Pages

Monday, January 9, 2017

Trở lại Bến Tre



Khoảng năm 1981 hay 1982, tôi làm Trưởng Phòng Công nghệ của Phân Viện Thiết kế thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM. Phân Viện Trưởng là dân Bến Tre, nên anh ta được Sở Công Nghiệp Bến Tre giao cho việc tháo dở và lắp đặt máy ép dầu công xuất lớn của Xí Nghiệp Trương Văn Bền, Chợ Lớn. Gần khu chợ Kim Biên ngày nay.

Xí nghiệp Trương Văn Bền là xí nghiệp sản xuất xà bông, danh tiếng là hiệu xà bông Cô Ba, hay xà bông Việt Nam trước 1975. Muốn sản xuất xà bông, nguyen liệu chính là cơm dừa, xứ dừa là Bến Tre, nhưng tỉnh Bến Tre muốn giữ nguyen liệu dừa để sản xuất dầu dừa thô hoặc chế biến xà bong hoặc bán nguyên liệu dầu dừa cho xí nghiệp Trương Văn Bền, việc ép dầu do các tổ hợp, hợp tác xã hay xí nghiệp địa phương dùng máy tự chế với công xuất nhỏ sản xuấu dầu dừa thô. Do đó mấy ép dầu hiện đại, công xuất lớn do Mỹ sản xuất của Xí Nghiệp Trương Văn Bền phải đắp chăn, ngưng sản xuất. Nên họ bán cho Xí nghiệp 1 tháng 5 ở Bến Tre máy ép dầu của Mỹ, ngược lại Xí Nghiệp 1/5 bán dầu dừa thô cho họ.

Do thời bao cấp đó, tôi có dịp đến Bến Tre vài tháng để lắp đặt dây chuyền sản xuất dầu dừa ở Xí Nghiệp Ép Dừa 1/5. Trong khi đó tôi đang dạy giờ ở Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức mỗi tuần 1 ngày, lại phải làm việc ở Bến Tre hàng tuần đi về, mua vé xe đi lại phải có giấy giới thiệu, phải xếp hang rồng rắng, nên tôi bỏ dạy, khi gần hoàn thành công tác thì Chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh có đến thăm tỉnh Bến Tre, trong tỉnh đâu có xí nghiệp nào hiện đại, tiêu biểu nên UBND Tỉnh đưa Chủ Tịch Trường Chinh đến thăm Xí Nghiệp, mấy ngày trước, công an tỉnh đến xí nghiệp ăn nằm với anh em chúng tôi, chúng tôi không hề biết chuyện chi, ngày hôm trước anh Bảy Dĩ Giám Đốc Xí Nghiệp, báo cho tôi biết: “Ngày mai các anh được nghỉ trọn ngày, Xí nghiệp đưa đi chơi”, cho đến sáng sớm chúng tôi đi ăn sáng, anh Loan Phó Giám Đốc mới cho biết: “Hôm nay có Chủ tịch nước đến thăm xí nghiệp, vì an ninh chúng tôi sẽ bố trí bên cạnh các anh một số an ninh, các anh cứ yên tâm chạy máy biểu diễn bình thường cho chủ tịch nước và khách tham quan.”

Sau khi Chủ tịch nước viếng thăm dây chuyền sản xuất do anh em chúng tôi lắp đặt, chúng tôi cũng như công nhân viên xí nghiệp, được ngồi dự cuộc nói chuyện của Chủ tịch nước tại Xí nghiệp ngày hôm đó.

Những lần đi lại, chúng tôi phải qua phà Rạch Miễu, được nhìn thấy nơi ông Đạo Dừa tu ở đuôi Cồn Phụng và có vài lần xuống nhà hàng nổi ăn kem hoặc uống bia, vì ở xí nghiệp nơi cầu Chệt Sậy, cuốc bộ ra chợ Bến Tre cũng không xa, mất chừng trên 20 phút. Nhà hàng nổi nguyên là chiếc xà lan của Mỹ, ông Đạo Dừa cải tạo làm thành con thuyền Bát Nhã, sau năm 1975, bị nhà nước tịch thu dùng làm nhà hàng nổi.

Năm ngoái có vợ chồng anh CHS đưa chúng tôi đi du lịch Cồn Phụng mà không có tới Bến Tre, năm nay con rể cho chúng tôi quá giang đi Bến Tre, chúng tôi nhận lời vì muốn lợi dụng dịp nầy thăm lại Bến Tre.

Với tôi, Bến Tre năm 1963, tôi đã xuống đó tá túc nhà chị tôi, nằm cạnh gia tộc của nhạc sĩ Nguyễn Phụng nguyên Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc, vào những lúc Sinh Viên, Học sinh biểu tình, ngoài thời gian làm việc ở Xí Nghiệp 1/5 tôi có đi Mỏ Cày, đi Giồng Trôm, đi Hàm Luông.

Ngày Chủ nhật 8-1-2017, chúng tôi đi thăm nhà thân chủ con rể tôi, đến nơi khoảng gần 10 giờ, trước đó người chủ nhà ở Sàigòn, nghe con rể tôi xuống nhà anh, anh liền từ Sàigòn dùng xe riêng có tài xế chạy xuống Bến Tre, để tiếp đãi con rể tôi cũng để thảo luận vài chi tiết để làm vườn cảnh nhà của anh.

Hơn 11 giờ anh chủ nhà Bé Hai mới về tới, vui vẻ chào tôi, tôi thấy anh ta quen mặt, nhưng không nhớ gặp nhau lúc nào, anh ta nhắc đã gặp tôi trước đây ở nhà con rể tôi.

Anh Chi, tôi, Bé Hai trong sân vườn của Bé Hai

Nhạc mẫu của Bé Hai và nhà tôi

Chúng tôi chụp một tấm ảnh ở nhà anh để kỷ niệm, sau đó anh ta mời chúng tôi đi ăn ở nhà hàng chay Tạ Ơn, với những món ngon của nhà hàng như gỏi củ hủ dừa, sushi … Trong bữa ăn anh ta muốn mời chúng tôi đi đến nhà hàng nổi ăn món đặc biệt là củ hủ dừa ướp lạnh, gỏi củ hủ dừa và đi ăn cơm rượu ở Forever Green Resort.

Tại nhà hàng Tạ Ơn

Đến nhà hàng nổi, tôi còn nhớ được chút ít khung cảnh xưa, thời bao cấp. Thời đó nhà hàng nổi có một cái đỉnh đặt ở phía trước, cái đỉnh nầy cẩn bằng những mảnh chén đĩa kiểu, nay không còn nữa và ngày nay nhà hàng trang hoàng đẹp hơn xưa kia.

Chúng tôi có chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.

Bé Hai, nhà tôi, tôi, anh Chi (cậu vợ của Bé Hai)

Anh Chi, Bé Hai, nhà tôi và tôi

Sau đó Bé Hai có nhà ý đưa chúng tôi đi dọc theo bờ sông một khúc, có đi ngang qua dinh Tỉnh Trưởng xưa, nay nhà Bảo tàng của thành phố, kế đó là khách sạn Úc-Việt, rồi đi qua tượng đài Đồng Khởi.

Dinh Tỉnh Trưởng cũ

Tượng đài Đồng Khởi

Sau đó chúng tôi đến tham quan khu Forever Green Resort, người ta còn gọi là nhà nghỉ Lô Hội, vì khi tham quan khu vực nầy, người tham quan được đưa đi bằng xe điện, được uống một ly nước Lô hội và sau cùng vào hội trường uống trà cũng như ăn cơm rượu.

Ăn cơm rượu, ăn mứt, kẹo và uống trà

Trong khu vực nầy có tổng diện tích là 21 mẫu, có vài khu nghỉ dưỡng, có khu trồng cây Lô Hội cũng gọi là Nha Đam, chủ nhân nhằm mục đích xuất khẩu thức uống Lô hội, ngoài ra còn trồng những kỳ hoa, dị thảo như Chuối sen, cây Sa-la, Đào tiên…

Hình bắp Chuối Sen (như hoa sen, luôn trổ bắp chuối chỉ thẳng lên)

Cây Đào Tiên

Trên 35 năm chúng tôi mới trở lại Bến Tre, dinh Tỉnh Trương, Trường Tiểu học con đường quê không có nhiều thay đổi, nhưng có nhiều thay đổi làm cho Bến Tre có bộ mặt mới như tượng đài Đồng Khởi, biệt thự của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra Nhà nước, khách sạn Úc-Việt …


Biệt thự của ông Trần Văn Truyền

Riêng chuyến trở lại tỉnh Bến Tre lần nầy, anh Chi cậu vợ của Bé Hai và anh Bé Hai để lại trong tôi kỷ niệm đẹp về sự hiếu khách của hai người, phải chăng Bến Tre là xứ dừạ luôn luôn hiếu khách vì có đặc sản kẹo dừa Bến Tre và nhất là ca khúc Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người ta khó quên với ca sĩ Mai Thiên Vân tên thật là Mai Thị Hậu sinh năm 1970 tại Bình Đại.
866409022016


No comments:

Post a Comment