Để đi và về
trong ngày, chúng tôi hẹn khởi hành từ 3 giờ sáng, vậy mà cũng phải đến 4 giờ
kém 15 mới khởi hành tại chợ Bình Hòa, An Giang.
Đi ban đêm
ít xe, xe chạy an toàn và được nhanh chóng, cho đến khi qua khỏi Ngã Bảy, vào
đường đi tắc qua Bạc Liêu, chúng tôi mới dừng xe ăn sáng.
Nơi chúng
tôi viếng đầu tiên là Quán Thế Âm Phật Đài, thuộc Phường Nhà Mát, Thành phố Bạc
Liêu, cách thành phố chừng 8 km, nơi đây có tượng đài Quán Thế Âm, tượng cao
11m nhìn ra biển Đông nên còn được gọi là tượng Mẹ Nam Hải, trước kia nước biển
có khi tràn vào tận chân tượng đài, nhưng sau nầy đất bồi lần lần, cây mọc nhiều,
nay không còn nhìn thấy biển.
Trong quần
thể nầy có tượng đài Quán Thế Âm.
Bên tay phải
của tượng là điện thờ Quán Thế Âm. Ngài có trăm tay, nghìn mắt để nhìn thấy, ra
tay cứu độ chúng sinh ở cõi Ta Bà.
Bên tay
trái là điện thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị Bồ Tát cứu độ những linh hồn bị sa địa
ngục, để được sinh về cõi khác.
Rời khỏi Quán
Âm Phật Đài, chúng tôi theo quốc lộ 1A đến viếng Thánh Đường Tắc Sậy, nằm trên
địa bàn xã Tân Phong, thị xã Giá Ray, tỉnh Bạc Liêu.
Thánh đường
có nhà nguyện có lầu ở giữa, bên tay phải có dãi nhà và bên tay trái có dãi nhà
thờ cha Trương Bửu Diệp, giũa nhà nguyện và nhà thờ có ngôi nhà mồ cha Diệp,
đây là nơi đã cải tang từ bên phải sang bên tay trái.
Thấy chúng
tôi định chụp ảnh bên trong nhà thờ cha Diệp, một cô gái lịch sự nhận chụp cho
tôi tấm ảnh.
Sau đó tôi
đi vào nhà mồ cha Diệp, nơi đây xây cất giữa Nhà nguyện với Nhà thờ cha Diệp và
lui về phía sau một chút.
Trong nầy
ngoài tượng của Cha Diệp còn có mộ của cha. Nhà tôi và cô cháu dâu chụp ảnh kỷ niệm.
Rời Thánh
đường Tắc Sậy, chúng tôi trở lại Bạc Liêu đi viếng Mẹ Đông Hải, là tượng đức
Quán Thế Âm tại chùa Hưng Thiện tọa lạc tại ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội huyện Vĩnh
Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu hơn 10 km.
Muốn vào
đây, có 2 cách, có trạm dừng xe rồi dùng thuyền máy đưa vào, hoặc có chỗ dừng
xe rồi dùng xe ôm đi vào.
Bức tượng
hoàn thành, chiều cao từ dưới mặt đất đến hết bức tượng là 45m, riêng chiều cao
tượng Phật Bà trên 33m.
Tượng đặt
trên một tòa sen, dưới là cọng sen, chung quanh là một tầng cao, bên dưới là một
điện thờ Thiên Thủ, Thiên Nhãn tựa vào cột chống chính và những cột phụ nhỏ. Có
trên 50 bậc thang để bước từ dưới lên tầng trên.
Trong sân
chùa có hai hàng tượng Phật Quán Thế Âm, một bên 17 tượng ngồi, một bên 17 tượng
đứng.
Giữa sân có chỗ cho Phật tử chiêm bái, tại đây có thể nhìn thấy toàn bộ
tượng đức Quán Thế Âm.
Chúng tôi
chụp ảnh lưu niệm ở giữa sân với mấy anh Nam phái.
Nhà tôi cũng
chịu khó leo lên tầng trên, để lễ bái và chụp ảnh.
Đây có thể
được xem là bức tượng Phật Bà, chẳng những lớn nhất ở Bạc Liêu mà còn ở cả Miền
Tây ngày nay.
Rời khỏi
đây, chúng tôi đi về Sóc Trăng để viếng chùa Sà Lôn trong khu chùa nầy còn có
ngôi chùa cẩn miểng chén, dĩa kiểu nên còn gọi là chùa Chén Kiểu.
Chùa Sà
Lôn (Wath Sro-Loun hay Wath Chro Luong),
là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên quốc lộ
1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu, nay thuộc
xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Tương truyền,
từ năm 1815 chùa Sà Lôn được xây dựng bằng cây lá, được trùng tu nhiều lần.
Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh sập ngôi chánh điện. Năm 1969, sư cả
Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chánh điện,
sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp, v.v... bằng vật liệu kiên cố. Đến
năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành. Nhưng do thiếu kinh phí, nên nhà
chùa có sáng kiến dùng chén dĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Tên
chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ đó.
Trong chùa
hiện còn lưu giữ một số đồ gỗ được nhà chùa mua lại trong phần gia sản của
"Công tử Bạc Liêu" (Trần Trinh Huy) năm 1947, với giá khá cao. Đó là
chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 2 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè. Tất
cả đều được chạm, khảm rất tinh tế.... Ngoài ra, trong chùa hiện cũng đang lưu
giữ một bộ điêu khắc gỗ tinh xảo.
Ngoài chùa
chén kiểu ở phía sau, còn có tượng Phật đứng khá cao, hai tượng Phật tĩnh tọa
dưới những tàng cây to bóng mát.
Một khu tượng
tích Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, khi Hoàng hậu Ma-Gia vịn cành cây Vô Ưu.
Một khu tượng
tích đức Phật với 5 vị đệ tử, trong đó có Kiều-Trần-Như
Gần chùa
chén kiểu với bồn nước, trong xó nhỏ có 7 cái Thum làm bằng lá dừa nước, để cho
các Sải tĩnh tu.
Người ta viếng
chùa Sà-Lôn, phần đông do hiếu kỳ muốn đến xem cập giường ngủ mùa Hè (có lát đá
cẩm thạch, nằm cho mát) và giường ngủ mùa Đông. Ít ai ra khu phía sau Chánh điện
để chiêm bái các thánh tích, tham quan chùa chén kiểu, cũng là sự thiếu sót.
Sau khi
tham quan chùa Sà-Lôn, chúng tôi lên xe trở về lúc 3 giờ 45, từ đó về Cần Thơ
75 km, từ Cần Thơ về Long Xuyên 55 km và từ Long Xuyên về Bình Hòa khoảng 15
km. Cho nên đến 8 giờ tối, chúng tôi mới về đến nhà.
Thật là một ngày đáng ghi
nhớ vì được viếng nhiều nơi danh tiếng ở Miền Tây, trong đó có cha Trương Bửu
Diệp được nhiều người biết, nhưng ít ai được viếng nơi an nghỉ của cha. Tôi lần
đầu tiên được chiêm ngưỡng tượng đức Quán Thế Âm rất cao lớn, âu cũng là duyên
phước lớn được chiêm bái Ngài vậy.
No comments:
Post a Comment