Pages

Wednesday, February 15, 2017

Viếng Chùa chiền vùng Thất Sơn - Châu Đốc



Sáng sớm ngày 9-2-2017, chúng tôi đi viếng chùa vùng Bảy núi, khởi hành từ Bình Hòa, gồm có vợ chồng chúng tôi, con thứ hai, vợ chồng con thứ tư, con thứ năm, con thứ bảy của chị tôi và đứa cháu con rể gọi tôi bằng ông.

Trước tiên chúng tôi đến Ba Chúc viếng Tam Bảo Tự, đây là nơi thờ tự của Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng gọi là Đạo Hiếu Nghĩa, là tông phái của đức Phật Thầy Tây An.


Xin nhắc lại, vào giữa thế kỷ 19, đức Phật Thầy Tây An hành đạo tại Tây An Cổ Tự thuộc quận Chợ Mới, vì ngài chữa bệnh thiên thời lúc đó, nên có rất nhiều người theo, chánh quyền nhà Nguyễn sợ Ngài làm lãnh tụ nghĩa binh, nên bắt giam, nhưng sau đó biết Ngài là bậc chân tu, nên buộc Ngài phải quy y theo Phật giáo chân truyền thuộc dòng Lâm Tế tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam Châu Đốc, chùa nầy là chi nhánh của phái Lâm Tế của chùa Giác Lâm, trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Tp. HCM ngày nay.


Vì Ngài chuyên niệm Phật, nên sau đó Ngài vào chùa Hang tu, nơi đây gọi là trại ruộng và thu nhận các đệ tử, truyền mối đạo, sau được gọi là Tứ Ân hay Bửu Sơn Kỳ Hương hay Hiếu Nghĩa, về sau Ngài tịch, mộ Ngài chôn cất tại chùa Tây An ở Châu Đốc.

Nơi đây tín đồ thờ phượng và hành lễ khác hơn Phật giáo Việt Nam.

Chúng tôi có đến tham quan nơi để xương cốt của những người bị Khmer đỏ giết hại năm 1978.

Tại đây có xây dựng một cái đài, bên trong chia thành 4 khu, có 4 cửa vào ra, mỗi khu có ghi xương cốt của trẻ em, phụ nữ, nam giới, người già. Ở chính giữa có bàn thờ, có đỉnh cắm hương, tôi đã đốt một nén hương để tưởng niệm người cậu, an hem chú bác với mẹ tôi, đã bị giết tại đây.



Sau đó, chúng tôi đến viếng Đình Phi Lai, nơi đây còn để nguyên dấu máu của những nạn nhân trên tường.


Ngay phía sau Đình Phi Lai là Phi Lai Tự, gần như Đình Phi Lai ở trong khuôn viên chùa Phi Lai vậy.


Có thể nói, trong quần thể Tam Bảo Tự, Phi Lai Tự, Đình Phi Lai, Nhà Mồ Ba Chúc và Nhà Trưng Bày Chứng Tích Tội Ác Bọn Pôn-Pốt nằm trong một khu vực.


Phía sau ngôi nhà nầy là Chùa Phi Lai, kế liền theo đó là Đình Phi Lai, bên phải là Nhà Mồ Ba Chúc và trước mặt là Tam Bảo Tự.

Sau khi rời Ba Chúc, chúng tôi đi viếng quần thể chùa Phật Lớn, Tượng Phật Di Lặc và Vạn Linh Tự trên núi Cấm hay có tên chữ là Thiên Cấm Sơn.

Trong dân gian người ta thường nói; “Năm non, bảy núi”. Trong vùng Tịnh Biên, Nhà Bàn, Tri Tôn có nhiều ngọn núi, trong đó có bảy ngọn núi được chọn, gọi là Thất sơn, tuy không thống nhất về bảy ngọn núi này, nhưng nhiều người cho rằng Thất sơn gồm có:

1.- Núi Cấm (Thiên cấm sơn)
2.- Núi Dài Năm Giếng (Ngũ hồ sơn)
3.- Núi Cô Tô (Phụng hoàng sơn)
4.- Núi Dài (Ngọa long sơn)
5.- Núi Tượng (Liên hoa sơn)
6.- Núi Két (Anh vũ sơn)
7.- Núi Nưóc (Thủy đài sơn)

Năm non đó là 5 đỉnh cao của một ngọn núi, cũng gọi là vồ, Cấm sơn gồm có 5 vồ là:

1.- Vồ Bồ Hong, có lẽ xưa kia có nhiều con bồ hong nên lấy đó gọi tên, cao 716 thước so với mực nước biển, là vồ cao nhất.
2.- Vồ Đầu cao 584 thuớc.
3.- Vồ Bà, cao 579 thước, có điện thờ bà Chúa Xứ.
4.- Vồ Thiên Tuế, cao 541 thước, trước kia có nhiều cây thiên tuế.
5.- Vồ Ông Bướm hay Ông Vôi, cao 480 thước, theo truyền thuyết có hai người Khmer tên là ông Bướm và ông Vôi đến cư ngụ tại đây.

Còn nhiều vồ khác như Vồ Chư Thần, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng …..


Chúng tôi đi núi Cấm lần nầy là lần thứ 3, lần thứ nhất năm 2014, đi bằng xe ôm, vì năm đó đi khi người ta dọn sạch những hòn đá chông chênh, trước đó có một phiến đá lăn xuống đường gây tai nạn chết khoảng 7 người, lần đi nầy tạo cảm giác mạnh ghi lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, lần sau vào năm 2015, chúng tôi đi xe 7 chỗ do khu du lịch núi Cấm độc quyền và lần nầy đi với Cáp treo. 



Chúng tôi gôi gồm có 8 người ngồi gọn 1 cabin. Nhìn bên ngoài thấy núi và rừng cây xanh tươi.



Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm trước chùa Phật Lớn.



Chụp ảnh lưu niệm trước tượng Phật Di Lặc. 


Lần nầy tôi có vào bên trong, thấy chưa hoàn thiện, ở giữa có khoảng trống rộng, xung quanh có thể có những phòng và tầng lầu 1, lầu 2 cũng vậỵ


Chúng tôi chưa có duyên để lên tháp chùa Vạn Linh, vì tháp chỉ cho lên vào Mồng Một hay ngày Rằm. Tôi đã có duyên lên tháp chùa Linh Mụ ở Huế vào năm 1965, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bái Đính.


Hai lần trước, Chánh Điện chưa xong, lần nầy vào tầng trệt thờ Sơ Tổ, Hòa Thượng bổn sư của Ngài Thích Trí Tịnh và HT. Thích Trí Tịnh.


Tầng trên tôn tượng đức Bổn sư ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề trông thật uy nghi và cây Bồ Đề vĩ đại với cành lá xum xê.


Sau khi viếng Vạn Linh Tự, chúng tôi ra về, ghé ngang qua Tây An Tự, tôi vào lễ Phật, sau mấy chục năm qua, nay chánh điện đã đổi mới, xưa Tượng Phật như bằng đồng đen, trên có để một cái khăn đỏ như tượng những chùa xưa khác, nay tất cả đều sơn phết vàng.




Ở Hậu Tổ có nhiều tượng của chư Hòa Thượng trụ trì, nhưng không có tượng của đức Phật Thầy Tây An.

Sau đó, tôi sang miễu Bà Chúa Xứ, từ Tết người ta đi lễ Bà cho đến ngày Vía Bà 24 tháng 4 hàng năm.



Lúc nào cùng có đông người cúng kiếng, nào heo quay, trái cây, nhang đèn, trong chánh điện không có chỗ bày lễ vật cúng kiếng, phía sau những người vái, lạy có thêm bàn để bày biện lễ vật cúng.


Nhìn thật kỷ, chúng ta sẽ thấy tượng Bà ở chỗ vòng tròn đỏ iữa hình. Rời khỏi nơi đây, chúng tôi viếng Quảng Đạo Tự trên đường từ núi Sam ra Châu Đốc, cách chùa Tây An không xa.
 

Bên trong chánh điện thờ Tam Thế Phật.

Trước chùa có hồ nước, có nhà thủy tạ, có hình những con rồng, có lẽ chùa Quảng Đạo chịu ảnh hưởng chùa Trung Quốc hơn là chùa Việt Nam.

Đây là ngôi chùa chúng tôi viếng chùa, lễ Phật sau cùng, cũng như Tây An Tự, đều là những ngôi chùa nằm trong vùng Thất sơn.

Tuy nhiên chỉ có Vạn Linh Tự là ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất và cùng hiện đại nhất trong vùng Thất sơn nầy, trước chùa là hồ nước hàng chục mẫu, nhìn xa hơn dưới kia là đồng bằng Sông Cửu Long, miền Tây sông nước hữu tình, người dân hiền hòa, chùa chiền xưa nay vẫn là nơi để người ta tu tâm dưỡng tánh, đến Thất sơn học đạo, tầm sư.

866413022017

No comments:

Post a Comment