(1937-2012)
Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng sinh năm 1937 tại Thái
Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Năm 1946, ông theo gia đình vào Sài Gòn, theo học
Trường Trung học Lasan Taberd. Thuở nhỏ ông rất ngưỡng mộ thầy dạy nhạc Rémi
Trịnh Văn Phước nên ghép họ của mình với họ của thầy để tạo thành nghệ danh
Trần Trịnh.
Năm 1951, lên 14 tuổi
ông đã có ý tưởng sáng tác, nhưng chỉ viết nhạc và 3 năm sau mới hoàn tất phần
lời bài Cung đàn muôn điệu được nhiều
ca sĩ hát, và nhà xuất bản An Phú phát hành. Sau đó, bài Cung đàn muôn điệu còn được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một
chương trình tân nhạc cùng với một sáng tác nữa của Trần Trịnh, là bài Chuyến xe về Nam.
Năm 1955, Trần Trịnh
thi đậu bằng Tú Tài 2 Pháp, được gia đình gửi lên Đà Lạt, để vừa học vừa
làm việc cho Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Trần Trịnh thi hành nghĩa vụ quân sự năm
1957, khóa đầu tiên Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh
dấu cho dịp này, Trần Trịnh sáng tác nhạc phẩm "Đôi Mươi",
ca sĩ Anh Ngọc trình bầy lần đầu tiên.
Trần Trịnh phục vụ 2
tháng ở Liên Đoàn A, 2 tháng ở Liên Đoàn B, sau phục vụ trong Ban Văn Nghệ
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến ngày giải ngũ. Trong thời gian này,
Trần Trịnh phổ nhạc bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti-Gôn" của T.T.Kh.
Đây, một nhạc phẩm rất ăn khách, ca sĩ Mai Ngọc Khánh hiện đang sống tại Little
Sai Gòn là một trong những người đầu tiên hát bài này, sau Như Quỳnh đã trình
bầy thành công.
Năm 1958, sau khi giã
từ quân ngũ, nhạc sĩ Trần Trịnh trở lại, theo học hoàn toàn về nhạc với thầy
Rémi. Buổi tối, ông đi biểu diễn piano tại các phòng trà và vũ trường. Ông cũng
tình nguyện tham gia ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung để có
dịp ủy lạo binh sĩ. Tại đây, Trần Trịnh gặp nhạc sĩ Nhật Ngân tại ban Văn nghệ
của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Từ đó hai nhạc sĩ này - dưới cái tên ghép
lại là Trịnh Lâm Ngân - Lâm là Lâm Đệ, tên con ông chủ hãng đĩa nhạc
Asia thời đó, không phải là nhạc sĩ - họ đã sáng tác nhiều bài hát mang âm
hưởng quê hương và đã có nhiều bài trở nên nổi tiếng. Cũng trong năm này, Trần
Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài
truyền hình THVN.
Năm 1968, Trần Trịnh
được gặp nhà thơ Hà Huyền Chi. Hà Huyền Chi đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm
của Trần Trịnh: Lệ đá. Bài hát tức
khắc được mọi người yêu thích, và có số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971
thì đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên Lệ đá
đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài Lệ đá do Khánh Ly hát.
Người vợ đầu của ông
là ca sĩ Mai Lệ Huyền, họ có với nhau một người con gái đặt tên Lệ Trinh, sinh
năm 1965, hiện là một nữ ca sĩ ở Sài Gòn. Sau Trần Trịnh giới thiệu Mai Lệ
Huyền đi hát ở các phòng trà và vũ trường mà Trần Trịnh cộng tác.
Sau hơn 10 năm sống
bên nhau, Mai Lệ Huyền giã từ chồng con ra đi vào tháng 4.1975, trong khi Trần
Trịnh không thể đi vì song thân đã cao tuổi. Hai người coi như xa nhau từ đấy.
Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, khuyên
Trần Trịnh bước thêm một bước nữa, trong khi Mai Lệ Huyền cũng đi đến quyết
định như vậy.
Năm 1977, Trần Trịnh
lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau sinh được ba con trai. Nhưng không may
người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè. Người con thứ
hai hiện phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn
trumpet. Trong khi người con út cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng
đi theo con đường của thân sinh.
Tháng 10.1995 Trần
Trịnh, vợ và hai con đi Hoa Kỳ theo diện Đoàn tụ gia đình - Orderly
Departure Programm=ODP, do người chị ruột bảo lãnh. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng
định cư ở San Francisco, Bắc California, Trần Trịnh quyết định đưa gia đình
xuống Orange County, Nam California, vì ở đây có môi trường hoạt động âm nhạc,
nhiều cơ hội phát triển hơn ở thành phố miền biển.
Ông được trung tâm
Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 66 giới thiệu các tác
phẩm nổi tiếng của ông, cùng với Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.
Về sau, Trần Trịnh
chỉ tham gia "The Stars band" là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn
thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng
đồng.
Trần Trịnh qua đời
ngày 10-10-2012 tại California. Thọ 75 tuổi.
Trong bài: Còn đâu Trần Trịnh. Tác giả Nhật Thịnh
viết:
Ngoài ra, một số nhạc phẩm lời Anh ngữ do Trần Trịnh sáng
tác được HillTop Records giới
thiệu vào các mainstream (dòng nhạc chính) nhạc Hoa Kỳ, nhờ đó được nổi tiếng.
Trần Trịnh có bốn sáng tác được trung tâm nhạc của Hoa Kỳ HillTop Records chọn, đưa cho dàn
nhạc và được ca sĩ của họ trình bày, thâu vào CD: đó là những bản "Crying Rocks" từ "Lệ Đá", "Forget Me Not" ("Một Đóa Bâng Khuâng Màu E Ấp"
) do Cody Lyons ca, phát hành rộng rãi khắp nơi. Bản "Forever Love" được thâu vào CD "The Best of HillTop" phát
hành năm 2008, "The Stars
Band" nhạc phẩm kỷ niệm về ban nhạc Trần Trịnh chơi keyboard, hòa
âm, tới khi bị bệnh. Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng
gần đây Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi thưởng thức lại
bài thơ "La Dernière
Feuille" (Chiếc lá cuối cùng) của nhà thơ người Pháp Théophile
Gauthier từng học thời trung học, được người con nuôi Trần Trịnh tìm thấy. Liền
sau đó, Trần Trịnh đã phổ nhạc bài thơ bất hủ trong đời này. Đối với Trần
Trịnh,"Chiếc Lá Cuối Cùng"
chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của Trần Trịnh, năm 2006.
Nhưng dòng nhạc của riêng Trần Trịnh cũng như Trịnh Lâm Ngân mãi mãi được coi
là một dòng nhạc đã có những đóng góp đáng kể cho nền tân nhạc Việt Nam. Đó
chưa kể ngón đàn dương cầm của Trần Trịnh khó có thể phai mờ trong tâm hồn
những ai quen thuộc của thời kỳ vàng son ở những phòng trà, vũ trường Sài Gòn
cũ ngày nào đã xa mờ.
Ca khúc:
- Cơn giông
- Cung đàn muôn điệu
- Chiếc lá cuối cùng (phổ thơ bài "La Dernière Feuille" của Théophile Gauthier)
- Chuyến xe về Nam
- Đêm tuyệt vời
- Đêm vàng
- Đỉnh cao gió hú
- Độc huyền
- Đường mây
- Gãy cành thiên hương
- Hai sắc hoa Tigôn
- Hạnh phúc nơi nào
- Hoa nắng
- Khuôn mặt thứ hai của tình yêu
- Lệ đá (1968)
- Một đóa bâng khuâng màu e ấp
- Nhớ về một mùa xuân
- Tiếng đàn
- Tiếng hát nửa vời
- Trái sầu đầy
- For Little Band (nhạc hòa tấu)
- The Duo (nhạc hòa tấu)
- Cung đàn muôn điệu
- Chiếc lá cuối cùng (phổ thơ bài "La Dernière Feuille" của Théophile Gauthier)
- Chuyến xe về Nam
- Đêm tuyệt vời
- Đêm vàng
- Đỉnh cao gió hú
- Độc huyền
- Đường mây
- Gãy cành thiên hương
- Hai sắc hoa Tigôn
- Hạnh phúc nơi nào
- Hoa nắng
- Khuôn mặt thứ hai của tình yêu
- Lệ đá (1968)
- Một đóa bâng khuâng màu e ấp
- Nhớ về một mùa xuân
- Tiếng đàn
- Tiếng hát nửa vời
- Trái sầu đầy
- For Little Band (nhạc hòa tấu)
- The Duo (nhạc hòa tấu)
Tài liệu tham khảo:
- Nhật Thịnh Còn đâu Trần Trịnh. Web: vannghesi.net
Ca khúc Lệ đá
do danh ca Khánh Ly & Lệ Thu trình bày
No comments:
Post a Comment