Thơ có
lực lượng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt; ở Chợ Mới, Long Xuyên có lực lượng Nguyễn
Giác Ngộ; ở Cái Dầu, Châu Đốc có lực lượng Lâm Thành Nguyên tức Hai Ngoán. Sau
khi Hu ỳnh giáo chủ mất tích các lực lượng nầy cộng tác với nhà cầm quyền Pháp,
cho đến khi Ngô Đình Diệm Chấp chánh, chánh phủ Việt Nam dẹp các lực lượng vũ
trang, trước tiên là Bình Xuyên tại Sàigòn, kế đó các lực lượng vũ trang Cao Đài,
Hòa Hảo đều trở về hợp tác với chánh phủ, trừ có lực lượng Lê Quang Vinh, sau ông
bị bắt tại Chắc Cà Đao (Bình Hòa), Long Xuyên, ngày 13-4-1956, bị đưa ra tòa Đại
hình ngày 11-6-1956, tòa Thượng thẩm Đại hình ngày 26-6-1956, ra tòa án quân sự
ngày 3-7-1956, cả 3 tòa đều kết án tử hình, án lệnh được thi hành ngày 13-7-1956
bằng máy chém Gouillotine của Pháp, do Đội Phước thi hành.
Trước năm
1950, do trường làng không có thầy giáo, nên tôi phải sang sông học trường làng
bên đó, cũng chỉ học được vài tháng rồi thầy giáo đóng cửa Trường. Sau đó tôi học
tư, tại ngôi trường làng, từ ngôi Trường nầy, tôi xuống tỉnh Long Xuyên thi đậu
bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.
Năm sau cùng
của chánh thể Quốc Gia Việt Nam 1954. tôi được đi học lại, ngồi lớp Nhì Trường
nam Tiểu học Châu Đốc. Thời đó trường làng chỉ dạy tới lớp Ba, trường tỉnh hay
quận lỵ mới có lớp nhì, lớp nhất. Ngay tỉnh lỵ Châu Đốc chỉ có Trường Trung học
Đệ Nhất Cấp, dạy tới lớp Đệ Tứ, thi Trung học Đệ Nhứt Cấp mà thôi.
Tôi còn
nhớ, những ngày đầu tôi lên Châu Đốc, quân đội Pháp còn đồn trú trong một cơ sở
cạnh Bưu Điện, họ chỉ ở trong trại lính đó mà thôi. Hè năm 1956, tôi được đi dự
trại Hè tại Vũng Tàu, xe chạy ngang qua sân bay Vũng Tàu, thấy phi cơ, xe nhà
binh và quân nhân Pháp vẫn còn sinh hoạt ở đó. Đây là điểm cuối cùng quân đội
Pháp tập trung để rút quân về nước, thi hành theo Hiệp định Genèvre 1954.
Ngày
23-10-1955, có cuộc Trưng cầu dân ý, truất phế quốc trưởng Bảo Đại, đến ngày
26-10-1955 miền Nam thiết lập thể chế Việt Nam Cộng Hòa, cho đến 30-4-1975
trong 20 năm đó, tôi đã sống và trải qua những ngày tốt đẹp nhất cuộc đời mình.
Tôi được
miễn thi Tiểu học, thi đậu vào Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc, Trung học Kỹ
thuật Cao Thắng, tôi được chú tôi cho lên Sàigòn theo học tại Trường Cao Thắng.
Sau khi lấy
được Tú Tài toàn phần kỹ thuật, tôi thi đỗ vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, trong
thời gian học tại đây từ năm 1964-1966, tôi cũng ghi tên theo học Phân Khoa Văn
học và Khoa học Nhân Văn thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh vừa mới thành lập, tôi đã
tham gia thành lập Tổng hội Sinh Viên Vạn Hạnh. Niên khóa 1964-1965, tôi giữ chức
Phó Chủ tịch Nội Vụ, vì Chủ tịch bị truất phế nên tôi Xử lý Thường vụ Chủ tịch,
Niên khóa sau, tôi giữ chức Phó Chủ tịch Ngoại vụ, trong Ban Chấp Hành, Giáo sư
Khoa học Đại học đường Cao Ngọc Phượng là Chủ tịch, anh Đỗ Văn Khôn là Tổng Thư
Ký, chị Nhất Chi Mai là Thủ quỹ.
Thời gian nầy là thời gian người ta dễ dấn thân vào con đường chính trị, tôi đã được tòa Đại sứ Mỹ vài lần mời tới dự những buổi tiếp tân của họ, nhưng tôi né tránh, cũng có người rủ tôi vào trong bưng để ra Bắc, sau đó sẽ được du học ở Liên Xô, nghe thấy viễn ảnh tốt đẹp, nhưng tôi từ chối.
Sau khi
ra Trường CĐSPKT, tôi chọn nhiệm sở Banmêthuộc, đây là Trường Kỹ Thuật do viện
trợ Mỹ đài thọ, để đào tạo thợ cho các dân tộc thiểu số như người Chăm ở Ninh
Thuận, người Thái ở Tùng Nghĩa, Đà Lạt và ở làng Hòa Bình Banmêthuộc và những sắc
dân Thượng như Radhé, Koho, Stieng… ở Banmêthuột, Gia Lai, Kontum, Pleiku ….
Cho đến nay tôi vẫn còn thớ tới những em học sinh như Não Minh Tròn, Linh Ký
Nam, Y Tlung, Thạch Văn Mè …
Trường là
lớp học nghề thời Pháp, nằm trong khu vực Trường Tiểu học Tỉnh lỵ, được viện trợ
Mỹ xây cất, với sức chứa 200 học sinh nội trú, gồm có một Đại sảnh đường, thông
với 3 lớp học, một Giảng đường có sân khấu, một Thư viện, một phòng y tế, các
phòng hành chánh và một dãi ký túc xá, tầng trệt có nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ
sinh; tầng trên có phòng ngủ tập thể, có phòng tắm; tầng trên cùng chỉ có một
khoảng ngắn thiết kế 3 phòng, gồm một phòng rời, hai phòng liên kết, ở giữa phòng
rời và hai phòng liên kết có cầu thang và nhà tắm nhà vệ sinh chung.
Thời gian
tôi sống ở Banmêthuột từ năm 1966-1970, nơi đây có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, có
kho đạn, nhưng không an ninh, do đó tôi chỉ đi loanh quanh trong Thị xã, như đi
chợ, đi chùa Khải Đoan, có lần đi cắm trại với vài em học sinh ở khu Lâm viên
quốc gia, là nơi trồng những cây sao, cây giá tị gần phi trường Phụng Dục. Có lần
đi vào đồn điền của gia đình em Trí hay đến nhà Linh Ký Nam chơi rồi đi tìm “cà-phê
cức chồn”. Có lần được trực thăng đưa đi giữ thùng phiếu đặt trong khu vực Nhà
máy điện, nơi đây có 3 turbine của Pháp chạy bằng thác nước, đủ cung cấp điện
cho thành phố Banmêthuột thời bấy giờ.
Tháng Giêng
năm 1968, tôi bị động viên đi khóa 27 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Những ngày nằm chờ
ở Trung Tâm 3 Nhập ngũ Hóc Môn, hình ảnh khó phai là vào buổi trưa khó ngủ, Trịnh
Công Sơn gầy gò ngồi trên chiếc chiếu, trải trên đường nhựa, dưới tàn cây bả đậu,
ôm cây đàn guitar miệng hát nghêu ngao những bài của anh ta sáng tác, sau nầy gọi
là dòng nhạc phản chiến, chỉ có đôi ba người ngồi nghe. Rồi vào buổi trưa ngày
12-1-1968, xe đưa đến quân trường Thủ Đức, nhận quân trang, mặc quân phục vào,
phút chốc trở thành người lính chiến, ngày học đêm canh gác nghiêm nhặt vì trận
chiến Mậu Thân. Việt cộng không tôn trọng đình chiến, muốn dùng yếu tố bất ngờ để
chiến thắng miền Nam. Khóa đó học đến tháng 8 ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy,
ngay sau đó có xe của Trường Quân Cụ rước về Trường ở Gò Vấp, theo học khóa Sĩ
Quan Quân Cụ Cơ Bản, rồi tiếp theo Khóa Cơ Khí Ô Tô, một số học về Đạn Dược.
Ra Trường
tháng 4 năm 1969, tôi được phân bổ về Vùng IV, sau đó được phân bổ về Đại Đội
Quân Cụ thuộc Sư Đoàn 21, sau đó quân đội cải tổ thành lập Tiểu Đoàn Tiếp Vận, Đại
Đội Quân Cụ trở thành Đại Đội Bảo Toàn, trong Đại Đội nầy có các Trung Đội Hậu
Cứ, Trung Đội Sửa Chữa, Trung đội Quân Nhu, Quân Vận, Truyền Tin. To6i được phân
bổ làm Trung Đội Trưởng đóng quân tại Thị xã Cà Mau, nằm trên sân Tennis trước
Ty Tiểu học, cạnh Trung Đoàn 32.
Sau 1 tháng
ở Cà Mau, tôi được thuyên chuyển về làm Trung đội Trưởng Hậu Cứ, đồn trú ngay
trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, nằm ở ngoại ô trên đường giữa Đài Phát Thanh Sóc Trăng
và Thị xã, cách Chùa Dơi không xa.
Đầu tháng
9 tôi được biệt phái về Trường cũ, tôi được đơn vị trưởng giữ lại 10 ngày để
vui chơi với bạn bè, sau đó được về Sàigòn hưởng phép 10 ngày nữa, rồi mới trở
lại Trường Kỹ thuật Banmêthuột.
Trở về
Trường cũ, tôi được đề cử giữ chức Phụ tá Học Vụ và Học Sinh Vụ đây là chức vụ
của Trường Kỹ thuật Đệ Nhất Cấp, nó gồm có công việc của Giám học là phân bổ giờ
dạy của giáo sư, theo dõi sự giảng dạy của các giáo sư ở lớp học; trông nom và điều
hành học sinh về kỷ luật về sự học tập của các em. Điều hành các xưởng và trông
nom việc học ở Xưởng do Phụ tá Kỹ thuật trách nhiệm.
Trung học
Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn có một lịch sử lâu đời nhất trong số các Trường
kỹ thuật ở Việt Nam, do ngày trước quân đội Pháp sang Việt Nam bằng tàu thủy, đánh
Đà Nẵng, Gia Định năm 1859 bằng tàu thủy, từ khi lấy 3 tỉnh miền Đông làm thuộc
địa, họ đã thành lập cơ xưởng để sửa chữa tàu, rồi mở lớp đào tạo thợ tại địa
chỉ 25 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp. HCM. Để mở rộng trường, một cơ sở mới
được dựng lên, là chi nhánh, sau trở thành Trường Cơ khí Á Châu, nay là Trung học
kỹ thuật Cao Thắng.
Tại địa
chỉ 25 Nguyễn Thị Minh Khai đến năm 1945 bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng, sau đó
quân đội Pháp tiếp thu, chia ra làm 2 phần, một phần giữ làm cơ quan Cảnh sát
Quận 1, phần còn lại trả cho trường có địa chỉ 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai. Sau
Tết Mậu Thân, Trường bị Tòa Đại Sứ Mỹ lấy vì vấn đề an ninh, đền cho Trường cơ
sở Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Trong khi chờ đợi xây cất cơ sở mới,
Trường dời tạm về khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học vụ. Đến năm 1972 việc xây cất hoàn
thành, trường tiếp nhận cơ sở mới, nhưng sau đó nhường hẳn cơ sở nầy cho Ban
Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường ở luôn tại khuôn viên Nha Kỹ Thuật với địa chỉ
55C Tự Đức, Quận 1, Tp. HCM.
Tôi về đây
dạy học và tiếp tục học trở lại ở Đại học Vạn Hạnh. Năm 1973, tôi tốt nghiệp Cử
nhân Văn học Việt Nam, năm sau lấy chứng chỉ Cao học I VHVN. Được Bộ Văn hóa Giáo
dục bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường nầy. Trường Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường
Tộ là Trung học Kỹ thuật Đệ nhị cấp, Giáo sư và nhân viên của Trường tổng cộng
khoảng 80 người. Học sinh từ lớp 8 cho đến lớp Đệ nhị gồm 16 lớp, có khoảng 600
học sinh. Trường có 1 Thư viện, 2 văn phòng, 9 phòng học, 6 xưởng dạy nghề gồm
có: Nguội, Máy dụng cụ, Cơ khí Ô tô, Kỹ nghệ Sắt, Kỹ nghệ Gỗ, Điện.
Gần đây có
thì giờ nhìn lại, tôi thấy mình chỉ làm tròn nhiệm vụ của một người thầy giáo và
hiệu trưởng chuyên nghiệp, chớ chưa làm tốt trong nhiệm vụ của mình, do tuy đã
xuất thân từ trường Sư phạm, nhưng nơi đó người ta không trao truyền kinh nghiệm
của nhà giáo, cũng không dạy về chức trách của một người Hiệu trưởng đối với Giáo
sư, nhân viên và học sinh.
Ngày 30
tháng 4 năm 1975, chấm dứt thể chế Cộng hòa ở miền Nam. Cộng sản đã chiếm cả miền
Nam, họ dẫm lên Hiệp định Paris ký kết vào tháng Giêng năm 1973. Việt Nam Cộng
Hòa đã bị khai tử sau khi nó sống gần trọn vẹn 20 năm ở miền Nam, đem lại cho
người miền Nam hiểu thế nào là TỰ DO.
Từ khi còn
là học sinh cho đến khi đi dạy học và là sĩ quan, tôi được đi và sống ở những nơi
như Vũng Tàu, Lộc Ninh, Banmêthuộc, Huế, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau. Mặc dù tôi
sinh trong tỉnh Long Xuyên, thi Sơ học ở Long Xuyên, nhưng tôi không có học ở
trường tỉnh Long Xuyên ngày nào. Tôi có đi tắm ở bãi biển Thuân An, có tham
quan cầu Hiền Lương, nơi chia đôi Nam Bắc.
Khi Cộng
sản chiếm miền Nam, tôi vào tuổi “Tam thập nhi lập”, vậy mà tôi đã bị đi “học tập
cải tạo” trong “Mười ngày” ở Trãng Lớn và rừng Kà-tum thuộc tỉnh Tây Ninh. Vào
trong trại cải tạo, đọc bảng biểu ngữ “Không có gì quí hơn Độc Lập, Tự do”, mới
thấm thía ý nghĩ tự do.
Trong trại,
anh em kể cho nhau nghe một ông tướng của Trung Hoa Dân Quốc bị đi học tập từ năm
1949 đến nay chưa về, nhiều hạ sĩ quan quân đội Pháp bị quản chế từ năm 1954 đến
nay chưa được quyền công dân và anh em nhắn nhủ nhau, khi nào “học tập tốt được
cho về”, cố gắng bám lấy Sàigòn mà sống, vì dù sao nơi đó cũng là nơi tai mắt
quốc tế, nhà cầm quyền cộng sản sẽ phải nương tay. Nhận định đó cho đến nay vẫn
đúng. Các Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, Barack Obama, Tổng Thống Pháp Francois
Hollande, đến Việt Nam sau khi ghé thủ đô Hà Nội, họ vào Sàigòn thăm viếng thành
phố nầy, vì Sàigòn đã dược mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, còn thành phố Hồ Chí
Minh chưa nghe nói tới.
Sau hơn 2
năm học tập cải tạo, tôi được tạm tha “hồi hương lập nghiệp” ở xã Phú Hòa huyện
Thoại Sơn tỉnh An Giang. Mặc dù tôi sinh ra ở nhà quê, nhưng tôi chưa hề chăn bò,
cày sâu, cuốc bẳm, về quê sinh sống bằng cách nào ? Còn vợ, còn con. Do đó tôi
tìm cách để ở lại Sàigòn. Nhạc gia tôi, “nhứt thân nhì thế” đã tìm cho tôi một
chỗ làm nơi Sở Lao Động thành phố, năm sau tôi bị chuyển tới một cơ quan thuộc
Sở Công nghiệp, nơi đây lại đưa tôi về trường cũ một thời gian. Tại trường cũ
nhưng môi trường đã khác, người thầy giáo dạy để kiếm sống, trong thời bao cấp
“củi quế, gạo châu”. Nhớ có lần về quê, khi trở lên Sàigòn, tôi mang theo 2 bao
cát đựng gạo, lúc xe đi ngang qua trạm “Tân Hương” ở địa phận Tân An, đã bị họ
tịch thâu, trong khi trên mui xe chất đầy những bao đựng gạo 50 kg. Con voi
chui qua lỗ kim lọt, nhưng sợi tóc thì không !
Thời gian
nầy, tôi thiết kế nhà máy đường công suất nhỏ, rồi làm Trưởng phòng Kinh tế Kế
hoạch cho Công ty, tôi đã đi giao dịch với những nơi để lắp đặt nhà máy đường
như Tây Ninh, Long Phú thuộc Sóc Trăng, Chợ Mới tỉnh An Giang, Long Toàn thuộc
Trà Vinh, Mỹ An Hưng huyện Lấp Vò, Ngã Sáu thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Hóc Môn. Nhà máy giấy ở Kiên Giang, ở Nam Vang. Nhà máy bột khoai mì ở Tịnh Biên,
nhà máy ép dầu dừa ở Bến Tre. Có những chuyến đi cuốc bộ khoảng chục cây số vào
ban đêm, ngủ bờ ngủ bụi khi làm việc với những huyệp Lấp Vò, Tháp Mười, Long Phú.
Có thời
gian tôi đi dạy ở Đại học Sư Phạm Kỹ thuật Thử Đức, nhưng vừa dạy vừa đi làm ở
tỉnh, đi lại bất tiện, tuy có giấy giới thiệu nhưng cũng phải xếp hàng rồng rắn,
mất rất nhiều thì giờ, do đó tôi bỏ dạy, để chuyên trông nom việc lắp đặt máy ép
dầu ở xí nghiệp 1 tháng 5 Bến Tre.
Đầu tháng
4 năm 1991, tôi rời khỏi Việt Nam, đáp máy bay Hàng không Việt Nam sang
Bangkok, vào nhà tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan ở 1 tuần, mỗi ngày ăn cơm trắng với
3 cái hột gà cho sáng, trưa, chiều.
Ngày
9-4-1991, gia đình tôi đặt chân trên đất Mỹ tại phi trường Seattle, Washington
State, ngủ đêm đầu tiên ở khách sạn Holiday Inn tại Minneapolis, Minnesota, hôm
sau đáp chuyến bay tới phi trường Saint-Louis, Missouri rồi chuyển qua phi cơ
nhỏ về Louisville, Kentucky.
Tôi đã định
cư tại đây từ đó tới giờ. Đi làm nhiều công ty khác nhau, có công ty làm về thức
ăn, có công ty làm về thiết bị. Có thời gian, tôi đi học ở College, đồng thời đi
dạy học, có thời gian ngồi ở văn phòng, sử dụng computer để thiết kế những cơ
phận, những thiết bị cho ngành hỏa xa.
Năm 1991,
trong thời gian làm việc ở trường học, tôi được cho đi học một khóa sử dụng
computer khoảng 20 giờ, sau đó tôi tự học để làm báo, làm Web. Được vài anh em
trẻ giúp đỡ, từ năm 1995, tôi đã chủ trương làm báo Phật Học biếu cho những ai
cần đọc, đến 2009 báo Phật Học không còn in ra giấy, nhưng vẫn còn phổ biến hàng
tháng trên Mạng, dưới sự chủ trương của Phật Học có ấn tống được 5 quyển sách,
có vài độc giả ở trong tù gửi thư xin báo, chúng tôi gửi hàng tháng cho họ từ
nhà tù nầy sang nhà tù khác.
Năm 1975,
chú tôi dạy tôi rằng, cuộc chiến vừa qua “Bất chiến tự nhiên thành”, nhưng sẽ còn
một lần nữa cũng “Bất chiến tự nhiên thành”.
Tôi đã được
sống, những ngày còn thơ ấu dưới thời Tây cai trị nước ta, thời Việt Minh cướp
chánh quyền, giặc giả loạn lạc tứ tung, gạo không xuất cảng được, ruộng đồng bỏ
hoang hóa, hàng hóa không nhập được, không có vải vóc may quần áo, người có của
may mặc vải ta, người nghèo khó phải mặc bao bố, cho nên sau khi “giải phóng miền
Nam”, khỏi sự kềm kẹp và bóc lột của Mỹ nguỵ, dân miền Nam được ăn “cao lương”
được mặc vải phiếu, còn có cái ăn, cái mặc hơn là chết đói hang triệu người ở
miền Bắc và mặc bao bố ở miền Nam năm 1945.
Ở Mỹ không
phải là thiên đường, tôi phải đi làm 14 năm, rồi về hưu, nay sống bằng đồng lương
hưu. Ở Việt Nam trước 1975, tôi đi làm 9 năm cho chánh quyền, sau 1975 tôi làm
13 năm, nay không có đồng xu ten nào cả ! Tôi nói nước Mỹ không phải là thiên
đường, vì có rất nhiều người “homeless”, tức nhiên là họ không có nơi ăn chốn ở,
có người đứng ở đầu đường, xó chợ xin ăn. Họ không gặp Cảnh sát, nếu gặp Cảnh Sát
sẽ hốt họ liền, vì không được phép xin ăn, muốn xin tiền, gây quỹ phải có phép
của nhà chức trách. Bên cạnh đó, có nhiều hội từ thiện, xin tiền của những nhà
hảo tâm, cung cấp những phần ăn cho người “vô gia cư”, nghèo khó, già cả, neo đơn.
Nhìn lại
những năm 1945 và 1975, dĩ nhiên là không giống nhau. Sau 1945, người dân ban đêm
sợ bị trộm cướp bị bắt cho đi mò tôm, còn 1975 người ta không sợ cho tánh mạng
của mình, nhưng cái ăn luôn luôn bị thiếu thốn, người dân phải lo ăn, có người
cho rằng nhà cầm quyền dùng chánh sách bao tử để điều khiển người dân, không biết
đúng hay sai, nhưng ngày nay hình như tham nhũng là kế sách để mọi người phải bảo
vệ quyền lợi của mình, tức là bảo vệ tập thể. Đó là kế sách hay nhất, hữu hiệu
nhất. Nhưng một định luật bất biến, bất cứ cái chi khi nó lên đến tột đỉnh, đương
nhiên nó sẽ tuột xuống.
8664270916
No comments:
Post a Comment