Pages

Monday, September 5, 2016

Ngọc Chánh



(1937-20   )

Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật là Nguyễn Ngọc Chánh, sinh năm 1937 tại Sàigòn.

Từ năm 1943, thuở 6 tuổi đã học ghi ta với một anh bạn lớn tên là Cổ Tinh Châu, anh này có tài giỏi về ngón đàn Flamenco, rồi sau đó học thêm với một nhạc sĩ Phi Luật Tân là Monito.

Năm 1957, học đệ tam trung học, cậu học sinh Nguyễn Ngọc Chánh đã viết một cuốn sáchTự Học Guitar và bán bản quyền cho nhà xuất bản Mỹ Tín với giá 24 ngàn đồng. Lúc đó ông Mỹ Tín có một tiệm bán đàn piano ở đường Võ Tánh và Ngọc Chánh đã mua một cây cũ với giá 22 ngàn đồng bằng cách đổi cuốn sách của mình và được ông chủ trả thêm 2 ngàn đồng. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó và cũng là một thành tích đặc biệt thời trẻ tuổi của ông .

Nhạc sĩ Ngọc Chánh có thời gian làm ở phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee trên lầu của thương xá Eden, lúc đó đang do nữ ca sĩ Khánh Ly khai thác. Bấy giờ Ngọc Chánh đang chơi piano và organ trong một ban nhạc chưa được đặt thành tên, và cũng chưa được nổi tiếng lắm trong các hoạt động âm nhạc ở miền Nam bấy giờ.

Khi Khánh Ly ra mở phòng trà riêng trên đường Tự Do nay là Đồng Khởi, ông Tuất chủ nhân phòng trá Queen Bee giao lại cho nữ ca sĩ Thanh Thúy quản lý. Từ đó một ban nhạc mới được thành hình, một ban nhạc mang âm thanh của loại súng liên thanh ra đời, tức ban nhạc Shotguns, do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm Chef d’orchest hợp cùng các nhạc sĩ Hoàng Liêm (guitar), Hùng (bass), Ngọc Chánh (piano, organ), Lưu Bình (trống), sau c ó thêm các nhạc sĩ Cao Phi Long, Đan Tho,. Lê Văn Thiện các ca sĩ chủ lực gồm Thanh Thúy, Elvis Phương, Pat Lâm, Ngọc Mỹ. Sau này có thêm các ca sĩ có thêm những Thanh Lan, Xuân Sơn, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín… cùng chen vai sát cánh bên nhau, hoạt động từ băng nhạc, ca vũ trường đến các show diễn tại các Club Mỹ, trên các sân khấu đại nhạc hội hay đài phát thanh, truyền hình.

Thời gian còn cộng tác tại phòng trà Queen Bee, ban nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh còn phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương và các Club Mỹ, với phong cách trình diễn loại nhạc kích động như ban nhạc của Khánh Băng – Phùng Trọng. Bởi ca sĩ chủ lực của ban Shotguns là Pat Lâm và Ngọc Mỹ, vào thời đó chưa ai hát nhạc ngoại quốc qua mặt được vào năm 1971, khi Ngọc Mỹ đi Mỹ trình diễn và cô đã ở lại Mỹ hát cho một ban nhạc nổi tiếng từ đó.

Cuối những năm 1960, nhạc sĩ Ngọc Chánh sau khi thành hình ban nhạc Shotguns, anh đã cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop.. ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diển ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt.

Sau khi chọn được hướng đi mới, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu đứng ra thành lập cơ sở Nguồn Sống, chuyên sản xuất băng nhạc nhằm tạo đất sống mới cho các ca nhạc sĩ trong ban nhạc; đồng thời cùng nữ ca sĩ Thanh Thúy lập phòng trà khiêu vũ trường mang tên International Quốc Tế nằm ở mũi tàu Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và mở cả kiosque mang tên Khai Sáng nằm dưới tầng trệt của phòng trà, làm nơi tổng phát hành băng nhạc do anh sản xuất.

Vì cộng tác chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Duy cho nên Ngọc Chánh có nhờ Phạm Duy đặt lời cho bản Bao Giờ Biết Tương Tư mà ông đã viết nhạc cho cuốn phim Điệu Ru Nước Mắt dựa theo tác phẩm của nhà văn Duyên Anh và ông giao cho ca sĩ Anh Khoa hát rất thành công, đúng ý tác giả nhất.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh đã viết bản nhạc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang cho cuốn phim cùng tên do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Lúc đầu ông định nhờ nhà văn Duyên Anh viết lời ca nhưng sau đó chọn Phạm Duy viết lời.

Hãng Yamaha của Nhật có tổ chức cuộc thi âm nhạc và mời Việt Nam tham dự. Và Ngọc Chánh viết nhạc, Phạm Duy đặt lời thành bản Tuổi Biết Buồn nhờ Thanh Lan ca và vào chung kết giải này năm 1973.

Như vậy duyên văn nghệ giữa Ngọc Chánh và Phạm Duy tạo nên 3 ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Tuổi Biết Buồn; nhạc Ngọc Chánh và lời Phạm Duy.

Trong bài: Nhạc sĩ Ngọc Chánh - những kỷ niệm với trung tâm băng nhạc Shotguns thời Sài Gòn. Tác giả nhạc sĩ Trần Chí Phúc viết:

Ban nhạc Ngọc Chánh thường chơi nhạc ngoại quốc cho các vũ trường, nhưng khi có trung tâm Shotguns thì ông đã thu băng mấy trăm ca khúc Việt Nam để người yêu nhạc thưởng thức. Và ông cũng đã nhờ nhiều người đặt lời ca cho các bản ngoại quốc và phổ biến trong các băng chủ đề Nhạc Trẻ của Shotguns. Đó là sự đóng góp của nhạc sĩ Ngọc Chánh trong dòng sinh hoạt ca nhạc Sàigòn năm xưa.

Ca khúc:

- Bao Giờ Biết Tương Tư (lời Phạm Duy)
- Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang
(lời Phạm Duy)
- Tuổi Biết Buồn
(lời Phạm Duy)

Tài liệu tham khảo:

- Trần Chí Phúc Nhạc sĩ Ngọc Chánh - những kỷ niệm với trung tâm băng nhạc Shotguns thời Sài Gòn. Web: sbtn.tv

Ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang do Elvis Phương trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=J8Lnw6ZAvbc

https://www.youtube.com/watch?v=J8Lnw6ZAvbc




No comments:

Post a Comment