Pages

Friday, September 30, 2016

Hoàng Thanh Tâm





(1960-20  )

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm sinh ngày 14 tháng 4 năm 1960 tại Sài Gòn, thứ nam của ông Hoàng Cao Tăng, cố giám đốc đài phát thanh Pháp Á (Radio France Asie).

Hoàng Thanh Tâm tự học nhạc qua sách vở, và đã biết sử dụng đàn guitar thành thạo từ nhỏ. Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm Cô Hái Mơ của thi sĩ Nguyễn Bính, và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay Tình khúc Hoàng Thanh Tâm với chủ đề Lời Tình Buồn tại Hoa Kỳ năm 1986.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai và được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979.

Ông đã theo học ngành Tin học (L’informatique) 3 năm tại trường Đại học Tự do Bruxelles, rồi di cư sang Úc Đại Lợi vào năm 1982, và định cư luôn tại Úc cho đến bây giờ…

Trong 3 năm ở Bruxelles, Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của ông, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người. Điển hình là những nhạc phẩm như: Trả Lại Thoáng Mây Bay, Đêm Tha Hương, Dáng Xưa, Xuân Mơ, Đêm Hoàng Lan, phổ thơ Trần Dạ Từ, Lời Cho Người Tình Xa, Tìm Em

Nhạc phẩm đầu tay ông viết tại hải ngoại là nhạc phẩm Trả Lại Thoáng Mây Bay đã được ca sĩ Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc "Thu Hát Cho Người" do chính Lệ Thu thực hiện năm 1982.

Qua Úc năm 1982, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sống 6 năm đầu tại thủ đô Canberra, ông phổ nhạc nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời tiền chiến và cận đại như Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết của Nguyên Sa, Đêm Hoàng LanTình Tự Mưa của Trần Dạ Từ, Áo Trắng, Buồn Đêm MưaTự Tình của Huy Cận, Ngập Ngừng thơ của Hồ Dzếnh, Đây Thôn Vỹ DạGiọt Lệ Tình của Hàn Mặc Tử, Một Mùa Đông của Lưu Trọng Lư, Đêm Trăng của Xuân Diệu, hoàn chỉnh thi phẩm Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính …

Sau khi qua Mỹ năm 1986 để thực hiện album đầu tay "Lời Tình Buồn" và album thứ hai "Khúc Nhạc Sầu Cho Em" năm 1987, ông trở về Úc và chuyển về sinh sống ở Sydney năm 1988.

Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện album thứ 3 "Tháng Sáu Trời Mưa", Hoàng Thanh Tâm gặp lại nhà thơ Nguyên Sa và Du Tử Lê, và sau đó đã trở về Úc với thi sĩ Du Tử Lê để ra mắt đêm thơ, nhạc Du Tử Lê và Hoàng Thanh Tâm tại 2 thành phố Sydney và Melbourne. Từ mối thâm giao đó, Hoàng Thanh Tâm đã cho ra đời 3 tình khúc phổ từ 3 thi phẩm của thi sĩ Du Tử Lê gồm: Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi thơ Hạnh Phúc Buồn, Còn Thơm Tay Quý Phi thơ Tay Ngọc, Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di thơ Kinh Tình Yêu.
Sau những hoạt động văn nghệ tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã mở một trung tâm băng nhạc tại Sydney lấy tên là Hoàng Thanh Tâm Enterprises, và làm đại diện cho trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng tại Úc Châu đến năm 2002 . Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm hiện đang định cư tại Sydney, vẫn tiếp tục công việc sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương, Hoàng Thanh Tâm luôn mang một nỗi ám ảnh về một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của ông như: Tình Ca Người Xa Xứ, Lời Cho Người Tình Xa, Một Cõi Tình Xa, Xuân Mơ, Hãy Cho Nhau Tình Yêu, Hồn Khói Thuốc ….

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm được đánh giá trên Wikipedia như sau:

Qua những quá trình đóng góp công sức tim óc của nhạc sĩ Hoàng thanh Tâm cho nền âm nhạc ở hải ngoại suốt hơn một phần tư thế kỷ, và đã để lại một số lượng không nhỏ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người Việt ở trong nước cũng như tại hải ngoại, thi sĩ Du Tử Lê đã ưu ái tặng cho người nhạc sĩ họ Hoàng danh hiệu "Con tiểu Phượng Hoàng của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại".

Ca khúc:

- Anh Cứ Hẹn
- Anh Ở Đây
- Áo Trắng
(phổ thơ Huy Cận, 1987)
- Bài Luân Vũ Cuối Cùng
- Buồn Đêm Mưa
- Cần Thiết
(phổ thơ Nguyên Sa)
- Chiều Mưa
- Cho Nhau Ngàn Sau
- Cô Hái Mơ
(phổ thơ Nguyễn Bính, 1987)
- Cỏ Lá Xanh Xao
- Còn Thơm Tay Quý Phi
- Dạ Khúc Cuối
(1987)
- Dáng Xưa
- Dựng Mùa Xuân Trên Quê Hương
- Đây Thôn Vỹ Dạ
(phổ thơ Hàn Mặc Tử, 1988)
- Đêm Hoang
- Đêm Hoàng Lan
(ph
ổ thơ Trần Dạ Từ)
- Đêm Tha Hương
- Đêm Trăng
- Đời Còn Vang Bước Em
(1988)
- Em Cứ Hẹn
- Giấc Thu
(1987)
- Giọt Lệ Tình
- Hãy Cho Nhau Tình Yêu
- Hồn Khói Thuốc
- Không Còn Ai Nhớ Nữa
- Khúc Nghê Thường Trong Đêm
- Khúc Nhạc Sầu Cho Em
(1987)
- Lời Cho Người Tình Xa
- Lời Mẹ Dặn
- Lời Tình Buồn
(1982)
- Lời Trăn Trối Của Người Tù
- Một Cõi Tình Xa
- Một Mùa Đông
- Một Ngày Cho Tình Yêu
- Ngập Ngừng
(phổ thơ Hồ Dzếnh, 1987)
- Như Mây Lênh Đênh
- Như Thoáng Mơ Phai
- Niềm Mơ Ước Hồi Sinh
- Nỗi Sầu Khổ Dịu Dàng
- Ru Đời Chỉ Là Mơ Qua
(1988)
- Ru Em Ngày Tháng Chia Xa
- Sài Gòn Dấu Yêu
- Tâm Khúc
- Tháng Sáu Trời Mưa
(phổ thơ Nguyên Sa, 1987)
- Tìm Em
- Tình Ca Người Xa Xứ
- Tình Thơ
- Tình Tự Mưa
- Tình Yêu Muôn Thuở
- Tôi Về Giữa Mùa Xuân
- Trả Lại Thoáng Mây Bay
(1980)
- Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi
(phổ thơ Du Tử Lê, 1993)
- Vết Thương Đời Của Em
- Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di
- Vực Thẳm Tình Yêu
(2002)
- Xin Hãy Yêu Tôi
- Xuân Khúc
- Xuân Mơ

Tài liệu tham khảo:

- Hoàng Thanh Tâm Web: Wikipedia

Ca khúc Tháng sáu trời mưa do chính tác giả trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=JNqi99u9N5s





No comments:

Post a Comment