Pages

Wednesday, January 25, 2017

Một chuyến tham quan miền Bắc



Ra Hà Nội

Năm nay con rể tôi nghe chúng tôi có chương trình tham quan Hà Nội và vài danh lam thắng cảnh miền Bắc, nên đã liên hệ với một công ty du lịch ở Hà Nội, mua vé máy bay, đặt khách sạn, thuê tàu, thuê xe cho chúng tôi một chuyến tham quan.

Do không có chương trình từ trước, nên trong dịp cận Tết khó tìm vé, chuyến ra phải lấy vé Business Class, chuyến về lấy vé Economy Class.

Ngày 21 tháng 1 năm 2017, con rể tôi đưa ra phi trường lúc 5 giờ sáng, làm thủ tục rồi lên phòng đợi một chốc mới lên tàu để khởi hành vào lúc 6 giờ 35 sáng. Với nhà tôi, đây là chuyến tham quan lần đầu, còn tôi đã tham quan Hà Nội năm 2011, lần đó tôi và con rể trú ngụ tại Morning Star trên đường Hàng Hành, gần bờ Hồ Hoàn Kiếm, tôi có thì giờ thả bộ tham quan một ít phố phường trong Ba mươi sáu phố phường Hà Nội xưa.

Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam chuyến VN218, đáp xuống phi trường Phú Bài vào khoảng 9 giờ hơn, sau khi bay 1 giờ 45 phút. Ra khỏi phi trường Nội Bài, chúng tôi được tài xế đón trên con đường xa lộ mới từ Phú Bài qua cầu Nhật Tân để vào thủ đô Hà Nội, xe chạy trên đê, bên tay phải là sông Hồng, bên tay trái là nhà, đến một khoảng có nhà cửa dân cư bên tay phải, có một cổng Tam quan to, đó là cổng làng Phúc Xá.

Chạy một đoạn, xe rẽ trái rời khỏi đê, chạy vào phố đưa chúng tôi từ đầu đường đến số 47 Lò Sũ, đó là khách sạn Emerald Waters (Hanoi Emerald Waters Hotel), theo công ty giới thiệu, đây là khách sạn 4 sao.

Sau khi lấy phòng xong, chúng tôi đi ra Hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh, có một cập vợ chồng du khách người Úc gốc Việt, quê ở Cần Thơ vượt biên sang Úc từ năm 1978, thấy chúng tôi chụp ảnh liền chụp dùm cho chúng tôi tại bờ Hồ.


Chúng tôi cũng chụp vài tấm ảnh kỷ niệm tại cầu Thê Húc, vì là ngày Thứ Bảy cũng như ngày Chủ nhật, con đường Đinh Tiên Hoàng từ Cầu Gỗ đến Hàng Khay – Tràng Tiền cấm xe cộ lưu thông, nên trẻ em cũng như thanh thiếu niên ra đây chạy xe đạp hoặc chơi nhạc và ca hát.


Chúng tôi đi dọc theo bờ hồ, hết đường Đinh Tiên Hoàng, tiến tới đường Hàng Bài, để dùng cơm tại nhà hàng Ưu Đàm số 34 Hàng Bài, P. Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm. Đây là một nhà hàng, thức ăn nấu như nhà hàng Hum ở Sàigòn, những người phục vụ mặc đồng phục đen, đứng ngoài cửa nhìn vào cổng sẽ không thấy bàn ghế, nhưng bước qua khỏi cổng vài bước, bên tay phải có cầu thang dẫn lối lên lầu, tầng 1 hay tầng 2 có nhiều bàn cho thực khách, nơi đây có không gian yên tịnh, người ta có thể ăn trong chánh niệm.

Như đã hẹn, buổi chiều tài xế công ty du lịch Begodi, đưa xe đến đón chúng tôi đi tham quan vài điểm trong thành phố Hà Nội.

Trước tiên chúng tôi đi tham quan Văn Miếu, tôi nhớ lần trước đã tham quan Văn Miếu, tưởng là đầy đủ, nhưng khi về nhà xem lại tài liệu mới biết là phía sau còn có Quốc Tử Giám.


Muốn vào Văn Miếu, trước tiên người ta phải đi qua cổng Văn Miếu, qua khỏi cổng nầy là lối đi hai bên sân cỏ, đi hết sân cỏ đến cổng Đại Trung có 3 cửa ra vào, qua khỏi cổng Đại Trung lại có lối đi hai bên là sân cỏ, hết sân cỏ là Khuê Văn Các.


Qua khỏi Khuê Văn Các có cái hồ nước có tên là Giếng Thiền Quang.  


Hai giếng bên có 32 bia Tiến sĩ làm bằng đá đặt trên lưng rùa, bia khắc chữ Hán dựng từ năm 1484 đến năm 1780, ghi lại họ tên và quê quán của 293 Tiến sĩ của 39 khóa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Những Tiến Sĩ còn để lại tên tuổi như Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm. 


Trước kia vì để ngoài trời, dầm mưa dãi nắng cho nên hầu hết các bia chữ bị lạng mất không còn đọc được.


Muốn vào Văn Miếu phải đi qua Cổng Đại Thành cũng có 3 cửa, bên trong là sân rộng, hai bên có Tả vu, Hữu vu, đi hết sân đến Điện Đại Thành là nhà có 5 gian thờ Đức Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối.


Nếu như chúng ta không được biết, tưởng rằng viếng Văn Miếu thế là hết, nhưng không phải vậy, chúng ta phải đi dọc theo tưuờng của Văn Miếu cả hai bên sẽ dẫn ra phía sau là Quốc Tử Giám, bên tay phải có gác trống.  




Tay trái có gác chuông. 


Quốc tử Giám là tòa nhà xây lại trên nền cũ, có 2 tầng và 2 cầu thang gỗ để dẫn đường lên xuống lầu.


Nơi đây thờ ba vị vua là:

- Lý Thánh Tông (1023-1072) có công xây dựng Văn Miếu.
- Lý Nhân Tông (1066-1127) có công lập Quốc Tư Giám
- Lê Thánh Tông (1442-1497) có công dựng bia Tiến Sĩ


Và Chu Văn An (1292-1370) được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu cho nền giáo dục Việt Nam, được thờ ở Hậu đường, Quốc Tư Giám.


Rời Văn Miếu, chúng tôi đi viếng Chùa Một Cột, lúc chúng tôi đến nơi có một đoàn du khách Trung Quốc cũng đang viếng chùa, có nhiều người bái vọng, nhưng cũng có một số người theo các bậc thang lên chùa bái lạy trên đó.


Rời chùa Một Cột, chúng tôi đến viếng chùa Trấn Quốc, đây là lần đầu tiên chúng tôi được viếng chùa nầy, chùa nằm ở Hồ Tây.


Cổng chính của chùa dẫn vào phía sau chùa có nhiều tháp của chư tang đã viên tịch, chánh điện cửa đóng then cài, nên chúng tôi chỉ đứng trước sân bái vọng và chụp ảnh mà thôi.


Như thế, chánh điện của chùa hướng về phía Tây, cũng là nhìn ra Hồ Tây, mặt hậu có cổng tam quan hướng ra đường Thanh Niên là con đường chia cắt Hồ Tây với Hồ Trúc Bạch.


Khi ra về, tôi yêu cầu tài xế cho chúng tôi đi viếng chùa Quán Sứ, vì đó là ngôi chùa có một số nhà Sư đã tu trước khi vào Nam năm 1954, như ngài Tâm Giác, Thanh Kiểm, Thanh Cát là viện chủ chùa Giác Minh ở San Jose.


Cổng Tam Quan của chùa cho người ta nghĩ rằng, chùa bên trong sẽ nhỏ, nhưng không phải vậy, vào trong phải bước lên nhiều bậc thang mới lên đến Chánh Điện, nhìn mặt tiền chúng ta có thể thấy, chánh điện có 5 cửa chánh và 2 cửa phụ ra vào. Tiếc rằng tôi không có thời gian để đi tham quan chùa, nên sau khi lễ ở Chánh điện, chúng tôi rời khỏi chùa đi ăn cơm chiều, để cho tài xế về sớm, đi chúc Tết cơ quan.


Lần trước chúng tôi dùng cơm trưa ở hiệu cơm chay Nàng Tấm, tọa lạc tại 79A đường Trần Hưng Đạo, lần nầy chúng tôi cũng đến đây, chúng tôi gọi một đĩa gõi củ hủ dừa, cơm rang và nem ráng. Cơm rang quá nhiều dầu, ngược lại món củ hủ dừa, ngon và nhiều hơn những hiệu ăn chay khác, ngay cả nhà hàng chay Tạ Ơn thuộc xứ dừa Bến Tre.


Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi lấy Taxi đi về khách sạn, tuy là giờ tan tầm, cũng là gày giáp Tết, nhưng tài xế chọn đường thông thoáng nên chúng tôi không bị kẹt xe.

Trơ về khách sạn một lúc, chúng tôi đi tham quan phố đêm,  chúng tôi ra phố Hàng Đào, Hàng Ngang nhìn thấy 2 bên người ta bán áo quần, ở giữa đường người ta đang dựng lều, sạp bày hàng ra bán chợ đêm.

Hôm đó trời lạnh 14o C, tương đương 53o F, nhưng cái lạnh của Hà Nội, có vẻ ẩm ướt nên rét hơn những nơi khác cùng độ ấy. Do từ ngày về chúng tôi không đi bộ thể dục, nay đi ăn trưa, đi tham quan chùa chiền cộng thêm cái rét của Hà Nội, chúng tôi đi đến ngã Tư Hàng Bạc – Hàng Ngang - Hàng Bồ rồi quay về khách sạn.

Đêm ấy vì cái lạnh của Hà Nội, vì cả ngày đi bộ chúng tôi ngủ một giấc an lành.


Mời xem Video clip: Chợ Hoa 27 Tết ở Hà Nội

 


866425012017





No comments:

Post a Comment